Translate

Thứ Ba, 12 tháng 6, 2018

Đừng cười vào mũi người dân

Khải Đơn
Đừng nghĩ người dân hùng hổ chạy ra ngoài đường sáng cuối tuần để giương khẩu hiệu là những kẻ rảnh quá không có gì làm.

Đừng chế nhạo một bà mẹ già chậm chạp đi giữa đám đông là bất lực nếu anh không đủ can đảm thò chân ra đường giờ đó.

Đừng đưa những bức ảnh xe cảnh sát bị đập vỡ và anh bộ đội bị ăn đòn để nói cuộc biểu tình mang gương mặt của cái ác. Hãy nhìn ở phía những người bình thường, đeo mắt kính, mặc sơ mi, áo thun, quần jeans, người phụ nữ lớn tuổi thấp bé… và họ bị lên gối đau tới gập người.


Không có chính nghĩa nào khi máu đổ. Do đó - đừng gọi người dân là bạo lực khi chính các anh đem tấm gương của bạo lực ra để nhắm vào người dân.

Áo bộ đội, công an, an ninh, dân phòng mặc mua bằng thuế của dân. Xe các anh chạy cũng bằng thuế của dân. Dùi cui và áo giáp các anh xài cũng là tiền thuế. Đừng nghĩ các anh xứng đáng làm chính nghĩa hay trật tự hơn người dân - những con người bình thường đang lao động lương thiện để đóng thuế nuôi các anh - và bị các anh cho ăn đòn giữa đám đông biểu tình ôn hòa.

Đừng ngụy biện một sự bất minh bằng một chính nghĩa cải lương giả hiệu [và nó còn là tin giả nữa - như hai anh cảnh sát cơ động hi sinh chẳng hạn - hóa ra chỉ là tin giả - chưa có người dân nào ác như các anh mong muốn].

Đừng nghĩ những người xuống đường là một “bọn ngu” hay “trí tuệ đám đông” mà các anh vay mượn từ một quyển sách tâm lý thế kỷ 19 đầy lý thuyết suy diễn. Hãy nhìn những thông điệp họ tạo ra. Họ tạo ra thay đổi. Họ biết điều gì sẽ ảnh hưởng tới miếng cơm, manh áo, chủ quyền, và tương lai của con cái họ.

Thực tế đó - các anh có thể không hiểu.

Nhưng đừng cười vào mũi người dân. Lịch sử đã có nhiều bài học, mà kẻ cười vào mũi người dân thường không cười được lâu lắm.
            >  https://www.facebook.com/374362552976187/videos/431752503903858/>  https://www.facebook.com/le.duc.12/videos/10210003100388957/

>>> MP Blog...

TẠI SAO LẠI LÀ BÌNH THUẬN?
Nhà báo Đồng Chuông Tử
Hơn một tuần đã trôi qua, sau sự kiện biểu tình căng thẳng của người dân nhiều tỉnh thành trong cả nước, phản ứng thời hạn cho thuê đất lên đến 99 năm ở Luật đơn vị hành chính đặc biệt (gọi tắt là Luật đặc khu), cũng như tố giác Luật an ninh mạng vi hiến, mà truyền thông báo chí Việt Nam mô tả sự kiện là "gây rối", "tụ tập đông người trái phép", thì đến thời điểm này, có vẻ như "tình hình nhiều địa phương đã trở lại ổn định về an ninh trật tự, kinh tế xã hội", đặc biệt là ở tỉnh Bình Thuận.
Cuộc biểu tình ở địa bàn tỉnh Bình Thuận trong hai ngày, chủ nhật 11/6 và thứ hai 12/6, đặt trong bối cảnh chung là nổi trội, nóng bỏng gay gắt và gây nhiều thiệt hại nhất về tài sản công. Sự kiện Bình Thuận hút dư luận Việt Nam và dư luận thế giới lên cao, mặc dù buổi lễ khai mạc thể thao World Cup 2018 lớn nhất hành tinh đang diễn ra sôi nổi ở Nga.
Sau khi cuộc biểu tình trở nên bạo động ở Bình Thuận, giới quan sát - phân tích chính trị, giới nghiên cứu các phong trào xã hội dân sự ở Việt Nam và toàn cầu, thường đặt ra câu hỏi rằng "tại sao lại là Bình Thuận?" hoặc "chuyện gì đang thực sự xảy ra ở tỉnh Bình Thuận?"
Câu trả lời, quả thật không dễ dàng có đáp án đầy đủ, chi tiết nếu không phải là người dân địa phương sở tại nhưng không quá khó để tổng quát kết luận trong nhận diện tình hình chung của đất nước.
"Bức xúc không nhỏ".
Địa thế tự nhiên của Bình Thuận giống như hình con ngựa đang phi tốc độ vừa phải, đầu ngoái nhìn, cái chót đuôi ngoắc về huyện đảo Phú Quý. Con ngựa hiền lành ấy, luôn luôn cúc cung tận tụy với định phận, vất vả mệt nhoài cơm áo với cuộc sống, tại sao trong ngày chủ nhật 11/6 và thứ hai 12/6 vừa qua, bỗng trở nên bất kham, không kiềm chế được tính khí thường ngày của mình?
Dường như có điều gì đang xảy đến với cánh đồng cỏ xanh tươi, núi đồi thơ mộng, xinh đẹp trong lành, đại dương phong phú dư dật hải sản ở xứ "nắng như phan gió ngỡ là tha thiết" này ?
Bình Thuận, với192 km chiều dài bờ biển, gần 1,4 triệu dân số, mật độ bình quân 167 người/km2, kinh tế mũi nhọn vẫn là kinh tế biển, phần nhỏ hơn phân bố ở các ngành nghề khác như nông nghiệp, thương mại, du lịch... nhưng cũng không đáng kể.
Có một điều lạ trong cách xác định vị trí địa lí của tỉnh này, đó là có sự nhập nhằng của cơ quan nhà nước về cách gọi tên vùng miền trong văn bản hành chính ngành, có ngành gọi miền Đông Nam bộ, có ngành gọi miền Nam Trung bộ. Sự không thống nhất trong cách phân loại vùng cũng gây khó khăn cho việc quy hoạch chiến lược, sách lược lẫn khả năng nắm bắt nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế.
Tỉnh Bình Thuận bao trùm trong lòng mình là diện tích biển trải dài, nghề nghiệp chính từ hàng trăm năm qua của phần đông người dân, vẫn là đánh bắt cá, gần bờ và xa bờ. Nhưng kể từ khi Trung Quốc xác lập đường lưỡi bò, đẩy mạnh xây dựng đảo nhân tạo, lập thành phố mới ở các đảo chiếm được của Việt Nam, tuyên bố chủ quyền lãnh hải mới, thì ngư dân Việt Nam nói chung, trong đó có ngư dân Bình Thuận khi đi đánh bắt xa bờ, thậm chí đánh bắt trong vùng ngư trường truyền thống thôi, cũng không yên ổn, thiệt hại về người và tài sản ngày càng nhiều.
Đó là một bức xúc không phải là nhỏ đối với ngư dân, những người lấy biển làm nhà, làm nguồn sống chính đáng và năng lực đóng thuế lớn.
Trong ngổn ngang bức xúc nội tại của nó, cách điều hành, lãnh đạo của chính quyền cấp tỉnh có góp phần, chắc chắn là như vậy. Còn mức độ nghiêm trọng cụ thể của nó thì cần phải thanh tra - kiểm tra, nhận diện, đánh giá lại khoa học, khách quan và công khai minh bạch. Có nhiều quan điểm trong nhân dân tỉnh Bình Thuận bao gồm trí thức, văn nghệ sĩ và người dân đa ngành nghề khác, khi được người viết hỏi, nói rằng "có sự yếu kém trong quản lí, có thái độ thờ ơ vô cảm lẫn vun vén ở đó và đặc biệt phe cánh lợi ích nhóm cao".
Thêm nữa, vấn đề đất đai trong toàn tỉnh cũng hết sức nóng, chưa hạ nhiệt. Cách thu hồi đất, công tác đền bù giải tỏa mặt bằng cũng gây nhiều bức xúc trong nhân dân.
Ít nhất, trong các vấn đề nội hàm của tỉnh, có sinh sôi, chứa đựng một bếp lửa đang âm ỉ nhiệt.
Từ những dự án "đáp xuống".
Trước tiên, phải kể đó là dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, đặt ở huyện Tuy Phong, đây là dự án trọng điểm quốc gia về nâng cao năng lực cung ứng điện phía nam.
Sẽ không đáng nói, nếu dự án này không gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Sự khiếu nại, kiến nghị giải quyết trong nhân dân về vấn đề trên của nhà máy, nhiều năm qua không được thỏa mãn. Ngay cả khi báo chí vào cuộc phản ánh và phản ứng, cách giải quyết cũng thật sự còn hời hợt, đùn đẩy trách nhiệm và tích lũy không khí tiêu cực.
Nhiều công nhân người Việt từng đi làm trong nhà máy này, cho biết " tình hình an ninh trật tự, giữa người Việt và người Trung Quốc trong đó rất phức tạp, bất ổn. Nhiều vụ đánh chém nhau đổ máu, thương tích lớn có dấu hiệu bị giấu giếm, bưng bít".
Vấn đề sức khỏe người dân cũng cực kì quan ngại. Hiện nay, từ không khí cho đến mạch nước ngầm đều ô nhiễm đáng báo động. Cả tình hình bệnh tật hiểm nghèo của người dân quanh nhà máy nói riêng, cũng gia tăng khủng khiếp.
Mặt khác, những dự án của các công ty, tập đoàn tư nhân cũng đã góp sức "xâu xé" Bình Thuận đáng gờm. Những dự án khai thác đá, khai thác titan mặc nhiên ồn ào, xả khói bụi mù mịt và mặc nhiên ô nhiễm môi trường mà ít khi bị nhắc nhở, xử lí nghiêm, dù đơn thư tố giác ngày càng vàng ố, nhòe mực.
Thậm chí, người dân trong tỉnh còn kháo nhau rằng "tỉnh bảo kê công ty nọ, mắc nợ tập đoàn kia hàng ngàn hàng trăm tỉ đồng, nên nó muốn có lô đất nào cũng được hết". Dư luận này, có thật hay không, cơ quan nào có trách nhiệm "xóa tan", trả lại sự trong sạch cho chính quyền địa phương? Dĩ nhiên, không phải cơ quan của tỉnh làm việc đó.
Tóm lại, những dư luận này, cũng đang lớn dần lên, trở thành một cái bếp lửa chứa nhiệt lớn khác.
Đến biểu tình bạo động
Trong phần bình luận trực tiếp xung quanh Bàn tròn thứ Năm, chủ đề ' Luật an ninh mạng: ' hôm 14/6/2018, trên BBC News Tiếng Việt, người viết có nhận định nguyên nhân biểu tình trở nên bạo động ở Bình Thuận, trong đó có sự tích tụ tỏa nhiệt của những cái bếp lửa ấy.
Điều đáng nói, chính quyền và bộ máy tuyên truyền "hậu biểu tình" đã không dám nhìn vào sự thật hiện tình của đất nước, nhận diện cách quản lí nhà nước còn hạn chế cũng như hình thức trình những dự án luật có phần nóng vội, ngược quy trình trong đảng và trở thành "mảnh đất màu mỡ" cho lợi ích nhóm "làm ăn".
Với hằng hà bài giảng của giáo trình chống biểu tình đã cũ rích từ vài chục năm qua mà hiệu quả của nó, có vẻ vẫn còn tồn đọng ít nhiều niềm tin, song hiện nay phần lớn người dân đã dự đoán, xác định được "bài vở" đó.
Việc chính quyền và bộ máy tuyên truyền cố tình nhận diện sai sự thật, sẽ dẫn đến cách ứng xử tình huống sai, biện pháp đưa ra "lệch pha" tâm tư, nguyện vọng của người dân. Đây là một điều hết sức nguy hiểm, ảnh hưởng lớn lao và thậm chí nó định đoạt sự tồn vong của thể chế.
Mặt khác, đảng cũng nên nghiên cứu, đánh giá lại về khía cạnh dư luận của nhiều chủ trương, chính sách mà đã vấp phải làn sóng phản đối dâng cao trong một thập niên trở lại đây. Bởi mức độ và tầng suất của những làn sóng trên, ở nhiều lĩnh vực ngày càng rầm rộ, dày đặc và quy mô.
Cũng như việc nên đặt sự kiện biểu tình ở Bình Thuận và nhiều địa phương khác vừa qua, trong chuỗi các sự kiện nóng bỏng, gây chia rẽ lớn trong nhân dân vào trong bối cảnh giai đoạn lịch sử của nó, chứ không nên xé lẻ sự vụ đơn thuần bột phát, vì nó gượng gạo, méo mó và phiến diện.
Thêm nữa, sự phát triển phong phú đa dạng của nền kinh tế một quốc gia, nhiều khi còn được "phát hiện" ra nhờ vào các cuộc biểu tình ôn hòa của người dân, để điều chỉnh, sửa đổi bổ sung luật pháp, chứ không thể đánh đồng biểu tình hoàn toàn là tình trạng xấu xí, cần nghiêm trị hết được.
Hơn hết thảy, để xảy ra tình trạng biểu tình, trở nên quá khích và bạo động như ở Bình Thuận mới đây, đâu chỉ là lỗi ở một phía người dân. Thiết nghĩ, chính quyền cũng nên dũng cảm nhìn nhận sai lỗi của mình trong cách điều hành, quản lí và lãnh đạo. Biết mình có lỗi, thì xin lỗi không có gì đáng xấu hổ cả. Xin lỗi chỉ làm mình tốt lên, đẹp lên trong mắt người dân mà thôi.
Cầm bằng không chịu nhận lỗi, hèn nhát đổ thừa, tuyên truyền phiến diện và mạnh mẽ trừng phạt, điều đó là không đắc nhân tâm và nó không khác gì một hình thức khác của bạo động. Mà sự bạo động của chính quyền dành cho người dân, thực sự rất nguy hiểm, giống như kiểu góp thêm "nhiều dầu" vào ngọn lửa "lòng dân" đang cháy hừng hực, lan tỏa rộng rãi.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một nhà báo , nhà thơ và nhà nghiên cứu văn hóa người Chăm, đang sinh sống và làm việc ở tỉnh Bình Thuận, Việt Nam. Mời quý vị bấm vào đây để theo dõi Bàn tròn thứ Năm có sự tham gia của tác giả.


Không có nhận xét nào: