Translate

Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2019

Nửa và nguyên...Ổ bánh mì !

Thế là ông Trần Bắc Hà đã “băng hà” sau 7 tháng trở thành bị can, không kịp ra tòa “thụ hưởng” quyền lợi của bị cáo. Ông trở về với cát bụi như mọi người, chấm dứt cuộc đời đầy sóng gió của một đại gia ngập tràn danh tiếng và tai tiếng. Ông là người lừng danh trên mọi “sân chơi”, từ thương trường, chính trường, cho đến tình trường.

Sau khi ông mất, dĩ nhiên có nhiều người khóc, đó là vợ, con, chú, bác… những người gần gũi nhất khi ông còn sống. Ông gây ra ra không ít sai phạm, thậm chí sai phạm cực kỳ nghiêm trọng, chuyện ấy thuộc “sân chơi” của pháp luật, ông trở thành “khổ chủ” đối với các cơ quan chức năng. Tình cảm riêng tư, trước hết trong nội tộc và gia đình, ông vẫn là người thân của nhiều người trĩu nặng ân tình với người đã quá cố.
Người thân khóc khi biết tin ông qua đời, người ta quặn đau khi tiễn đưa ông về nơi yên nghỉ cuối cùng. Đó là tình người, là đạo làm người của những người thân tình dành cho ông. Dù gì đi nữa, kể cả tướng cướp khét tiếng, khi chết vẫn là lúc “nghĩa tử là nghĩa tận” xót xa nhức nhối của người thân.
Thường thì, với những người bình thường, chiếm tỉ lệ áp đảo trong xã hội, khi chết, tuyệt nhiên không có ai cười. Phải là đối tượng đặc biệt, cỡ như ông Trần Bắc Hà hoặc hơn thế, khi chết trở thành cơ hội cho kẻ khác “mừng thầm” và đắc chí… cười toại nguyện.
Trong thời gian tạm giam, hàng ngày đối diện với cơ quan điều tra, ông Hà đã khai những gì, còn những gì ông chưa khai ra. Chỉ riêng chuyện đó, làm cho một số quan tham, kể cả thượng cấp của ông, như ngồi trên lửa, ăn không ngon, ngủ không yên. Nếu ông khai ra, chỉ cần “vén màn” một phần sự thật của những sai phạm tày trời, sẽ có những kẻ, có cả nguyên là thượng cấp của ông, khó thoát khỏi tội phạm.
Có những kẻ, vốn là thượng cấp của ông, nếu vì lý do “tế nhị” làm cho cán cân công lý bị tê liệt, chỉ cần ông khai ra giữa pháp đình, bêu danh trước phiên tòa, chỉ cần như vậy khác chi “lột hết quần áo” thằng cướp ngày giữa chợ.
Những kẻ cướp ngày cùng nhóm với ông, kể cả thượng cấp, rất lo sợ ông khai ra sự thật, đó là thuốc độc cao liều đối với chúng nó. Bây giờ ông đã chết, bọn chúng cười vui hả hê, coi chuyện ông chết như là diệt người bịt khẩu. Không lộ diện ra mặt, nhưng tận trong sâu thẳm trái tim đen, chúng nó đón nhận cái chết của ông như là sự… toại nguyện tuyệt vời.
Người với người là bạn, điều đó chỉ đúng với người tử tế. Quan tham với quan tham, trong mơ cũng không có tình bạn, chúng nó chỉ là đồng bọn, bầy đàn. Để cướp miếng mồi, chúng nó sẵn sàng xâu xé ăn thịt lẫn nhau.
Dưới đây là tổng hợp của tác giả Hồng Hà, xin được chia sẻ cùng các bạn.
Trần Bắc Hà, sinh năm 1956 tại Hà Tây, nguyên quán huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Là con trai út của liệt sĩ Trần Đình Châu, một liệt sĩ có tên đường ở Bình Định. Trần Bắc Hà được xem là lưu manh tài phiệt số một Việt Nam. Là chủ tịch ngân hàng có quyền lực và sức ảnh hưởng xếp hàng đầu trong giới tài chính lẫn chính trường VN trong suốt một thập kỷ qua. Có người gọi Bắc Hà là “Mafia” cũng không có gì là sai.
Bắt đầu vào làm việc ở BIDV năm 1981. Sau 10 năm công tác, tháng 7/1991, Bắc Hà được bổ nhiệm làm Giám đốc BIDV Chi nhánh Bình Định khi vừa tròn 35 tuổi. Tháng 10/1999, là Phó Tổng giám đốc BIDV. Bắc Hà có hơn 20 năm lần lượt giữ chức Tổng Giám đốc BIDV (2003-2007), Bí thư đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng quản trị (2008-2016).
Ngoài lĩnh vực ngân hàng, Trần Bắc Hà từng là Chủ tịch Hội đồng quản trị các công ty: Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Campuchia (IDDC), Công ty Đầu tư và Phát triển Myanmar (MIDC), Công ty TNHH Hai thành viên Đầu tư phát triển quốc tế (IIDC), Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia (AVIC), sang Lào (AVIL) và sang Myanmar (AVIM).
Trần Bắc Hà rất thân cận với Nguyễn Tấn Dũng. Khi ông Dũng làm Phó Thủ tướng Thường trực, thì Hà là TGĐ BIDV. Hai nhiệm kỳ ông Dũng làm Thủ tướng, cũng từng ấy thời gian Hà làm Chủ tịch HĐQT BIDV.
Nguyễn Tấn Dũng có 20 năm ngồi trong Bộ Chính trị, thì Bắc Hà cũng có chừng ấy thời gian “làm mua làm gió” trong thị trường tiền tệ quốc gia.
Tháng 3/2016, ông Dũng rời chính trường, thì ngày 1/9/2016, Hà nghỉ hưu. Ngân hàng BIDV thời hậu Trần Bắc Hà với một đống “nợ xấu” khổng lồ. Hầu hết các đại dự án ngàn tỷ, nay trở thành đống sắt vụn, đều có vốn vay từ BIDV. Riêng Hoàng Anh Gia Lai đã nợ vài chục ngàn tỷ…
Ngân hàng BIDV thì thua lỗ, nợ xấu, còn gia sản của gia đình Trần Bắc Hà lại “phình to” bất thường.
Sau khi nghỉ hưu, Trần Bắc Hà thành lập Công ty Sy Bun Huong (tên theo tiếng Lào) tại bản Kè, huyện Pakse, tỉnh Champasak, Lào. Tính đến tháng 6/2018, tổng giá trị tài sản của gia đình Trần Bắc Hà tại Lào là gần 15.000 tỉ đồng. Gồm 1 dự án 2500 tỷ, trồng cây chanh dây tại huyện Paksong, tỉnh Champasak trên diện tích 10.000 ha và 1 dự án trồng chuối 12.500 tỷ, tại tỉnh Savannakhet (cạnh cửa khẩu Lao Bảo) trên diện tích 50.000 ha. Một nhà máy chế biến nước uống đóng hộp, và Hà mua thêm đất để mở rộng quy mô sản xuất.
Ở Bình Định, Hà và vợ là Ngô Kim Lan có Resort 4 sao tên Hoàng Gia Quy Nhơn. Resort này được Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai chuyển nhượng cho Công ty CP Hoàng Anh Đất Xanh Quy Nhơn do Ngô Kim Lan đại diện pháp luật vào trước năm 2010 với giá 135 tỉ đồng. Đến cuối năm 2017, Ngô Kim Lan chuyển nhượng toàn bộ phần vốn của mình tại công ty CP Hoàng Anh Đất Xanh Quy Nhơn cho em ruột là Ngô Thị Kim Oanh, sống tại TP.HCM.
Dư luận cho rằng, gia đình Hà còn có rất nhiều dự án khác nữa, có tổng mức đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Con gái Trần Bắc Hà là Trần Lan Phương, hiện đang sở hữu Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thiên Hưng. Công ty này thành lập năm 2014 với vốn điều lệ 50 tỷ đồng, sau đó đã tăng lên 300 tỷ đồng.
Năm 2017, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thiên Hưng, Công ty cổ phần Tập đoàn An Phú và một công ty thuộc tập đoàn địa ốc lớn được UBND tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu phức hợp Khách sạn, Thương mại và Căn hộ cao cấp Thiên Hưng.
Công ty cổ phần Tập đoàn An Phú được thành lập năm 2009 với số vốn điều lệ 200 tỷ đồng, do con trai Trần Bắc Hà là Trần Duy Tùng sáng lập và làm Chủ tịch HĐQT. Công ty cổ phần Tập đoàn An Phú là chủ đầu tư dự án Khu đô thị thương mại An Phú với tổng vốn đầu tư 298 tỷ đồng.
Ngoài ra, Tập đoàn An Phú của Trần Duy Tùng còn đầu tư vào:
– Dự án bò thịt quy mô 5.669 ha ở Hà Tĩnh;
– Đầu tư, nắm 51% vốn Công ty cổ phần Khoáng sản và Luyện kim Vạn Lợi Bắc Kạn.
– Chủ đầu tư dự án Khu liên hợp gang thép công suất 250.000 tấn/năm và Nhà máy nung tuyển quặng sắt công suất 600.000 tấn/năm tại Khu công nghiệp Thanh Bình, huyện Chợ Mới.
– An Phú từng đề xuất liên danh với đối tác Slovakia để triển khai các dự án chiếu sáng công cộng bằng đèn Led tại các đô thị ở Việt Nam. Doanh nghiệp này cho biết năm 2014 đã ký thỏa thuận tài trợ trị giá 200 triệu Euro với Ngân hàng Eximbanka của Slovakia cùng 1 ngân hàng lớn trong nước.
Trần Bắc Hà từng bị BCA điều tra vì liên đới trong vụ án Phạm Công Danh, sau đó được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Với thế lực kinh khủng, kết thân với nhiều lãnh đạo cấp cao trong Bộ Chính trị, có mối quan hệ với các tướng lĩnh Bộ Công an lẫn Bộ Quốc phòng…, ai cũng nghĩ Hà bất khả xâm phạm.
Quyết không để lọt lưới “con cá mập” Trần Bắc Hà, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã vào cuộc, kết luận sai phạm và khai trừ Trần Bắc Hà ra khỏi đảng Cộng sản. Sợ bị bắt giam, Hà cáo bệnh rồi trốn biệt. Ngày 25/11/2018, đặc nhiệm đã bắt được Trần Bắc Hà tại một thị trấn gần biên giới Lào – Campuchia. Hà được đưa về Việt Nam, giam tại trại T771, thuộc Cục điều tra hình sự Bộ Quốc phòng.
Thông tin Trần Bắc Hà bị bắt, áp giải về Hà Nội đã gây chấn động thị trường chứng khoán, giới tài chính ngân hàng, lẫn chính trường Việt Nam. Nhiều chính trị gia đương nhiệm, hoặc đã nghỉ hưu đều không khỏi giật mình.
Hơn 7 tháng bị tạm giam, Hà hầu như không khai báo, bất hợp tác lấy cung, chỉ ngồi thiền và niệm kinh sám hối. Hồi 6g30 sáng 18/7/2019 Hà được đưa vào Viện 105 của Quân đội, đóng tại thị xã Sơn Tây, nhưng đã chết trước khi vào đến bệnh viện. Thi thể Trần Bắc Hà được chuyển đi bảo quản lạnh tại Bệnh viện Bạch Mai hồi 1h ngày 19/7/2019. Ngày 22/7/2019, gia đình sẽ tổ chức khâm liệm và cùng ngày chuyển vô TP HCM để an táng.
Quan chức cơ quan ban ngành, cấp tỉnh thành cũng như các đại gia Việt Nam thường hay khoe mẽ, bệnh sĩ, phô trương thanh thế. Nhà có đám, doanh nghiệp khai trương, khánh thành, tổng kết… phải mời cho bằng được lãnh đạo tầm “đại ca” xuất hiện. Nhiều người biết, giỗ bố Thân Đức Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết hiện diện; giỗ mẹ Vũ “nhôm” không vắng mặt Trần Đại Quang và Nguyễn Bá Thanh; giỗ ở nhà Út “trọc” luôn xuất hiện một, hai Ủy viên Trung ương.
Trần Bắc Hà cũng nằm trong “gu” đó. Khai trương chi nhánh BIDV ở nước ngoài hoặc trong nước, lúc nào cũng tầm Thủ tướng, Phó Thủ tướng đến dự. Bắc Hà nói chuyện khúm núm cỡ Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, còn lại cấp Bộ trưởng, Bí thư, Chủ tịch tỉnh, thành thì xem như ngang cơ.
Thời làm ông trùm ở BIDV, quản lý hàng trăm ngàn tỉ VNĐ của quốc gia, Trần Bắc Hà xem như đó là tài sản của tộc họ mình. Hà có quyền ban phát cho tập đoàn, đơn vị, công ty… dự án nào mình thích, mình ưu đãi. Hà thuộc tuýp người “thượng đội hạ đạp”.
Ngày 28/12/2012, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 158-QĐ/TW, về việc thành lập Ban Nội chính Trung ương; Quyết định số 159-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Nội chính Trung ương; Quyết định số 655-QĐNS/TW về việc phân công Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, giữ chức Trưởng ban Nội chính Trung ương, Hà rất nhạy khi “đánh hơi” thấy sự nguy hiểm khi mà Bá Thanh được ông Trọng, ông Sang kéo ra trung ương để “quyết đấu” với Ba Dũng.
Để lấy lòng Bá Thanh và nắm quy luật “đồng tiền đi trước đồng tiền khôn”, khi Bá Thanh chưa cầm tờ quyết định bổ nhiệm Trưởng ban Nội chính, ngày 6/1/2013, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Bắc Hà đã có buổi làm việc với Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh, Chủ tịch UBND TP Văn Hữu Chiến và lãnh đạo các sở, ngành hữu quan về việc hỗ trợ doanh nghiệp Đà Nẵng vay vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị. Tại đây, Bắc Hà BIDV cam kết sẽ dành 11.300 tỉ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn Đà Nẵng.
Đợt giải ngân đầu tiên, Bắc Hà dành cho Tập đoàn Sun Group (đang thâu tóm bất động sản Đà Nẵng) vay 2.500 tỷ đồng, Trung Nam Group (Bá Thanh bảo kê) vay 1.800 tỷ đồng, Công ty Đà Nẵng Miền Trung vay 600 tỷ đồng, Công ty Đức Mạnh 579 (Bá Thanh bảo kê) vay 500 tỷ đồng, Công ty Bắc Nam 79 (Bá Thanh – Vũ Nhôm) vay 300 tỷ đồng, Công ty Khởi Phát (của Nguyễn Bá Cảnh, con trai Bá Thanh) vay 300 tỷ đồng.
Bắc Hà BIDV cũng đăng ký mua hết phần trái phiếu còn lại trong số trái phiếu trị giá 5.000 tỉ đồng mà TP Đà Nẵng vừa phát hành. Trước đó, Bắc Hà kéo Ngân hàng Đại Dương và Tổng Công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam mua trái phiếu của TP Đà Nẵng trị giá tổng cộng 1.500 tỉ đồng (mỗi đơn vị 750 tỉ đồng).
Khi Phùng Quang Thanh nắm chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Trần Bắc Hà cũng duyệt cho Phùng Quang Hải, con trai Phùng Quang Thanh, Tổng Giám đốc Cty 319, một gói tín dụng ưu đãi ngàn tỷ.
Quan hệ giữa Bắc Hà và Thống đốc Nguyễn Văn Bình (hiện là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương) khăng khít “như môi với răng”. Phải nói rằng, nếu không có Bắc Hà, thì không có một Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Văn Bình hôm nay.
Là “quản gia số 1”, tận tuỵ và trung thành, phục tùng tuyệt đối “anh Ba” Nguyễn Tấn Dũng, Trần Bắc Hà đã giúp cho Nguyễn Thanh Phượng thâu tóm Ngân hàng Gia Định và “bơm” cho Phượng số tiền đủ… 3000 tỷ VNĐ để Phượng xóa tên Ngân hàng Gia Định và thành lập VinaCapital Bank.
Với Tô Huy Rứa, thời Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trần Bắc Hà đã đưa Tô Huy Vũ, con trai ông Rứa, lên Vụ trưởng Vụ thống kê Ngân hàng Nhà nước. Nay Vũ là Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế NHNN.
Theo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, dự án Nhà máy xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTEX) do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Dệt may (Vinatex) hợp tác đầu tư, có giá trị nghiệm thu tại thời điểm thanh tra gần 365 triệu USD. Sau 2 năm đi vào hoạt động, dự án đã để thua lỗ hơn 1.400 tỷ đồng. Trần Bắc Hà cũng duyệt cho vay và có nguy cơ mất vốn tại đây hơn một ngàn tỷ.
Phó TGĐ Vinatex Hoàng Vệ Dũng chính là anh trai của Hoàng Trung Hải.
Trần Bắc Hà câu kết với Bí thư Bình định Nguyễn Văn Thiện, Bí thư Đinh La Thăng, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh để thâu tóm Cảng Quy Nhơn.
Trần Bắc Hà cực chẳng đã phải liên kết với Cty Khoáng sản Hợp Thành trong thâu tóm Cảng Quy Nhơn với giá rẻ như bèo, 404 tỷ VNĐ.
Chủ tich HĐQT công ty này là Lê Hồng Thái, sinh năm 1974, một “nhóc con” khởi nghiệp từ việc buôn bán vật liệu xây dựng tại TP Thái Bình.
Năm 2013, vào thời điểm bắt đầu thâu tóm Cảng Quy Nhơn, Khoáng sản Hợp Thành có tổng tài sản 2.733,6 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 460 tỷ đồng, nắm trong tay một loạt công ty con như công ty Gang thép Hà Tĩnh, công ty Sắt Vũ Quang, công ty Hóa Cốc Hà Tĩnh, công ty Khoáng sản Vạn Lợi Quảng Ngãi, công ty sản xuất Sô Đa Chu Lai, công ty Khoáng sản Miền Trung…
Hợp Thành là đơn vị được giao thực hiện hàng loạt dự án từ Bắc chí Nam, như Dự án xây dựng tòa nhà văn phòng Mitec, tòa nhà Văn phòng 69 Nguyễn Du, Dự án khách sạn SeaDragon tại Quảng Ninh, Dự án Nhiệt điện Thái Bình, Nhiệt điện Vũng Áng, Khu liên hiệp gang thép Hà Tĩnh, … và cung cấp máy móc thiết bị cho các Dự án trọng điểm của ngành Dầu khí, Nhà thầu thi công xây lắp công trình Khách sạn Dầu khí Thái Bình, Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhiệt điện Vũng Áng, dự án HH3– khu đô thị Nam An Khánh… và những thương vụ mua bán đình đám như mua 24,27% cổ phần cảng Vinalines Đình Vũ hay thương vụ “sang tay” 70% cổ phần của tổ hợp khách sạn Daewoo từ tay công ty TNHH MTV Hanel vào những năm 2015-2016.
Ai không biết chứ Trần Bắc Hà thì biết rõ, Hợp Thành là “sân sau” của Đinh La Thăng và Hoàng Trung Hải. Và Lê Hồng Thái (tức Vân) chính là em con dì ruột của ông Phó thủ tướng gốc Hoa này.
Phải công nhận Trần Bắc Hà tuy tạo nên một “đế chế tài chính”, song là người rất nặng lòng với quê nội Hoài Ân, Bình Định. Đó cũng là lý do dễ hiểu vì sao dàn nhân sự chủ chốt của BIDV có nhiều người quê Bình Định.
Những gói tài trợ vốn vay lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng, Bắc Hà dành cho tỉnh nhà và các tập đoàn, công ty đầu tư vào Bình Định. Sẵn tiền bạc lẫn quyền lực trong tay, Bắc Hà bỏ ra hàng chục tỷ, thậm chí hàng trăm tỷ để xây Khu văn hoá tâm linh, xây chùa, tôn tạo đình làng, xây Khu lưu niệm gia đình và làm công tác từ thiện xã hội.
Mỗi năm Bắc Hà thường về quê hai, ba lần, trong dịp giỗ bố mẹ và các việc quan trọng trong gia đình. Lúc ấy, dân tình tha hồ chiêm ngưỡng đoàn xe bóng lộn, sang trọng kéo dài hàng kilomet trên đường quê. Bắc Hà làm đường, xây cầu cho quê, bỏ hàng chục tỷ tôn tạo đình An Thường trên nền cố cựu, khởi công vào ngày Giỗ tổ Hùng Vương 10 tháng 3 năm Tân Mão (2011) và kịp khánh thành vào đúng 42 năm ngày giỗ bố mình, Liệt sĩ Trần Đình Châu (13/8/1969 – 13/8/2011).
Có người đặt câu hỏi: Bắc Hà có can thiệp vào nhân sự chính trường VN? Có. Bắc Hà thừa sức làm điều đó. Bắc Hà sai khiến được các đại quan đương chức và “điều động” được cả các nguyên lão tuổi già sức yếu.
Sáng 19/4/2012, UBND huyện Hoài Ân tổ chức Lễ hội kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng huyện Hoài Ân (19.4.1972 – 19.4.2012). Trần Bắc Hà được huyện nhà mời về dự. Để khẳng định “số má” và phô trương thanh thế, Trần Bắc Hà đưa cả nguyên lão, lẫn chính trị gia, tướng lĩnh về, gồm:
– Cựu TBT, Thượng tướng Lê Khả Phiêu,
– Trung tướng Huỳnh Ngọc Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội;
– Trung tướng Bế Xuân Trường, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 1; cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.
Tất nhiên, ra đón Trần Bắc Hà và các VIP tại sân bay Phù Cát, có đủ lãnh đạo Bình Định, như:
– Nguyễn Văn Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy;
– Nguyễn Thanh Tùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh;
– Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh;
– Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Huyện ủy Hoài Ân.
Điều không thể tin nổi, ở tuổi 81, cựu TBT Lê Khả Phiêu cùng tuỳ tùng lặn lội về tận đình làng An Thường để thăm và thắp hương cho bố Trần Bắc Hà tại khu lưu niệm của gia tộc.
Ngày 27/9/2015, huyện Hoài Ân tổ chức Lễ công bố Quyết định số 2594/QĐ-UBND ngày 27.7.2015 của UBND tỉnh Bình Định về việc đặt tên 8 tuyến đường tại thị trấn Tăng Bạt Hổ và gắn biển tên đường. Điều mà tất cả quan chức và nhân dân huyện Hoài Ân nói riêng và tỉnh Bình Định nói chung, thật sự bất ngờ là, chỉ có việc gắn biển tên đường mà có sự hiện diện của các quan chức sau đây trong buổi lễ:
– Nguyễn Minh Triết – cựu UV BCT, Chủ tịch nước;
– Trương Vĩnh Trọng – cựu UV BCT, Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Vương Đình Huệ – UV Trung ương đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương;
– Nguyễn Văn Thiện – UV Trung ương đảng, Bí thư Tỉnh ủy;
– Hồ Quốc Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các ban, ngành của tỉnh.
– Đại tăng thống, Vua sư Vương quốc Campuchia Tep Vong.
Lý do thật dễ hiểu, bởi vì trong 8 tuyến đường được đặt tên, có một tuyến đường mang tên liệt sĩ Trần Đình Châu – bố ruột của Trần Bắc Hà.
Còn nhớ tháng 6/2009, khi về Bình Định cắt băng khánh thành đường bay thẳng Phù Cát – Hà Nội, của Vietnam Airlines, ông Nguyễn Minh Triết khi đó là Chủ tịch nước, đã về tận xã Ân Thạnh để tặng quà cho… gia đình Liệt sĩ Trần Đình Châu.
Nếu như nhà nước Cộng sản Trung Quốc “đẻ ra” những tên tuổi như Giang Thanh, Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang… là những kẻ tham chính mà quyền lực vô song và tiền chất cao như núi, thì ở Việt Nam, thể chế tương đồng này, cũng sản sinh ra những Nguyễn Bá Thanh, Trần Bắc Hà, Đinh La Thăng, Vũ Nhôm…
Cuộc đời Bá Thanh và Bắc Hà giống nhau đến kỳ lạ. Cả hai cùng trưởng thành và được đào tạo trên đất Bắc, đều có bố tập kết ra Bắc và quay về rồi chết ở miền Nam. Một kẻ là “lãnh chúa miền Trung” và người kia là “Vua buôn tiền số 1 Việt Nam”. Bá Thanh bán hết công sản tài nguyên đất nước, thậm chí xới luôn hàng trăm ngàn mồ mả tổ tiên của người ta để lấy đất bán, thế mà một bộ phận dân chúng vẫn mê muội tôn thờ, rơi nước mắt khi Bá Thanh chết. Trần Bắc Hà ném hàng chục ngàn tỷ đồng của quốc gia “qua cửa sổ” vậy mà khối kẻ vẫn tung hô.
Bá Thanh vắn số ở tuổi 61. Bắc Hà trút hơi thở cuối ở tuổi 63. Con trai duy nhất của Bá Thanh là Nguyễn Bá Cảnh, sinh năm 1983, bị cách hết chức vụ, tự mình xin rút tư cách công chức ra khỏi chính quyền. Con trai duy nhất của Bắc Hà là Trần Duy Tùng, sinh năm 1985, đã bị bắt giam.
Ông Nguyễn Bá Thanh đã làm mọi cách để bố mình, liệt sĩ Nguyễn Bá Tùng, được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang vào tháng 7/2012; thì trước khi nghỉ hưu, Trần Băc Hà còn kịp làm một việc quan trọng. Đó là vào ngày 24/01/2016, tại Khu lưu niệm liệt sĩ Trần Đình Châu, xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, đã tổ chức lễ Công bố Quyết định của Chủ tịch nước về việc điều chỉnh mức khen thưởng từ Huân chương Độc lập hạng Ba lên Huân chương Độc lập hạng Nhì cho liệt sĩ Trần Đình Châu.
Vợ con đã bỏ hơn trăm tỷ, làm cho ông Bá Thanh một khu lăng mộ trên diện tích 3 hecta, có nhà thủy tạ, lầu bát giác, vườn hoa và nhà lưu niệm chả kém gì các “tứ trụ triều đình”. Không biết rồi đây vợ con Trần Bắc Hà sẽ xây lăng tẩm cho ông ta thế nào.
Cuối cùng, sau khi vơ vét hàng chục ngàn tỷ cho bản thân và gia đình, cái chết của Bá Thanh và Bắc Hà đều để lại ẩn số, mọi bí mật xem như đã theo hai nhân vật này xuống suối vàng. Không biết rồi đây, gặp nhau dưới âm phủ, “lưu manh chính trị số 1 VN” và “lưu manh tài phiệt có một không hai” sẽ tâm sự những gì?
Trần Bắc Hà sẽ được đình chỉ điều tra bị can, nhưng Vụ án Trần Bắc Hà và đồng bọn thì vẫn tiếp tục. Ngày 23/7/2019 Bắc Hà đã nằm dưới mộ, và như vậy, mọi “bí mật” chưa bị lộ sáng sẽ vĩnh viễn theo ông ta xuống mồ. (Copy từ Tiếng Dân)

Không có nhận xét nào: