Translate

Thứ Tư, 23 tháng 1, 2019

UPR và Việt Nam


Tình trạng suy thoái trong Đảng còn diễn biến phức tạp.


KD: Nhân quyền- Quyền con người- vốn là một vấn đề cực kỳ nhạy cảm, dễ tổn thương. Nó nhạy cảm đến mức, nếu nhớ ko lầm, báo chí chính thống nhiều năm trước đây chưa bao giờ dám dùng khái niêm “Nhân quyền” coi như … phạm húy, trừ những lúc nhà nước ra tuyên bố này nọ.
Với một XH mà thể chế cai trị văn minh, nhân quyền được phổ quát, biến thành ý thức của con người từ lúc bé thơ. Một đứa trẻ nếu bị cha mẹ dùng bạo lực, có thể gọi ngay cảnh sát. Còn với một thể chế kém văn minh, Nhân quyền như một thứ ban phát.
Kết quả hình ảnh cho Phái đoàn Việt Nam tại Kỳ kiểm điểm lần thứ 3 của UPR
Phái đoàn Việt Nam tại Kỳ kiểm điểm lần thứ 3 của UPR( 21/1/2019)


8h đêm nay giờ Việt Nam (tức 2h chiều giờ Geneva), đại diện phái đoàn Việt Nam tại UN sẽ tham gia phiên kiểm điểm nhân quyền phổ quát (UPR) lần thứ ba trước Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Chương trình sẽ được TRỰC TIẾP và có PHIÊN DỊCH TIẾNG VIỆT trên địa chỉ webcast của Liên Hiệp Quốc: http://webtv.un.org/

Mình nghĩ đây là một trong hai sự kiện chính trị quan trọng nhất của Việt Nam trong tháng 1 năm 2019 (bên cạnh sự kiện CPTPP có hiệu lực). Đây là một tiến trình chính thức của Liên Hiệp Quốc và được Việt Nam “hoan nghênh”(1) và “nghiêm túc thực hiện”(2).
Tiến trình này áp dụng cho toàn bộ các quốc gia trên thế giới, và diễn ra 5 năm/lần. Tại đây, quốc gia chịu kiểm điểm sẽ nhận câu hỏi từ những quốc gia khác có quan tâm, nhận báo cáo từ các tổ chức phi Nhà nước khác, và nhận khuyến nghị nhằm cải thiện tình hình nhân quyền của quốc gia đó.
Năm 2014, Việt Nam là một trong những quốc gia nhận được nhiều khuyến nghị về nhân quyền nhất từ các quốc gia khác. Năm 2019, Việt Nam cũng hứa hẹn là quốc gia nhận được nhiều câu hỏi và khuyến nghị nhất. Nếu Việt Nam chấp nhận một khuyến nghị nào đó thì Việt Nam có nghĩa vụ phải thi hành và nhận hỗ trợ kĩ thuật từ quốc gia đưa ra khuyến nghị.
Nhiều người sẽ hỏi UPR có thực chất không, hay nó lại giống các cơ chế ngoại giao, đối thoại, ra tuyên bố, cam kết, rồi lại thôi. Câu trả lời là CÓ và KHÔNG. CÓ là vì lịch sử đã chứng minh như vậy.
Năm 2009, Ba Lan đưa ra một khuyến nghị đối với Việt Nam nhằm chấm dứt biện pháp xử phạt hành chính đối với những người hành nghề mại dâm là đưa đi các trại phục hồi nhân phẩm. Ba Lan xem đây là một biện pháp giam giữ không thông qua xét xử, và vì thế vi phạm quyền con người của những người hành nghề mại dâm.
Năm 2009, Việt Nam từ chối khuyến nghị đó. Nhưng về sau, nhân một chuyến thăm của Báo Cáo Viên Đặc Biệt Về Quyền Sức Khoẻ của UN thì một lần nữa, ông này lặp lại khuyến nghị đó. Kết quả là năm 2014, biện pháp phục hồi nhân phẩm đã bị bãi bỏ.
Bên cạnh đó, năm 2014, Việt Nam nhận được rất nhiều khuyến nghị xoá bỏ án tử hình và đã chấp nhận. Kết quả là trong kì sửa đổi BLHS vừa qua, đã có rất nhiều tội danh không còn mang án tử hình nữa. Tất nhiên, còn rất nhiều vấn đề khác Việt Nam đã từ chối khuyến nghị (đặc biệt là liên quan đến tự do bầu cử, tự do ngôn luận, tự do biểu tình…) nhưng những trao đổi ở tầm UN đã trở thành những diễn ngôn cho người dân để vận động cho quyền con người tại Việt Nam.
Nhưng cũng như tất cả các tiến trình, nó sẽ KHÔNG có hiệu quả nếu người dân trong nước không cộng hưởng với những gì diễn ra ở UN. Trong suốt quá trình 5 năm thực hiện khuyến nghị, và 1 năm chuẩn bị cho báo cáo năm 2019, các tổ chức xã hội dân sự và người dân đã làm việc hết sức vất vả nhằm đưa đến cho UN và thế giới những thông tin khách quan và đầy đủ nhất về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Thiếu vắng sự đóng góp đó, những khuyến nghị của quốc tế sẽ trở nên nông cạn, thiếu thông tin, và phiến diện. Sự tham gia của người dân làm cho tiến trình đó trở nên ý nghĩa hơn.
Ngoài ra, việc yêu cầu chính quyền phải thực hiện các cam kết quốc tế của mình với quốc tế liên quan đến nhân quyền của người dân chính là một nhân quyền căn bản. Thiếu vắng sự cộng hưởng của người dân thì những cam kết sẽ chỉ là cam kết giấy. Có ai biết rằng năm 2014, Việt Nam đã chấp nhận một khuyến nghị của Chile liên quan đến việc đưa ra các đạo luật về chống phân biệt đối xử dựa trên bản dạng giới, nhưng cho đến nay vẫn không thực thi? Do đó, tiến trình này không chấm dứt mà nó chỉ là một khuôn khổ cho người dân vận động cải thiện tình hình nhân quyền của đất nước mình một cách chính thức và an toàn.
UPR là một tiến trình trao đổi thiện chí và rất có ích cho người dân. Không người dân nào sẽ cảm thấy thiệt thòi khi tình hình nhân quyền của một quốc gia được cải thiện. Đó là một quy trình công bằng và thiện chí. Tất cả các quốc gia trên thế giới, kể cả Mỹ, Nauy, Đan Mạch… đều có vấn đề về nhân quyền và trên thực tế, Việt Nam đã rất tích cực tham gia kiểm điểm nhân quyền các quốc gia này.
Đây không phải là một “cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, chính trị” như nhiều người cố gắng xuyên tạc. Và vì là một phiên kiểm điểm, chúng ta nên thấy trân quý những đóng góp mang tính chỉ trích, xây dựng, hơn là những nhận xét dễ dãi, khen ngợi. Chúng ta không cải thiện được gì từ những lời khen cả. Và do đó, chúng ta sẽ lắng nghe những chất vấn và phản hồi của thế giới liên quan đến luật an ninh mạng, bầu cử tự do, tự do ngôn luận, đất đai ở VN.
Mình hy vọng người dân chúng ta sẽ theo dõi phiên điều trần tối nay một cách háo hức nhất có thể, như cách chúng ta theo dõi ĐTQG Việt Nam thi đấu. Chúng ta nên tự hào khi Việt Nam được thế giới quan tâm như vậy tại UPR. Kì kiểm điểm năm 2014, quốc gia Tuvalu ghi nhận gần 80% dân số theo dõi phiên UPR qua webcast. 80% dân số Tuvalu không là bao nhiêu so với dân số Việt Nam cả, nhưng nó nói lên nhiều điều.
Với người dân Tuvalu, họ theo dõi UPR để biết rằng thế giới không lãng quên họ. Tương tự như vậy, thế giới đang không lãng quên Việt Nam khi họ đặt những câu hỏi rất trực diện, như một câu hỏi của Hà Lan rằng cho đến bao giờ thì Việt Nam mới để cho người dân trực tiếp đề cử ứng cử viên của mình ra Quốc hội. Và là người Việt Nam, ai không muốn mình được tự do hơn?
Mong rằng mọi người sẽ cùng theo dõi phiên UPR tối hôm nay với mình, để biết rằng đất nước chúng ta đang có những vấn đề nhân quyền nào cần phải cải thiện và để suy nghĩ xem chúng ta có thể làm gì, trong sức của mình, để đóng góp cho tiến trình đó. Cũng là quê của mình cả mà.



_____


Cảm ơn Đan Mạch

.

Vậy là phiên đối thoại UPR chu kì thứ ba của Việt Nam đã kết thúc. Việt Nam nhận được rất nhiều khuyến nghị. Có nhiều khuyến nghị cũ, có nhiều khuyến nghị mới. Có khuyến nghị theo kiểu trung lập như làm tốt SDG, phê chuẩn này, công nhận kia. Có khuyến nghị kiểu chị em bạn dì, hoan nghênh thành tựu, chia sẻ kinh nghiệm, tiếp tục nâng cao. Có khuyến nghị mang tính chỉ trích, đòi thả người này, trừng trị người kia.
Cũng có khuyến nghị rất thẳng thắn như của Cộng hoà Czech (Tiệp Khắc cũ) đề nghị Việt Nam xây dựng môi trường cho đa nguyên chính trị ở Việt Nam (lặp lại khuyến nghị năm 2014 ở nước này về mở rộng sự tham gia chính trị của người dân, tiến tới nền dân chủ đa đảng)
Nhưng mình muốn cảm ơn Đan Mạch vì họ đã nói ba vấn đề mà mình rất tâm huyết. Đan Mạch là một quốc gia nhỏ ở Bắc Âu, thủ đô Copenhagen. Người Đan Mạch nổi tiếng nhất…Việt Nam là thủ môn Peter Schmeichel của MU cũ và nhà văn Hans Andersen. Đan Mạch từng vô địch Euro năm 1992 và từng vào tới tứ kết France 1998. Thành tựu nhân quyền của Đan Mạch là không thể chối cãi, cũng là một tấm gương cho quốc gia vừa tự do, vừa thịnh vượng, vừa công bằng, vừa đá bóng giỏi.
Ba khuyến nghị của Đan Mạch là:
– Một, chấm dứt ngay mọi hình thức xét xử lưu động tại mọi cấp để đảm bảo xét xử công bằng – đây có lẽ là khuyến nghị làm bất ngờ đoàn Việt Nam nên khi thứ trưởng Bộ Ngoại Giao phản hồi thì có nói rằng trong một số trường hợp thì có áp dụng xét xử lưu động để nâng cao nhận thức pháp luật và vì… điều kiện địa hình trắc trở, ở xa, nhưng Việt Nam đang rà soát lại.
– Hai, sửa đổi Luật An Ninh Mạng để đảm bảo tự do biểu đạt – Luật An Ninh Mạng trở thành “ngôi sao sáng” của buổi đối thoại hôm nay.
– Ba, công nhận quyền xuất bản báo chí và xuất bản phẩm của tư nhân.
Một lần nữa, rất cảm ơn Đan Mạch, quốc gia mình luôn yêu mến!
.

Không có nhận xét nào: