Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh: 'Mỹ nên tôn trọng thực tế, phát biểu và hành động một cách cẩn trọng.' |
Cả chính quyền lẫn truyền thông Trung Quốc đồng loạt công kích Hoa Kỳ sau khi Nhà Trắng tuyên bố sẽ bảo vệ “lãnh thổ quốc tế” ở biển Đông.
Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói trong buổi họp báo ở Bắc Kinh rằng “Mỹ nên tôn trọng thực tế, phát biểu và hành động một cách cẩn trọng nhằm tránh làm tổn hại tới hòa bình và ổn định ở biển Đông.”
Bà Hoa một lần nữa nhấn mạnh tới chủ quyền “không thể tranh cãi” đối với quần đảo Trường Sa, đồng thời cho rằng Mỹ “không phải là quốc gia tranh chấp ở biển Đông”, và rằng Bắc Kinh “chỉ đàm phán với các quốc gia liên quan trực tiếp”.
Trong buổi họp báo một ngày trước đó, khi được hỏi rằng liệu tân Tổng thống Trump có đồng ý với ý kiến của ứng viên ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson về việc “chặn Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo nước này xây ở biển Đông”, phát ngôn viên Sean Spicer nói rằng “Hoa Kỳ sẽ chắc chắn bảo vệ quyền lợi của chúng tôi ở đó”.
“Vấn đề đặt ra là, nếu trên thực tế, các đảo đó nhằm trong hải phận quốc tế và không phải là lãnh thổ của Trung Quốc thì vâng, chúng tôi phải đoan chắc rằng chúng tôi sẽ bảo vệ các vùng lãnh thổ quốc tế khỏi bị một nước chiếm đóng”, ông Spicer lên tiếng ít ngày sau khi ông Trump nhậm chức.
Trong cuộc điều trần chuẩn thuận chức ngoại trưởng Mỹ trong tháng này, ông Tillerson nói tại Quốc hội Mỹ rằng “chúng ta sẽ phải gửi một tín hiệu rõ ràng tới Trung Quốc: thứ nhất, việc xây đảo phải dừng, và thứ hai là quý vị sẽ không được cho phép tiếp cận các đảo đó”.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Nhà Trắng từ chối cho biết về cách thức Hoa Kỳ sẽ thực hiện để chặn Trung Quốc. Ông Spicer chỉ nói thêm rằng “chúng tôi sẽ có thêm thông tin về vấn đề này khi chúng tôi phát triển thêm nữa [các chính sách]”.
Truyền thông Trung Quốc từng cảnh báo rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm chặn Trung Quốc tiếp cận các quyền lợi ở biển Đông có nguy cơ dẫn tới “một cuộc chiến toàn diện”.
Tờ China Daily của nhà nước Trung Quốc tuyên bố rằng nếu quốc gia đông dân nhất thế giới bị bác quyền tiếp cận các đảo Bắc Kinh đã kiểm soát thì nó “sẽ khai mào cho một cuộc đối đầu khốc liệt giữa Trung Quốc và Mỹ”.
Ông Tillerson hôm 23/1 được Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ chuẩn thuận chức ngoại trưởng Mỹ với số phiếu thuận và chống sít sao. Cựu giám đốc điều hành tập đoàn dầu khí ExxonMobil dự kiến sẽ được chính thức được toàn Thượng viện thông qua.
Thời gian qua, Trung Quốc cấp tập xây đảo nhân tạo và đưa vũ khí ra biển Đông, gây quan ngại cho các nước như Việt Nam.
Tuy nhiên, nữ phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh nói rằng hành động của Bắc Kinh ở biển Đông “hợp lý và công bằng”. “Bất kể các thay đổi xảy ra ở nước khác, những gì họ nói hay muốn làm, quyết tâm của Trung Quốc nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh hải ở biển Đông sẽ không thay đổi”.
Ông Renato DeCastro, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học De La Salle ở Philippines, một người nghiên cứu về biển Đông nhiều năm qua, nói với VOA Việt Ngữ rằng cần phải chờ xem tình hình biến chuyển cụ thể như thế nào.
Ông nói tiếp:
“Vẫn phải chờ xem thực tế như thế nào. Đó mới chỉ là các tuyên bố. Chúng có biến thành hành động không mới là điều đáng nói”.
Học giả từng có thời gian làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở thủ đô Washington nói thêm rằng biển Đông sẽ là một trong các vấn đề “rất quan trọng đối với chính quyền của ông Trump”.
“Tôi nghĩ, để đương đầu với Trung Quốc, chính quyền của ông Trump sẽ sử dụng cách tiếp cận phô trương sức mạnh trong chiến lược về châu Á”, ông DeCastro nói.
Trong một diễn biến khác liên quan, Tân Hoa Xã của Trung Quốc hôm 24/1 dẫn lời các chuyên gia viết rằng “bất chấp những đồn đoán rằng quan hệ Trung – Mỹ có thể rơi vào thế bất định dưới thời kỳ nắm quyền của ông Trump, hai cường quốc có thể tránh được điều đó bằng cách tổ chức một cuộc đối thoại sớm để đặt ra các quy định cho lộ trình [quan hệ]”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét