Ở thành phố các nước khác, làm ăn phát triển kinh tế là chuyện của dân, còn những chuyện như ngập lụt, mất vệ sinh phố xá, trộm cướp cùng mọi thứ tệ nạn là trách nhiệm của ông thị trưởng và bộ máy chính quyền của ông ấy. Còn ở Sài Gòn TP.HCM thì cái gì của dân chính quyền cũng muốn ôm, trong khi tình trạng ngập lụt diễn ra triền miên năm sau trầm trọng hơn năm trước thì chẳng thấy người nào chịu trách nhiệm.
Cũng phải nói cho công bằng, thời ông Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, lãnh đạo phải lo xóa ngăn sông cấm chợ, cởi trói cho dân Sài Gòn làm ăn đã mướt mồ hôi hột, các ông ấy không bị cơ chế quan liêu trói đưa vào tù đã là may mắn. Thời ông Võ Trần Chí, lãnh đạo cũng lo toan tập hợp trí tuệ để giữ thành quả cải cách và tiếp tục thúc đẩy việc cởi trói cho dân. Thời gian sau đó thì rất khó nói.
.Đặc biệt khoảng 20 năm trở lại đây, không thấy dấu hiệu gì chứng tỏ chính quyền TP.HCM (bao gồm Đảng bộ thành phố) làm “đầu tàu” thúc đẩy sự hoàn thiện của cơ chế thị trường, chỉ thấy họ bị cả nước kéo theo. Họ “ăn sẵn” những di sản của những người tiền nhiệm nhưng tưởng rằng đó là của họ, nhưng không phải “ăn sẵn” để duy trì và khuếch trương di sản cải cách, mà ngược lại còn có dấu hiệu thụt lùi. Sự trì trệ của bộ máy và sự chán ngán của dân chúng là mảnh đất màu mỡ cho các nhà chính trị dân túy, bởi vậy mà khi ông Đinh La Thăng về làm Bí thư thì rất được lòng dân, nhưng những tuyên bố dân túy của ông chưa kịp thành môn thành khoai thì ông đã vào tù, chỉ để lại cái dự án chống ngập 10 ngàn tỷ chưa biết sẽ thành cái gì nhưng có rất ít cơ sở để hy vọng nó sẽ chống được ngập. Cuối cùng thì sự trì trệ vẫn y như cũ, khi nào trời mưa thì nổi trôi trên biển nước.
Ngập nước là do triều cường khiến cho nước mưa không rút kịp. Các vua chúa nhà Nguyễn và người Pháp khi xây dựng Sài Gòn thành đô thị vẫn biết điều đó, nhưng ngày xưa không gặp vấn đề gì là do người ta giữ được môi trường thoát nước tự nhiên và thiết lập hệ thống thoát nước nhân tạo hợp lý căn cứ trên lượng cư dân sinh sống.
Nhưng chỉ mới mấy chục năm nay, nhất là vài chục năm trở lại đây, quá trình đô thị hóa tràn lan xuất phát từ lòng tham mà không kèm theo động não, nên hệ thống kênh rạch, ao hồ, vùng trũng chứa nước tự nhiên bị lấp gần hết, cộng với tình trạng bê tông hóa vô tội vạ không có một chút trí tuệ nào, đã chặn gần hết đường thoát nước tự nhiên trong khi hệ thống thoát nước nhân tạo không được cải thiện. Tôi biết ở nhiều nước, người ta bảo vệ môi trường thoát nước tự nhiên cẩn thận đến mức, làm một đường cho ô tô chạy từ cổng qua sân vào gara, ai chỉ đổ bê tông đủ cho bánh xe lăn sẽ chịu thuế thấp hơn là đổ bê tông nguyên một đoạn đường.
Mới đây nhất, chính quyền TP.HCM tuyên bố sẽ đấu giá 26 ngàn ha đất nông nghiệp, việc này không chỉ sẽ tước đoạt một phần tài sản của nông dân do giá đền bù rẻ mạt mà hệ lụy kéo theo là gia tăng tình trạng ngập nước, vì phần lớn diện tích đất đó sẽ phục vụ quá trình đô thị hóa với việc bê tông hóa tiếp tục tràn lan.
Chính quyền đã, đang và sẽ tự chặn đường thoát nước rồi đổ lỗi cho “biến đổi khí hậu”.
Cho đến nay, vẫn chưa có một nghiên cứu và khảo sát căn bản khoa học và nghiêm túc về tình trạng ngập nước để có giải pháp khả thi, trong khi ở Việt Nam vẫn có nhiều nhà khoa học có đủ trình độ và đủ tâm huyết về lãnh vực này. Trong đó, tôi biết chắc có một nhà khoa học là tiến sĩ Hoàng Ngọc Kỷ với những kết luận về biến đổi khí hậu rất có giá trị trong công trình nghiên cứu về địa chất đệ tứ trong cả nước và Nam bộ, cũng như đề xuất chống ngập dựa trên đặc điểm vùng mà vị tiến sĩ này đã đề xuất với lãnh đạo TP.HCM, nhưng không được quan tâm. Và tôi nghĩ, các nhà khoa học sẵn sàng tham gia không chỉ có mỗi một tiến sĩ Kỷ.
Não bé cũng không có vấn đề gì, nếu như biết khiêm nhường sử dụng não lớn của người khác ! Người Sài Gòn không chấp nhận sống chung với những người cầm quyền não bé tự cho mình là não lớn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét