Translate

Thứ Năm, 6 tháng 6, 2019

Quốc hội làm luật như đùa !

Không có mô tả ảnh.

Bà Chủ tịch QH nói, “Rất tiếc dư luận hiểu nhầm rằng Quốc hội chưa muốn chế tài, chưa muốn xử lý với người sử dụng phương tiện giao thông uống rượu bia”. Thưa bà, không chỉ dư luận, theo cách tường thuật và chất vấn hôm 4-6 thì nhiều nhà báo và có cả không ít đại biểu ngồi trong hội trường cũng tưởng vậy.
Tôi không nghĩ bà nói dối; nhưng, nếu một chế tài đã có trong luật pháp hiện hành và QH không có ý định sửa nó thì sao Luật Bia rượu không làm một việc đơn giản là đề nghị dẫn chiếu hoặc trích nguyên văn.
Ngày 3-6, Ban soạn thảo trình 2 phương án biểu quyết đều là “luật nội dung” với chế tài không hoàn toàn giống như Luật Giao thông. Cách làm luật như vậy mà dân chúng không nhận thức là QH vừa bỏ quy định uống rượu chạy xe mới lạ.
Một ngày họp của QH là tiền tỷ của dân, đừng làm luật như đùa như vậy.
PS: Cả đại tướng Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an cũng hiểu thế này đây: “Tôi xin trả lời các câu hỏi của các đại biểu. Trên cơ sở khảo sát đánh giá những vấn đề này về pháp luật chúng tôi kiến nghị Quốc hội sẽ hình thành luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông với nhiều chế tài. Thậm chí về kiểm soát sử dụng chất kích thích, hiện nay đang đứng trước những thách thức rất lớn.
Quốc hội cho ý kiến là biện pháp kiểm soát những người uống rượu bia như thế nào đối với tai nạn giao thông với biểu quyết của Quốc hội hôm qua cũng là khó khăn khi lực lượng giao thông hiện đang phải triển khai.
Ví dụ những biện pháp để đo nồng độ cồn từ ngày hôm nay trở đi có thể không được thực hiện vì luật và các biện pháp của chúng ta không cấm những người lái xe sử dụng rượu bia nên việc đo cái đó rất khó khăn. Những điều chỉnh này chúng tôi sẽ đưa vào trong luật về tổ chức, luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông để làm sao đáp ứng các yêu cầu về vấn đề này, chứ không phải điều chỉnh trong luật về sử dụng rượu bia nữa để tính pháp lý, tính hiệu lực cao hơn về những vấn đề đó.”

Tác giả: Huy Đức

PR   
Nếu QH đúng, thì xem ra, toàn dân phải đi học lại phổ thông, môn Ngữ văn, để hiểu cho đúng í của QH. Nhưng nếu toàn dân hiểu đúng, thì QH nên xem lại chính mình. Bởi ngay cả Bộ trưởng Bộ CA cũng rất lo ngại trước việc biểu quyết không cấm lái xe vẫn có thể được uống rượu bia?Kỳ dị!

QUỐC HỘI - NHÌN TỪ PHÍA TÔI 

(Nhà báo Trần Đăng, 2006) - Kỳ họp cuối cùng của Quốc hội (QH) khóa 11 vừa bế mạc tại Hà Nội, đặt dấu chấm hết cho 1 nhiệm kỳ đầy biến động của cơ quan quyền lực cao nhất đất nước.

“Biến động” ở đây, không phải là thay người đứng đầu của cơ quan lập pháp này, khi nhiệm kỳ chưa hết, hoặc thay hàng loạt các Bộ trưởng (là những đại biểu của QH), mà là những biến động theo chiều hướng tích cực cho đất nước, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của QH.

Cái tên Việt Nam được cả thế giới nhắc đến không phải là một đất nước chỉ biết cầm súng và đánh giặc, mà là một đất nước thật sự năng động, thật sự cầu thị và luôn luôn quẫy đạp để vùng thoát khỏi sự trì trệ, bảo thủ. Sự xuất hiện của Việt Nam với tư cách là thành viên của tổ chức WTO, sau 12 năm bền bỉ là một minh chứng cho sự năng động và cầu thị đó.

QH khóa 11 đã khép lại, nhưng những gì mà các Đại biểu đã làm được (hoặc không làm gì cả) sẽ còn hằn mãi trong bộ nhớ của cử tri, trong đó có tôi.

Là nhà báo, nếu tính “nhiệm kỳ” như QH thì tôi cũng có “thâm niên” gần… 4 nhiệm kỳ (18 năm) nên tôi có cái may mắn là được “tháp tùng” các ứng cử viên của nhiều khóa (lên rừng có, xuống biển có), để vận động bầu cử.

Tôi xin được chép ra đây những chuyện mà mình được chứng kiến, hoặc được nhìn thấy (trên tivi), những gì diễn ra suốt một thời gian dài vừa qua. Nhìn từ phía tôi – Dù là phía của một Nhà báo, hẳn sẽ không khỏi có những thiên kiến mang tính chủ quan, mong bạn đọc, nhất là những người đã từng là ứng cử viên hoặc Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) ở tỉnh (Quảng Ngãi), thể tất cho.

Còn nhớ, năm 1994, hình như là chuẩn bị bầu cử QH khóa 8 thì phải. Năm ấy, tôi đặc biệt chú ý chi tiết này: Lần đầu tiên tỉnh Quảng Ngãi có ứng cử viên tự do. Đó là ông Đinh Tấn Phước, bấy giờ là Phó Hiệu trưởng Trường PTTH chuyên Lê Khiết. Ông Phước là một Đảng viên nên rất tin vào những gì Đảng nói. Chính vì có niềm tin ấy mà ông xông lên… tự ứng cử.

Hành động này nằm ngoài dự kiến của Ban Bầu cử ĐBQH tỉnh nhà. Đảng và Nhà nước luôn hô hào tự do dân chủ trong ứng cử, bầu cử. Có người tin và ra ứng cử để thực hiện quyền tự do ấy. Nên không có lý do gì cản đường họ được.

Sau bao nhiêu gợi ý gần xa để ông Phước rút, ông Phước vẫn không chịu rút. Thế là … để luôn!. “Liên danh” khi ấy có ông Trần Anh Kiệt (Chủ tịch UBND tỉnh), ông Nguyễn Văn Được (Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh).

Hôm ấy, lên xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng để vận động bầu cử. Trước khi các ứng viên trình bày với cử tri về “chương trình hành động” của mình, họ được bà con người Cor ở đây cho uống rượu, gọi là rượu “kết nghĩa anh em”. Ông Phước chỉ “bưng lên để xuống”, uống “làm phép” chứ không dám chơi tới bến (ông Phước không uống được rượu).

Nhìn thấy “đối thủ” chỉ “nhấp môi”, ông Được “đế” 1 câu làm ông Phước chột dạ: “Tui ở miền núi hoài nên biết, hễ chơi với bà con dân tộc là chơi tới cổng luôn. Ông mà chơi trây nhớt như vậy, họ không bỏ phiếu cho ông đâu!”. Không biết vì sợ rớt hay câu nói khích của ông Được, ông Phước bưng ly rượu (hồi đó chỉ có rượu mía, anh em hay gọi là rượu “thuốc rầy”) và “ực” một hơi, hết một ly bự. Xong ông ta… lăn kềnh ra sàn nhà.

Bà con Cor hôm ấy rất vui khi thấy một ông ứng viên chơi hết mình với đồng bào. Dù vậy, kỳ bầu cử QH lần ấy, ông Phước vẫn rớt như mít ướt! Không những thế, ông còn phải trả giá cho cái sự “tự ứng cử” của mình như thế nào sau đó nữa, chuyện ấy thì chắc là mọi người còn nhớ.

Tôi phải nhắc lại “sự kiện ông Phước” để thấy rằng, giữa việc kêu gọi tự do dân chủ (trong ứng cử) với thực tế thời ấy, còn có khoảng cách hầm hố.

Thế nhưng, đến QH khóa 11 vừa qua. Thời thế đã khác. QH lần này, tiếp tục “khác”. Khác ở đây được hiểu theo hướng tích cực. Ông Võ Thành Tân, Tổng Giám đốc Cty Sách Thành Nghĩa, một người con của Nghĩa Hành tha phương tận Sài Gòn và thành đạt, giờ cũng “xông lên” tự ứng cử ĐBQH. Ông Tân hoàn toàn có khả năng trúng cử, chứ không còn “ứng cử cho vui” như ông Phước dạo nào. Điều đó còn tùy thuộc rất nhiều vào cái “tài”… vận động của ông ấy.

Bây giờ mà liệt kê, ở tỉnh ta có bao nhiêu ĐBQH trong các khóa vừa qua, thì chắc cử tri sẽ không nhớ. Song, họ sẽ nhớ những người thay mặt mình phát biểu trên diễn đàn của QH qua các kỳ họp.

Bắt đầu từ QH khóa 10, các cử tri có cái sướng là được nhìn thấy những “ông Nghị” của mình đang họp tại hội trường Ba Đình qua các cuộc tường thuật trực tiếp trên tivi. Có ĐB phát biểu rất hăng. Song cũng có ĐB chỉ ngồi ngáp vặt. Nếu có phát biểu thì cũng chẳng trúng trật gì.

Còn nhớ năm 1999, trận lụt lớn đang tàn phácác tỉnh miền Trung (trong đó có Quảng Ngãi), đã thu hút sự quan tâm của đồng bào cả nước. Một biên tập viên VTV hỏi 1 vị ĐBQH của Quảng Ngãi: “Nhà của bà có bị nước lũ nhấn chìm không?”. Sau một hồi ấm ớ, bà này thật thà: “Khi sáng, đứa con trong quê điện thoại ra nói rằng nhà mình chẳng sao cả. Nhà tôi ở thị xã nhưng chỗ rất cao. Chỗ tôi ở mà ngập lụt, cả thị xã sẽ chìm trong nước!”.

Anh biên tập viên VTV thật sự chưng hửng trước câu trả lời “thật như đếm” này của bà ĐB. Người ta hy vọng qua phát biểu của “bà Nghị” này sẽ gợi lòng trắc ẩn của đồng bào cả nước, để còn “xin xỏ” cứu trợ nhưng chẳng ngờ, bà ta giội cho một gáo nước (không lụt)!.

Cũng là may, ĐB này còn có tiếng nói (dù không cần thiết), nhưng có ĐB suốt 5 năm đi họp, mà chẳng thấy mặt ở đâu cả, dù chưa bao giờ vắng mặt tại Hội trường Ba Đình. Nghe nói Thư ký Đoàn ĐBQH của tỉnh chuẩn bị một bài “đít-cua” ba trang giấy để vị ấy lên… đọc tại diễn đàn, nhưng vị này nhẩm mãi cả buổi tối mà đọc không trôi chảy, thế là im luôn.

Suốt 5 năm trời, mỗi năm là 2 kỳ họp QH. Các vị ĐB của tỉnh vác ô ra vô Hà Nội không biết bao nhiêu lần, tốn không biết bao nhiêu tiền của của dân, nhưng chẳng nói được câu nào cho dân mát ruột, hỏi làm ĐB như thế thì để làm gì?.

Tôi phải nhắc lại điều đó để chúng ta cẩn thận hơn với việc bỏ phiếu cho các ứng viên ĐBQH khóa này. Bỏ phiếu cho người làm được việc, nói tiếng nói của dân chứ không phải bỏ phiếu để họ đi họp, tốn tiền dân…

Nhìn vào danh sách các ứng cử viên ĐBQH khóa 12 mà Ban Bầu cử của tỉnh vừa chốt lại, đã thấy hiện lên những “ông Nghị” tương lai. Những “ông Nghị” này liệu có làm ăn được gì không hay là chỉ biết đi họp?. Câu hỏi này không dễ trả lời.

Theo phân bổ, cơ cấu thành phần, số lượng đại biểu của Ủy ban Thường vụ QH, thì Quảng Ngãi chúng ta được bầu 7 ĐB, trong đó có 2 ĐB của Trung ương về ứng cử tại địa phương. Nếu không có gì “đột biến” trong kỳ bầu cử QH lần này, thì 2 vị ở Trung ương về ứng cử, coi như chắc 2 suất. 5 suất còn lại, 16 ứng cử viên phải “đấu” với nhau.

“Cơ cấu định hướng” của 5 vị ấy là: 1 ĐB lãnh đạo chủ chốt. (Theo danh sách thì ông Phạm Minh Toản, Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh được xem như lãnh đạo chủ chốt), 1 ĐB chuyên trách, 1 ĐB Tòa án, 1 ĐB Công đoàn, 1 ĐB thuộc các ngành giáo dục, văn hóa nghệ thuật, y tế, lao động thương binh và xã hội, cơ sở sản xuất kinh doanh và các thành phần khác.

Lại thêm cái khoản “cơ cấu kết hợp” này nữa: 2 dân tộc (1 Hrê, 1 Cor), 1 ngoài Đảng, 1 trẻ tuổi (dưới 40), 1 đến 2 tái cử. Thoáng nhìn danh sách sẽ dễ nhận ra ai sẽ là những “ông Nghị” rồi! Ví như cơ cấu Tòa án 1 người, nhưng có đến 3 ứng viên gồm 1 Chánh án, 1 Phó Chánh án, 1 Chánh tòa kinh tế. Trật thế nào được!.

Chuyện ai trúng cử, ai rớt có lẽ không được cử tri quan tâm lắm (họ nghĩ ai trúng cử mà chẳng được). Điều họ quan tâm nhất là: Các vị ĐB của họ sẽ phát biểu những gì qua mỗi kỳ họp?. Có đáp ứng được nguyện vọng của họ không? Hay lại chỉ biết đi họp và ngáp vặt?..

Sự cố chậm trễ của Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã làm “nóng” nhiều phiên họp của QH khóa 11, song các ĐB của tỉnh Quảng Ngã (nơi trực tiếp hưởng lợi từ nhà máy này), lại không nói được gì, hoặc có nói thì cũng không để lại ấn tượng gì cho cử tri. Hóa ra những người hay “đấu” tại nghị trường về Nhà máy lọc dầu Dung Quất lại là những ĐB không phải ứng cử tại Quảng Ngãi!.

Thú thật, nếu không có những phát biểu đầy trách nhiệm và hết sức quyết liệt của một số ĐB tại các kỳ họp QH vừa qua, thì còn khuya, Nhà máy lọc dầu Dung Quất mới… “tái khởi động”. Quyền lợi của cử tri mình, có cả con em mình trong đó nữa mà mình “mần thinh”, liệu có xứng đáng là ĐB của dân không?.

Hiện tại, các cuộc tiếp xúc cử tri đang tiến hành. Không còn bao lâu nữa, các chân dung đại diện cho dân sẽ hiện lên. Người ta đang kỳ vọng vào ĐB lần này sẽ “làm ăn ra trò” tại Hội trường, qua các kỳ họp, chứ không phải bầu lấy có, để suốt 5 năm không nói được câu nào, như các nhiệm kỳ vừa qua…

Không có nhận xét nào: