Sự
giàu có của doanh nhân này cũng đã được cả báo chí nước ngoài biết đến khi từ
năm 2008, nữ giám đốc người Bình Định này đã bỏ ra tới 1,4 triệu USD để sở hữu
một chiếc xe Rolls Roy Phantom (BKS 77L-7777).
Theo
như thông báo của cơ quan điều tra, Bộ Công an thì bà Diệp bị khởi tố, bắt tạm
giam về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và cụ thể hơn nữa là có trách nhiệm
liên quan đến một số người khác trong việc hoán đổi tài sản công (đất đai)
tại Trung tâm ca nhạc nhẹ (thuộc Sở Văn hóa TPHCM).
Một
số bị can trong vụ án, khi đương chức như ông Nguyễn Thành Tài, trước đây là
Phó Chủ tịch UBND TPHCM đã có dấu hiệu tư lợi, có những ưu ái cho nữ đại gia sử
dụng đất vàng công sản.
Tất
nhiên, việc bà Dương Thị Ngọc Diệp có tội đến đâu, mức nào hay vô tội sẽ còn do
cơ quan điều tra xác minh, làm rõ, Tòa án sẽ xét xử, ra phán quyết. Nhưng bước
đầu cho thấy, đây là một trong những vụ án rất đáng chú ý khi cơ quan bảo vệ pháp
luật đã đưa một vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật khá nghiêm trọng về quản
lý đất đai, công sản mà một doanh nhân lớn có dính líu tới, phải khởi tố, bắt
tạm giam để điều tra.
Vụ
việc trên gây xôn xao dư luận bởi ai cũng đã biết, trong những năm gần đây, có
khá nhiều dự án, đặc biệt là các dự án bất động sản, các khu đất ở vị trí đẹp-
còn được gọi là các khu "đất vàng" có nguồn gốc là tài sản nhà nước
nhưng được mua bán, sang nhượng với giá rẻ, gây thất thoát lớn cho ngân sách
nhà nước. Các vụ chuyển nhượng này đều có liên quan, có bóng dáng của những
doanh nghiệp tư nhân lớn. Nhưng cũng chưa có nhiều vụ việc bị khởi tố để cảnh
báo, răn đe.
Trước
vụ án này, Phan Văn Anh Vũ (còn gọi là Vũ "nhôm") bị khởi tố, bắt tạm
giam cùng với một loạt cán bộ cao cấp, công chức nhà nước do liên quan đến việc
mua bán với giá "bèo" hàng loạt các biệt thự, khu đất vốn là tài sản
nhà nước tại Đà Nẵng và TPHCM cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ
thất thoát rất lớn tài sản nhà nước trong việc móc ngoặc, mua bán công sản trái
quy định giữa doanh nghiệp và các cán bộ, công chức nhà nước.
Với
2 vụ việc vẫn còn trong giai đoạn điều tra trên, dù vẫn chưa phải là nhiều,
nhưng đó là 2 vụ án khá nghiêm trọng mà bất cứ một doanh nhân nào đang có những
hoạt động đầu tư, kinh doanh liên quan đến tài sản nhà nước phải chú ý để làm
đúng quy định, tránh nguy cơ vướng vào vòng lao lý.
Trong
các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thường thì các doanh nghiệp lớn ở ta vẫn hay
cố gắng tạo dựng những "quan hệ" để làm chỗ dựa, tạo vỏ bọc cho
việc làm ăn diễn ra thuận lợi, suôn sẻ. Nhưng cho dù như vậy, nó vẫn tiềm ẩn
rủi ro rất lớn khi việc đầu tư, mua bán tài sản nhà nước, nhất là những tài sản
lớn vẫn phải thực hiện đúng hàng loạt quy định của nhà nước về quản lý,
sử dụng, mua bán tài sản công.
Trong
quá trình cổ phần hóa, thanh lý, bán tài sản nhà nước trong những năm qua,
không ít những doanh nhân đã gặt hái những khoản lợi nhuận lớn từ việc mua rẻ,
bán đắt tài sản công, nhất là đất công. Nhưng từ 2 vụ việc này, có thể thấy,
"ăn" đất công, "ăn" tài sản công không hề dễ dàng, rất dễ
phải trả giá rất đắt, thậm chí, bằng cả sự nghiệp kinh doanh, tính mạng của
mình.
Nếu
một doanh nhân nào cứ thấy "kẽ hở" là tìm cách khai thác để cố gắng
đạt mức lợi nhuận lớn mà bất chấp quy định nhà nước thì dù có "quan
hệ", có "vỏ bọc" dày đến đâu, có "chống lưng" vững đến
đâu thì vẫn có nguy cơ, có ngày sẽ bị phát giác, bị luật pháp trừng phạt.
Các vụ mua bán tài sản công mà ông Phan Văn Anh Vũ, bà Dương Thị Ngọc Diệp thực
hiện, bị điều tra như nói ở trên, có lẽ là những bài học đắt giá nhất cho câu
chuyện này.
Mạnh Quân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét