Translate

Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2016

Trông người lại ngẫm đến ta

> Chuyện công an 
> 
Dân tộc và dấu hiệu một cơn bão tố
.
HUỲNH THẾ DU

TTO - Kể từ khi giành được độc lập, Việt Nam đã trải qua nhiều thăng trầm do việc lựa chọn đường đi của mình và tác động của bên ngoài. Giờ đây, Việt Nam đang ở ngưỡng cửa quan trọng. Nhìn qua lăng kính tương phản về sự thành công của Hàn Quốc với khởi đầu từ thời tổng thống Park Chung Hee và trục trặc của Philippines từ thời tổng thống Ferdinand Marcos, sẽ thấy rất nhiều điều đáng suy ngẫm cho Việt Nam.

Sự tương phản giữa Hàn Quốc và Philippines


Vào những năm 1960, bối cảnh của Hàn Quốc và Philippines khá giống nhau với sự chênh lệch về trình độ phát triển không nhiều và cả hai đều có sự hậu thuẫn của Mỹ và Nhật với những khoản viện trợ khổng lồ và điều kiện thâm nhập thị trường thuận lợi.

Thậm chí hi vọng đối với Philippines còn lớn hơn đối với Hàn Quốc với ví dụ cụ thể nhất là việc đặt trụ sở của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Manila. Tuy nhiên, sau hơn năm thập kỷ là một bức tranh hoàn toàn trái ngược khi Hàn Quốc đã trở thành quốc gia phát triển, trong khi Philippines chỉ là nước thu nhập trung bình thấp.

GDP bình quân đầu người theo giá cố định năm 2005 của Philippines vào năm 1960 là 696 USD, bằng 63% Hàn Quốc; đến năm 2014 là 1.662 USD, bằng 6,8% Hàn Quốc (hình 1). Trong giai đoạn này, con số nêu trên của Hàn Quốc tăng 22,2 lần, trong khi Philippines chỉ là 2,4. Thêm vào đó, chỉ số phát triển con người (HDI) hiện nay của Hàn Quốc và Philippines lần lượt là 17 và 115; chỉ số cảm nhận tham nhũng là 37 và 95.


Hai con người và số phận 
hai quốc gia

Park Chung Hee và Ferdinand Marcos đều sinh năm 1917 và có những nền tảng tương đồng, nhưng con đường trở thành lãnh đạo tối cao, vị thế trong giai đoạn ban đầu và di sản để lại hoàn toàn trái ngược.

Park được xem là người có công lớn đưa Hàn Quốc trở thành quốc gia phát triển, trái lại Marcos bị xem là tội đồ gây ra tình trạng kém phát triển của Philippines và tạo ra thuật ngữ tư bản thân hữu. Park xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo ở tỉnh lẻ, rất thông minh và thừa hưởng nền giáo dục được xem là tốt nhất trong thời kỳ Nhật đô hộ Hàn Quốc.

Marcos xuất thân từ một gia đình quý tộc và chính trị tỉnh lẻ, rất thông minh, kèm nhiều tài lẻ và thừa hưởng nền giáo dục được xem là tốt nhất ở Philippines trong thời kỳ là thuộc địa của Mỹ.

Park lên nắm quyền thông qua cuộc đảo chính quân sự năm 1961 do dân chúng đã quá chán ghét chế độ, bất tài, tham nhũng và phụ thuộc quá mức vào Hoa Kỳ.

Park theo con đường binh nghiệp và khi đảo chính, ông không có vị trí cao trong quân đội nhưng đã biết cách biến mình thành trung tâm. Tính chính danh của Park không được đảm bảo và sự hậu thuẫn của Mỹ là không chắc chắn vì quan điểm giảm thiểu sự phụ thuộc vào nước này của ông.

Trái lại, con đường trở thành lãnh đạo tối cao của Marcos rất hanh thông. Trước khi trở thành tổng thống, ông đã là một luật sư có tiếng tăm, rồi trở thành nghị sĩ và sau đó là chủ tịch thượng viện.

Trở thành tổng thống thông qua cuộc bầu cử đúng luật cộng với tài năng diễn xuất, Marcos được xem là niềm hi vọng để đưa Philippines đi đến bến bờ thịnh vượng. Hơn thế, chính quyền của ông rất được Hoa Kỳ nuông chiều do những lợi ích cốt lõi của họ.

Có thể phân tích sự tương phản giữa Park Chung Hee gắn với sự thành công của Hàn Quốc và Ferdinand Marcos gắn với trục trặc tại Philippines ở nhiều khía cạnh khác nhau. Đối với việc tìm kiếm con đường phát triển cho Việt Nam, sáu tương phản dưới đây là rất đáng tham khảo.

Thứ nhất, sự khác biệt về mục tiêu cá nhân. Park bị ám ảnh bởi phát triển kinh tế quốc gia và dường như ít tích lũy tài sản cá nhân, trong khi những phát biểu mang tinh thần phát triển của Marcos che giấu một quyết tâm ngầm muốn thúc đẩy thành công kinh tế cho gia đình và thân hữu của ông.

Thứ hai, nền tảng thể chế và nguồn nhân lực ban đầu. Chế độ độc tài của Park thừa hưởng và nuôi dưỡng bộ máy quan liêu quân sự và dân sự được thể chế hóa hơn rất nhiều so với chế độ độc tài của Marcos.

Trong chế độ của Park, có một sự kết hợp đầy nghịch lý giữa thể chế hóa và cá nhân. Trái lại, Marcos thừa kế và nuôi dưỡng một bộ máy quan liêu hoàn toàn mang tính chuyên quyền.

Thứ ba, thái độ cùng với cách ứng xử của Mỹ và cách ứng xử với Mỹ. Chế độ của Lý Thừa Văn trước đó bị xem là bất tài và phụ thuộc nặng nề vào Mỹ, nhưng sau đó Park đã xem Mỹ là một đồng minh không đáng tin cậy nên xây dựng một nền kinh tế và quân đội tự cường. Trái lại, Marcos đã làm cho sự lệ thuộc của Philippines vào Hoa Kỳ ngày một 
gia tăng.

Thứ tư, cách thức sử dụng người. Sự lựa chọn sáng suốt, đặt niềm tin vào các thành viên nội các và đội ngũ tham mưu của Park đã giúp Hàn Quốc có được sự thay đổi vượt bậc. Trong triều đại của Marcos, trái lại, đối với các cá nhân thì khả năng hưởng thù lao là vô tận, chỉ cần lòng trung thành với gia đình tổng thống không bị nghi ngờ. Hệ thống của Hàn Quốc đánh giá dựa vào kết quả hay thành tích, trong khi hệ thống của Philippines dựa vào các quan hệ thân hữu mà điển hình nhất là phu nhân của Marcos đã nắm nhiều vị trí quan trọng trong nội các và còn định được đưa lên làm tổng thống thay Marcos.

Thứ năm, cách thức tạo dựng và sử dụng hệ thống. Các nhà phân tích về Hàn Quốc của Park ghi nhận “cá thể tư với mục đích công” thì hình mẫu chung dưới thời Marcos là cá thể công với mục đích tư. Nói một cách khác, những cá nhân ở Hàn Quốc trong thời của Park thể hiện dấu ấn của mình để tạo ra sự phát triển quốc gia, trong khi ở Philippines dưới thời Marcos thì các cá nhân sử dụng hệ thống công để vơ vét cho cá nhân.

Thứ sáu, áp lực từ bên ngoài. Hàn Quốc phải chịu áp lực rất lớn từ CHDCND Triều Tiên với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của khối xã hội chủ nghĩa, trong khi Philippines gần như không có áp lực này. Đây cũng là sự khác biệt lớn giữa hai nhóm nước Đông Á và Đông Nam Á được phân tích trong Lựa chọn thành công vào năm 2008 của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright.

Tóm lại, có sự tương phản giữa Hàn Quốc với Park Chung Hee và Philippines với Ferdinand Marcos. Tuy nhiên, có hai vấn đề cần làm rõ. Thứ nhất, tình trạng tham nhũng và quan hệ thân hữu cũng rất trầm kha ở Hàn Quốc.

Thứ hai, nền tảng ban đầu của Marcos là rất tốt cho sự phát triển của một quốc gia với thể chế bao trùm. Tuy nhiên, ảnh hưởng đến phát triển của tham nhũng và quan hệ thân hữu ở Hàn Quốc đã không quá trầm trọng nhờ các thể chế bao trùm, trong khi Marcos đã gây ra rất nhiều hệ lụy cho Philippines và tạo ra các thể chế mang tính khai thác rất cao.

Việt Nam thì sao?

Nhìn lại lịch sử Việt Nam từ khi độc lập đến nay và những nền tảng hiện có, có mấy điều phải suy gẫm.

Thứ nhất, về mục tiêu cá nhân và xuất thân, các lãnh đạo tiền bối của Việt Nam gần với Park hơn. Tuy nhiên, nhiều người trong số họ không được đào tạo bài bản. Nhiều trong số lãnh đạo tiếp theo của Việt Nam, nhất là số trưởng thành sau năm 1975, được đào tạo bài bản và qua các tầng nấc từ thấp đến cao.

Thêm vào đó, nhiều người là người thân của các lãnh đạo cấp cao trước đây. Câu hỏi đặt ra là liệu cấu trúc thể chế của Việt Nam và những khuyến khích có đủ lớn để những thế hệ lãnh đạo tiếp theo đeo đuổi mục tiêu vì cái chung, hay là một cơ chế với các quan hệ thân hữu mà nhiều người ra sức vơ vét cho cá nhân gây tổn hại cho quốc gia?

Thứ hai, nền tảng thể chế và nguồn nhân lực ban đầu. Một số nền tảng thể chế hiện đại đã được tạo dựng ở Việt Nam dưới thời người Pháp đô hộ và chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên, các chiến dịch cải cách ruộng đất, đánh tư sản, xóa bỏ tàn dư của chế độ cũ đã làm Việt Nam không thể tận dụng được những nền tảng thể chế và nguồn nhân lực trước đó.

Nhưng điểm tích cực là các nền tảng của quan hệ thân hữu không phổ biến trong thời gian khá dài. Trái lại, hiện nay nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam tương đối dồi dào, những cải cách thể chế thời gian qua cùng với tiến trình hội nhập và cam kết quốc tế là những yếu tố có thể tạo ra sân chơi bình đẳng. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là những mầm mống trong quan hệ thân hữu đang rất rõ nét và ngày một nghiêm trọng hơn.

Thứ ba, thái độ cùng với cách ứng xử của các nước lớn và ngược lại. Việt Nam thường xuyên phải “đi trên dây” trong vấn đề này. Ví dụ, việc xử lý mối quan hệ với Liên Xô và Trung Quốc trước đây đã để lại bao nhiêu hệ lụy đến ngày nay.

Trong bối cảnh hiện tại, điều then chốt đối với Việt Nam là giữ được sự tự cường và hạn chế sự ảnh hưởng bởi các quốc gia bên ngoài.

Thứ tư, cách thức sử dụng người. Đây là vấn đề rất lớn đối với Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Những lùm xùm liên quan đến bổ nhiệm cán bộ là người thân của một số lãnh đạo cho thấy dấu hiệu sử dụng con người dựa vào quan hệ, gốc gác thay vì thành tích đang trở nên phổ biến hơn. Đây là một xu hướng hết sức bất lợi cho sự phát triển của Việt Nam.

Thứ năm, cách thức tạo dựng và sử dụng hệ thống. Đây là một trục trặc lớn khác của Việt Nam. Những nền tảng của một nhà nước kiến tạo đang còn thiếu vắng.

Thứ sáu, áp lực từ bên ngoài. Đây luôn là vấn đề đối với Việt Nam từ xưa đến nay. Cách tiếp cận có lợi đối với sự phát triển của Việt Nam nên như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore hay Israel là xác định rõ ràng các áp lực và đe dọa từ bên ngoài để thấy rằng không còn con đường nào khác đối với Việt Nam là phải trở nên hùng cường.
----------------------------
nguon: http://mphuoc.blogspot.com/2016/06/trong-nguoi-lai-ngam-en-ta.html

Không có nhận xét nào: