Translate

Chủ Nhật, 25 tháng 2, 2018

Gió qua miền sáng tối

Chân dung
Mình biết Trần Đăng Tuấn khá lâu, từ cái thời mình đánh đu với ông Khải Hưng làm phim Gió qua miền sáng tối, bộ phim truyền hình dài tập đầu tiên của Việt Nam. Quen thì quen vậy thôi chứ chưa bao giờ ngồi nhậu với nhau một lần nào. Khi đó Tuấn làm trưởng kênh VTV3 thì phải, đối với mình là quan to, sau này lão lên phó tổng giám đốc lại càng to, cái sự xa cách giữa mình với lão lại càng lớn.

 Đại hội nhà văn lần thứ 5 thứ 6 chi đó, tan chợ Tiến trọc ( Phạm Ngọc Tiến) rủ mình đến chơi nhà lão, nói, tao hẹn Bảo Ninh rồi, tối nay đến nhà Trần Đăng Tuấn nhậu, nhà thằng cha này nhiều rượu ngon lắm. Mình ngại, nói, thôi các ông đi đi... tôi không quen ông Tuấn. Tiến trọc hơi giận mình nhưng kệ, tính mình vậy, thích phù suy không thích phù thịnh.

Chẳng ngờ năm sau lão đang thịnh ( mà thịnh to hơn, chỉ nửa bước chân là leo lên ghế chánh tổng) bỗng đâu chuyển sang suy, lão đâm đơn thôi chức phó tổng, bạn bè anh em ai cũng ngơ ngác. Lão im như thóc, cho đến bây giờ vẫn chẳng ai hiểu vì sao. Dân tình tha hồ bàn tán, toàn đoán mò chẳng ai moi được từ lão một chút gì. Tự nhiên mình có nhu cầu gặp lão quá, mới gọi cho Tiến trọc, nói, ông cho tôi đến nhà Trần Đăng Tuấn chơi với. Tiến Trọc ok liền.

Tiến trọc đánh xe đưa mình đến nhà lão Tuấn. Tối om rồi lão đi đâu chưa về, chỉ thấy Thùy Linh và vợ chồng Long Vũ đang ngồi đợi. Mình hỏi bà Trâm ( vợ lão), nói, ông Tuấn đi đâu? Vừa lúc lão gọi điện, nói, bọ Lập chờ tí chờ tí, sắp về sắp về. Mình nói, khách khứa đầy nhà ông còn bỏ đi đâu? Lão nói, đi Suối Giàng (Yên Bái), có chút việc nên trễ hẹn, chịu khó chờ chút, tôi đang cho ô tô bay về đây.

Một chút của lão cũng hơn một tiếng, tám rưỡi lão mới về. Mới vào nhà chẳng kịp bắt tay bắt chân ai cả lão đã rú lên với vợ, dọn ăn dọn ăn anh đói lắm rồi! Từ trưa đến giờ chưa có gì bỏ bụng đây. Tiến trọc cười, nói, ông làm như Yên Bái không có quán xá, tiền bạc trút hết cho em nào rồi thì khai ra? Lão cười hì hì, nói, đúng là trút hết cho các em thật. Bà Trâm vằn mắt lên, lão chỉ cười hì hì không nói gì.

Vào mâm rượu mới biết nhà thằng cha này lắm rượu, cả một góc nhà đầy rượu người ta biếu chưa kịp xếp vào tủ. Đương chức đương quyền không nói làm gì, quan thất sủng về vườn mà có cả góc rượu biếu thế kia đủ biết lão sống với anh em cấp dưới thế nào. Lão rót vang khai vị. Món rượu vang mình rất dốt, thấy cái chai vang xâu xấu, uống vào một ngụm chẳng thấy ngon, nghĩ bụng chắc là thứ vang Pháp- Gia Lâm mấy trăm ngàn lão vẫn dùng để đãi khách toạc. Nhìn sang Long Vũ, Tiến trọc thấy mặt  hai thằng hơi xìu, có lẽ chúng cùng tâm trạng như mình nhưng không dám nói. Mình đánh bạo nhìn lão cười cười, nói, chai vang này mấy trăm? Lão trợn mắt lên, nói, sao lại mấy trăm, hai triệu tám của người ta đấy! Lão vừa dứt lời tự nhiên mình nhấp vào một ngụm thấy ngon hẳn, Tiến Trọc, Long Vũ mặt mày bỗng sáng bừng lên, xuýt  xoa khen vang ngon cực. Thùy Linh cười phì, nói, mấy ông này đúng đã dốt lại muốn  mốt sang. Hi hi.

Nhậu lai rai lão mới kể chuyện đi Suối Giàng, vì sao về muộn. Đọc báo xem ảnh thấy ở Suối Giàng có rừng chè cổ thụ, lão rủ mấy người bạn vọt lên xem thế nào. Xe lên đến trung tâm xã Suối Giàng, thế nào lại đỗ ngay trước cửa trường  nội trú học sinh miền núi. Lão chui vào quán trước cửa trường uống nước, chủ quán mới kể trường nội trú này do dân nuôi hoàn toàn vì chỉ có 80 em, trường dưới 100 em Nhà nước không hỗ trợ. Lão hỏi, dân nuôi thế nào? Chủ quán nói, cha mẹ góp gạo mỗi  tuần hai cân và 5 ngàn tiền thức ăn. Lão trợn mắt há mồm, nói, một tuần có 5 ngàn thức ăn, ngày không được 1 ngàn thì ăn uống thế nào? Chủ quán chỉ bác người Mông xách xô nước đi qua, nói, đấy... ông này nấu cơm cho tụi trẻ đấy. Nghe vậy lão vọt theo bác người Mông liền.

Vào tới nơi thấy cái bếp trọc lóc mỗi nồi cơm. Lão hỏi bác người Mông, thế ăn cơm với gì? Bác người Mông chỉ mấy bó rau cải bé tẹo đã vàng úa một nửa, nói, ăn canh rau này. Lão lại trợn mắt há mồm, nói, chỉ thế này thôi à? Bác người Mông gật đầu, nói, chỉ thế này thôi. Lão nói, quanh năm chỉ thế này thôi? Bác người Mông nhìn lão rưng rưng, nói, đúng rồi.

Lão ngừng kể lặng lẽ uống hết ly rượu, lừ lừ nhìn Long Vũ, nói, Vũ có nhớ sáu, bảy năm trước tại trường quay S9, Mỹ Linh dẫn chương trình Nối vòng tay lớn, quay cảnh bữa cơm học sinh dân tộc nội trú. Mỹ Linh nói chỉ cần 2 ngàn đồng/ngày cho mỗi đứa bé thôi thì hàng ngày bữa ăn có màu sắc hơn, chứ bây giờ chỉ thấy có màu trắng của cơm và trắng của măng nấu muối….Rồi cô nàng không nén được, khóc nấc trước cả bao triệu người xem TV. Long Vũ nói, em nhớ chứ. Đó là chương trình Nối vòng tay lớn lần thứ hai, Mỹ Linh khóc thật luôn. Chúng nó kể trong trường quay đứa nào cũng khóc theo.

Lão nhìn bà Trâm cười buồn, nói, tiền anh trút cho các em là các em trường dân tộc nội trú Suối Giàng. Bốn thằng tụi anh nhịn đói một bữa mà cả trường nội trú Suối Giàng có một bữa cơm có thịt, em ok chứ? Trong ví có mấy trăm anh đưa hết cho bác người Mông, nói, để  các em ăn cơm có chút thịt kho với đậu phụ được một tuần cần bao nhiêu tiền? Bác người Mông tính rất nhanh, nói, bốn triệu rưỡi... một tháng 18 triệu.

Bà Trâm cố giấu tiếng thở phào nhẹ nhõm ( Hi hi), nói, nhưng hết một tuần... một tháng... rồi thì sao? Lão vỗ vai vợ, nói, em giỏi lắm. Anh cũng nghĩ thế. Để cả tháng bữa nào  cũng có thịt trường dân tộc nội trú Suối Giàng cần phải có 18 triệu, anh sẽ ngửa nón xin bạn bè ở Hà Nội mỗi thằng 500 ngàn/ tháng, chắc là lo được. Mình hỏi lão, nước mình có bao nhiêu trường dân tộc nội trú như Suối Giàng? Lào thở hắt, ôi có cả ngàn, nhưng sức mình chỉ kham được một trường Suối Giàng thì cứ lo cho tốt đã, mọi chuyện tính sau.

Chuyện đó rồi cũng qua đi. Mình vào Sài Gòn lo mua nhà, quên tiệt luôn bữa cơm có thịt của Trần Đăng Tuấn. Một tối Tiến trọc nhắn tin: lão Tuấn vừa lập blog, mới lên bài đầu hay lắm, mày vào còm một phát động viên lão. Mình vào ngay, thấy bài: “Hôm nay lên Suối Giàng” đọc cảm động quá nhưng chẳng thấy ma nào còm, mỗi hai cái còm của Thùy Linh và Tiến trọc. Mình còm một phát rồi đưa bài lão lên blog Quê choa, dẫn link blog lão, viết A lô a lô đây là blog Trần Đăng Tuấn. Sáng mai lão vào blog, giật mình thấy hơn trăm cái còm đổ xuống, mừng húm lão nhắn tin báo cho mình, viết: "cảm ơn bọ Lập nhéđúng là làm gì cũng phải có ô dù he he."

Đến chiều tối lão gọi điện báo, nói, đã hơn hai trăm còm rồi. Ối giới ơi... không ngờ bờ loc bờ leo mà hay thế. Mình vào blog lão đọc còm, thấy ai nấy đề nghị Trần Đăng Tuấn lập quĩ  bữa cơm có thịt cho trường dân tộc nội trú Suối Giàng. Mình gọi điện cho lão, nói, ý tưởng hay đấy, bác nên lập quĩ đi. Lão có vẻ chần chừ, nói, ừ để tính xem có rắc rối gì không đã. Mình nói, bác cứ lập đi, mình làm ăn đàng hoàng sợ đếch gì. Lão cười hì hì, nói, ừ thì lập, thử xem cái đếch của bọ nó đến đâu.

Lão thông báo trên blog, ba ngày thu về hơn trăm triệu, một tuần hơn ba trăm triệu. Tiến trọc mừng rú gọi điện cho mình, nói, ông Trịnh Công Sơn nói đúng, sống trong đời sống chỉ cần một tấm lòng không việc đếch gì không làm được… đú mé hay cực! Cuối tháng  lão cũng gọi điện cho mình, nói, tình hình là rất tình hình. Quĩ cho các em trường dân tộc nội trú Suối Giàng đã quá đủ, phải  đưa quĩ này lên quĩ các trường dân tộc nội trú. Mình sướng run, nói, ối giời ơi... hay quá là hay, làm tới đi!

Chuyện đó xảy ra cách đây 10 tháng ( vào năm 2013), đến nay quĩ Bữa cơm có thịt, thu được hơn 4 tỉ rưỡi, 51 trường dân tộc nội trú đã có bữa cơm có thịt. Ngoài ra còn có hàng tấn áo quần, sách vở cho các cháu. Hôm qua mình gọi điện cho lão, nói, hơn chục năm bác xây dựng VTV thu được ối thành công nhưng chắc chắn không thành công nào lớn lao như thành công này. Lão có vẻ cảm động, nói, ừ ừ.  Mình cười, nói ,Tuấn cơm có thịt oách hơn Tuấn phó tổng đấy nhé. Lão lại ừ ừ.

 Lão ngập ngừng giây lát rồi kể, nói, cảm động lắm bọ à. Có cháu sinh viên mới ra trường tháng nào cũng gửi năm chục ngàn rất đều đặn. Có cháu viết thư bảo cháu chưa xin được việc làm, chừng nào có việc làm cháu sẽ gửi nhiều hơn. Nói đến đó lão nghẹn lại, cứ để mobile nguyên thế nhưng không nói thêm được tiếng nào. Mình ngồi yên ứa nước mắt, hình dung mắt lão đang đỏ hoe.
------------
nguon
:https://khovanbolap.blogspot.com/2018/01/chan-dung-minh-biet-tran-ang-tuan-kha.html

Không có nhận xét nào: