.
Hôm 14-2, Văn phòng pháp lý của Quốc vụ viện TQ tiết lộ cơ quan này sẽ tiếp nhận các ý kiến đóng góp từ công chúng trước khi đưa ra bản sửa đổi cuối cùng.
Văn phòng này còn nói rằng những thay đổi này sẽ phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, luật của TQ về biển, các vùng lân cận và vùng đặc quyền kinh tế.
Sĩ quan Trung Quốc chờ trên bờ biển khi một tàu hải quân nước này hộ tống khu trục hạm USS Curtis Wilbur của Mỹ. Ảnh: AFP
Theo hãng tin Sputnik đánh giá, TQ sửa đổi Luật An toàn giao thông hàng hải năm 1984 của nước này để tạo cớ pháp lý hạn chế quyền đi vào biển Đông. TQ từ trước đến nay luôn một mực đơn phương tuyên bố chủ quyền trên gần như toàn bộ biển Đông, bất chấp vi phạm luật pháp quốc tế và xâm phạm chủ quyền các nước trong khu vực. Hiện chưa rõ TQ sẽ dùng phương pháp gì để thực thi luật sắp được sửa đổi này.
Một bài viết đăng trên tờ Thời báo Hoàn Cầu của TQ có đoạn: “Bản dự thảo luật này sẽ trao quyền cho nhà chức trách hàng hải trong việc ngăn chặn các tàu thuyền nước ngoài đi vào biển Đông nếu nhận thấy chiếc tàu đó đe dọa an toàn và trật tự hàng hải”.
Bên cạnh đó, bản dự thảo của TQ cũng dự định sẽ yêu cầu bất cứ tàu ngầm nào, nếu không phải do TQ vận hành, đều phải nổi lên mặt nước khi đi qua biển Đông. Đồng thời, các tàu ngầm này còn phải treo quốc kỳ và báo cáo hải trình cho cơ quan chức năng khi đi vào vùng biển.
Ngoài ra, theo bản dự thảo, các tàu quân sự nước ngoài buộc phải đăng ký luôn cả bằng lái của hoa tiêu. TQ cũng ngang nhiên áp đặt mức phạt 300.000- 500.000 nhân dân tệ (43.706-72.844 USD) đối với tàu nào vi phạm các quy định này.
Hãng Sputnik bình luận dự thảo sẽ được TQ tìm cách luật hóa vào năm 2020. Khi đó các tuyên bố chủ quyền đơn phương của TQ đối với biển Đông chắc chắn sẽ gặp phải sự phản kháng từ Mỹ. Chính sách của Mỹ từ năm 1983 cho biết: “Mỹ sẽ không chấp nhận các đạo luật mà các quốc gia khác đơn phương lập ra để hạn chế quyền và tự do của cộng đồng quốc tế cũng như các quyền khác liên quan tới sử dụng biển” - Bộ Ngoại giao Mỹ từng nhấn mạnh.
“Chương trình Tự do hàng hải được hoạt động dựa trên sự quan sát ba bên, không chỉ bao gồm các đại diện ngoại giao và các đơn vị quân đội Mỹ mà còn là sự tham vấn song phương và đa phương với các chính phủ khác, nhằm thúc đẩy ổn định hàng hải”.
Trong khi đó, tạp chí tài chính Zero Hedge nhấn mạnh: “Nếu TQ thực thi việc kiểm tra bắt buộc đối với mỗi một tàu hải quân, điều này có thể tác động tiêu cực tới thương mại đường biển toàn cầu”.
THÁI LAI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét