Tổng giám đốc Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế IAEA, Yukiya Amano, trong một chuyến thăm hiện trường dự án điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam tại Ninh Thuận, 10/01/2016.
Nợ công tăng nhanh, thay đổi ban lãnh đạo và quan ngại về an toàn hạt nhân, đó là những lý do khiến Việt Nam buộc phải từ bỏ điện nguyên tử. Hôm qua, 22/11/2016, trong một phiên họp kín, Quốc Hội Việt Nam, với 92% phiếu thuận, đã thông qua nghị quyết về việc dừng dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Chủ trương xây nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đã từng được Quốc Hội Việt Nam thông qua vào tháng 11/2009 ( nhưng chỉ với 77% phiếu thuận ). Dự án gồm 2 nhà máy với công suất tổng cộng 4000 MW, theo dự kiến sẽ do Nga xây dựng, với nhà máy đầu tiên sẽ được khánh thành vào năm 2028. Việt Nam cũng đã dự trù xây hai nhà máy điện nguyên tử khác ở Ninh Thuận với sự trợ giúp của Nhật. Mục tiêu là để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng, được dự báo sẽ tăng nhanh trong những năm tới cùng với đà tăng trưởng kinh tế.
Theo lời chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam Dương Quang Thành, được báo trong nước trích dẫn hôm qua, một trong những lý do của đề nghị ngưng dự án nhà máy điện hạt nhân là do hiện nay, "nguồn năng lượng sơ cấp như than, dầu khí có giá thành thấp hơn trước, việc đầu tư không cạnh tranh được về kinh tế".
Thế nhưng, theo tờ Nikkei Asian Review của Nhật, trong bài viết đang hôm nay, 23/11/2016, lý do đầu tiên khiến Việt Nam buộc phải từ bỏ điện hạt nhân, đó là chi phí cho các dự án nói trên quá cao, tổng cộng lên tới 27 tỷ đôla, chiếm đến 13% tổng sản phẩm nội địa GDP của Việt Nam ( được thẩm định chỉ vào khoảng 200 tỷ đôla ).
Trong khi đó, nợ công của Việt Nam lại đang tăng rất nhanh, theo dự báo sẽ lên đến 65% GDP vào cuối năm nay, vì trong những năm qua, Việt Nam đã phải vay ngày càng nhiều tiền từ bên ngoài để đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng. Trong khi đó thì nguồn thu nhập từ thuế thì đã bị giảm gần 10%, do Việt Nam phải thi hành các hiệp định tự do mậu dịch, chẳng hạn như với ASEAN.
Theo Nikkei Asian Review, trích lời một phóng viên trong nước, việc thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mất chức cũng đóng vai trò quan trọng trong quyết định dừng dự án điện hạt nhân. Ông Dũng đã là người ủng hộ các dự án nhà máy điện nguyên tử và các dự án cơ sở hạ tầng lớn khác. Nhưng ban lãnh đạo mới hiện nay có thể sẽ tạm dừng hoặc ngưng các dự án lớn như vậy.
Tuy tai nạn hạt nhân Fukushima năm 2011 đã khiến công luận Việt Nam thêm lo ngại, lúc đó chính quyền Hà Nội vẫn thúc đẩy các dự án điện nguyên tử ở Ninh Thuận, vì chế độ độc đảng ở Việt Nam ít khi nào quan tâm đến ý kiến của người dân. Thế nhưng chính phủ ngày càng khó mà kiểm duyệt các thông tin trước sức lan tỏa của các mạng xã hội như Facebook. Ý thức về môi trường của người dân Việt Nam càng được nâng cao qua vụ cá biển chết hàng loạt do các chất thải độc hại từ nhà máy Formosa. Mối quan ngại về an toàn hạt nhân có lẽ cũng là một yếu tố thúc đẩy ban lãnh đạo mới của Việt Nam phải quyết định dừng dự án điện hạt nhân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét