NGUYÊN NHÂN CÁ CHẾT Ở VÙNG BIỂN BẮC MIỀN TRUNG: NÊN TÌM LỜI GIẢI Ở KHU CÔNG NGHIỆP VŨNG ÁNG.
>> Những con số kỷ lục từ Formosa Hà Tĩnh
>>
Bài này viết từ giữa tháng 4, trong ứng dụng NOTE của Mac. Đến 22/4, sau khi đọc các bài báo thấy úp mở chuyện nguyên nhân cá chết, mình tạo ra môt file riêng, rồi gửi cho tờ báo mà mình yêu thích. Nhưng một cựu BTV gạo cội của tờ báo đó nhận xét: “Có thể họ không đăng.
Nhưng từ những ý kiến của anh, họ sẽ chỉ đạo phóng viên điều tra theo hướng đó. Cứ gửi đi. “ Thường theo dõi tin tức liên quan Vũng Áng từ khi có dự án “khu liên hợp gang thép Formosa Hà Tĩnh”. Như vụ bạo loạn đẫm máu 01/5/ 2014 đến vụ sập giàn giáo làm chết 13 công nhân tháng 3 năm 2015. Ngày 25/3/2015, bản tin trên báo TNO có viết: trong quá trình cứu hộ, Thượng uý (BĐBP) Nguyễn Huy Tăng cho biết: "Phía dưới giàn giáo còn có một đường hầm chạy ra biển nên công tác cứu nạn gặp nhiều khó khăn...” Từ chi tiết này mình tìm hiểu đường hầm ấy đi đâu. Phóng viên có thể khó thâm nhập vào khu công nghiệp Vũng Áng, nhưng Google Earth (Map) có thể cho ta biết điều này, bỡi vì công trường đang xây dựng. Một công trình lắp ráp bằng các khối bê tông hộp đúc sẵn, có lòng rổng hình vuông mỗi chiều hơn 2 mét vươn ra biển. Trên Google Earth, nó có vẽ như càng ra xa càng chìm dần xuống biển. Từ đó mình thường theo dõi tiến độ “vươn ra vịnh Vũng Áng” của công trình này qua Google Earth. Nó ngày càng dài ra và mình nghi ngờ rằng, đây có thể là đường hầm dẫn nước thải của cả khu công nghiệp và kết hợp bao âu thuyền chắn sóng. Bỡi vì cầu cảng biển không thể vươn dài ra xa như thế. Bây giờ, dù nhà nước còn che dấu và bảo vệ Formosa, nhưng các chuyên gia trung thực đã phân tích như suy nghĩ của mình. Ngư dân 2 tỉnh Bình - Tĩnh cũng nghĩ vậy. Mình đưa vào NOTE để lưu giữ và không bị trôi đi theo hàng triệu status mỗi ngày !
Dưới bề mặt nước biển trong xanh kia có những gì?
Ngư dân phát hiện cá chết hang loại ở biển Vũng Áng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) và Bắc Quảng Bình từ đầu tháng 4. Báo chí vào cuộc. Ngày 20/4/2016, TTO đưa tin: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình, cho biết “kết quả phân tích mẫu nước ban đầu về nguyên nhân cá chết hàng loạt dọc bờ biển tỉnh này trong khoảng một tuần qua là do nguồn nước bị nhiễm độc. Tuy nhiên, yếu tố làm nguồn nước nhiễm độc hiện vẫn chưa được tiết lộ.”
Theo dõi vụ việc mấy ngày qua, tôi nghĩ đến thủ phạm gây ô nhiễm nguồn nước vùng biển bắc miền Trung là khu kinh tế Vũng Áng, mà chủ yếu là cụm công nghiệp Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (bao gồm các nhà máy Thép, nhà máy Nhiệt điện,…). Ngoài 18 dự án du lịch và dịch vụ thương mại, thì Khu liên hợp gang thép Formosa Hà Tĩnh (FSH) là đáng chú ý nhất về nguy cơ ô nhiễm.
Cơ sở để nghi ngờ
Khu liên hợp gang thép Formosa Hà Tĩnh là một trong những dự án lớn nhất của Tập đoàn Formosa. Với tổng mức đầu tư 15 tỷ USD (2 giai đoạn), trên diện tích trên 3.300ha: đất liền hơn 2.000ha và mặt nước trên 1.200ha. Nhà máy gang thép Formosa Hà Tĩnh có công suất giai đoạn I: hơn 10 triệu tấn/năm; giai đoạn II là hơn 20 triệu tấn/năm(1). Mật độ xây dựng cực lớn, kéo dài và việc tàu bơm hút cát (lớn nhất thế giới) nạo vét luồng lạch trong Vịnh Vũng Áng 10 năm nay, thì chất thải công nghiệp và ô nhiễm môi trường vùng biển Vũng Áng là khó tránh khỏi. Theo FSH, từ 5/2015, mẻ thép đầu tiên ra lò ở Vũng Áng, khởi đầu cho hoạt động giai đoạn I của tổ hợp gang thép Hưng Nghiệp – Formosa. Chưa thấy thông tin kiểm tra của cơ quan chức năng về nước thải sinh hoạt, bụi, chất thải rắn và mức độ ô nhiễm không khí, nước đất từ khu công nghiệp này. Tuy vậy, ngay từ khi bắt đầu triển khai dự án, các nhà khoa học môi trường đã cảnh báo về nguy cơ ô nhiễm từ khu CN Gang Thép Formosa Vũng Áng.
Câu hỏi đặt ra là chất thải rất lớn của khu công nghiệp này thải đi đâu? Để dễ hình dung qui mô mức độ thải bụi của khu công nghiệp gang thép, xem so sánh của 2 khu CN Thép Phú Mỹ I và Hưng Nghiệp – Formosa (xem bảng):
So sánh lượng bụi qua khí thải từ 2 khu CN Thép Phú Mỹ I & Formosa
Đó là chưa kể các nhà máy sản xuất phụ trợ và sẽ thải ra một lượng chất thải nước khổng lồ đổ vào vịnh Bắc Bộ qua vịnh Vũng Áng.
Nguồn ô nhiễm từ khu công nghiệp gang thép và nhiệt điện chứa những gì? Với nhà máy nhiệt điện, đốt than hoặc dầu nặng FO. Khí thải ra bụi là các chất khí độc hại như SOx, NOx, COi,.. khi gặp nước sẽ thành các a-xít và cả kim loại nặng. Với nhà máy luyện kim (gang, thép), quá trình luyện cốc, luyện gang, thép, thiếc, đồng phát sinh chất thải rắn gồm bụi kim loại, xỉ than và các khí độc hại CO, SO2, SO3, hydro cácbua, phê non, benzen, oxýt đồng, thạch tín,.. các kim loại nặng asen, mangan, đồng, sắt,.. Ngoài nước thải, chất thải rắn và khí thải khi gặp mưa và nước sẽ sinh ra các axit độ ăn mòn cao đầu độc nguồn nước bề mặt và các tầng đáy; để lại hậu quả trước mắt cũng như lâu dài. Khu lien hợp Gang – Thép Hưng Nghiệp Formosa có cả 2 loại các nhà máy nhiệt điện và luyện kim này.
Cá chết do chất độc từ khu Công nghiệp Vũng Áng? Ngày 11/4/2016, bản tin “Hà Tĩnh, cá chết hàng loạt tại biển Vũng Áng”, viết : “Từ bờ ra biển khoảng 2 hải lý, các loại cá tự nhiên chết nhiều lắm. Chúng tôi rất hoang mang vì nhiều năm nay chưa từng xảy ra hiện tượng này”, (ông Trần Đình Hường, ngư dân xã Kỳ Lợi). Về nguyên tắc, việc giám sát và kiểm tra ô nhiễm môi trường khu công nghiệp phải bắt đầu từ khi đang xây dựng các công trình. Trong đó việc đặt các trạm quan trắc môi trường đầu nguồn, đầu mối trung gian, giữa và cuối nguồn hệ thống/đường đi chất thải là bắt buộc và cực kỳ quan trọng. Việc theo dõi, giám sát lấy mẫu trung thực theo thời gian vận hành của nhà máy, hệ thống thiết bị cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện chưa thấy thông tin kiểm tra của cơ quan chức năng về nước thải sinh hoạt, độ ô nhiễm trước khi thải ra biển. Có lẽ do họ chưa công bố chăng?
Vì sao cá chết hàng loạt chỉ xảy ra từ nam Hà tĩnh đến Thừa Thiên – Huế? Đó là do dòng hải lưu bề mặt của Vịnh Bắc Bộ. Chu kỳ lưu chuyển bề mặt biển Vịnh Bắc Bộ diễn ra theo mùa. Trong 4 mùa Xuân – Hạ - Thu - Đông, do ảnh hưởng của địa hình thềm lục địa, khí hậu và lưu thông gió toàn vịnh Bắc Bộ và Biển Đông, chỉ có mùa Hạ (cao điểm là tháng 8) là dòng hải lưu ven bờ biển Việt Nam chảy ngược từ Nam lên Bắc. Còn lại 3 mùa Thu, Đông, Xuân là “chảy xuôi” từ Bắc xuống Nam (xem hình 1).
Hình 1: Chu kỳ dòng hải lưu trong vịnh Bắc Bộ (3)
Việc cá lờ đờ rồi chết hàng loạt ở bờ biển các tỉnh Hà Tĩnh vào đến Thừa Thiên – Huế được phát hiện từ cuối tháng 3 đầu tháng 4/2016. Điều này phù hợp với dòng chảy hải lưu mùa đông – xuân Vịnh Bắc Bộ, khi nước đã bị nhiễm độc. Vị trí xuất hiện đầu tiên và lan xuống dọc bờ biển phía Nam Vũng Áng có thể xác định điểm xuất phát nhiễm độc. Việc hải sản sống ở tầng đáy (cá chình, ngao) chết cho ta biết loại độc chất và biển bị nhiễm độc do đâu. Các cửa sông ven biển cũng xuất hiện cá chết là do cá “chạy trốn” tìm nguồn nước sạch và thuỷ triều đưa vào. Nếu những dòng sông này không có nguồn xả thải đổ vào.
Vì sao nghi ngờ độc thải ra từ Vũng Áng? Vì hoạt động xây dựng trên vùng biển Vũng Áng; vì hệ thống nước thải đổ ra biển qua hình ảnh các mương nước và đường hầm đang xây dựng; vì tương ứng với thời điểm nhà máy Thép đi vào hoạt động (tháng 5/2015) đến nay... Điều này sẽ được khẳng định, nếu từ tháng 7 đến tháng 9 tới, Formosa Vũng Áng vẫn xả thải và hiện tượng cá chết xảy ra từ bờ biển Bắc Hà Tĩnh đến Nam Định, Thái Bình. Vì khi đó dòng hải lưu sẽ chuyển hướng lên phía Bắc. Việc lấy mẫu (cá, nước , bùn từ tầng đáy) lưu và xét nghiệm sớm chứ không thành phần độc chất sẽ lan nhành và loãng dần do dòng chảy và thuỷ triều... Nếu hiện tượng này xảy ra, có thể khẳng định nguyên nhân cá chết là do nước biển bị ô nhiễm từ khu công nghiệp Vũng Áng. Cũng không loại trừ có sự góp phần của các nhà máy nhiệt điện khác ven biển Bắc Miền Trung.
Tóm lại, với mương nước thải lộ thiên và đường hầm xả thải ra biển ở tầng đáy với chất thải từ khu công nghiệp nặng sẽ đầu độc môi trường sinh thái biển không chỉ tầng nước bề mặt mà còn cả tầng đáy, sẽ huy hoại môi trường sống và đầu độc mọi loài thuỷ sản. Các loại cá chết hàng loạt vừa qua đã nói lên điều đó. Nếu không kiểm tra và ngăn chặn các chất thải từ khu công nghiệp như Vũng Áng, và để kéo dài sản xuất và ô nhiễm, thì cả vùng Vịnh Bắc Bộ, kể cả đảo Hải Nam của Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng.
Trong tương lai, cả Biển Đông cũng bị nhiễm độc nếu hoạt động của Trung Quốc trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tiếp tục diễn ra như hiện này.
Hình ảnh mương nước thải từ khu gang thép Hưng Nghiệp Formosa (FSH) qua Google Earth, quan sát từ độ cao 1,3km. Thời điểm 19/8/2015
Một số tài liệu tham khảo:
1) Vũng Áng - Phát triển công nghiệp đi đôi với bảo vệ môi trường Tác giả: Phí Hùng Cường, Viện Nghiên cứu Chính sách & Phát triển, HVCT I, http://www.ipd. org.vn/an-pham-dich-thuat-va-nghien-cuu-truong-hop-noi-bat/vung-ang-phat-trien-cong-nghiep-di-doi-voi-bao-ve-moi-truong-tac-gia:-phi-hung-cuong-a211.html 2) Sập giàn giáo ở Formosa (Hà Tĩnh), ít nhất 15 người chết. Khánh Hoan – Nguyễn Dũng,; http://thanhnien.vn/thoi-su/sap-gian-giao-o-formosa-ha-tinh-it-nhat-15-nguoi-chet-544980.html 3) Observational and model studies of the circulation in the Gulf of Tonkin, South China Sea. JOURNAL OF GEOPHYSICAL RESEARCH: OCEANS, VOL. 118, 1–16, doi:10.1002/2013JC009455, 2013; http://fvcom.smast.umassd.edu/wp-content/uploads/2014/01/Observational_and_model_studies_of_the_circulation_in_the_Gulf.pdf 4) Biển Đông (South Asian Sea). Encyclopedia of Earth Topics : http://www.eoearth.org/view/article/156127/ 5) Loạt bài trên báo Tuổi Trẻ: http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/moi-truong/20160413/ca-chet-hang-loat-o-ha-tinh-do-o-nhiem-nuoc/1083679.html 6) Bản tin Môi trường: Hà Tĩnh, cá chết hàng loạt tại biển Vũng Áng: http://www.tinmoitruong.vn/chat-thai/ha--ti-nh--ca-chet-hang-loat-tai-bien-vung-ang_7_47912_1.html 7) Cá chết trắng bè khu kinh tế Vũng Áng: http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/ca-chet-trang-be-o-khu-kinh-te-vung-ang-3384078.html
*
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét