Translate

Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2016

Công tác nhân sự, không thể “bó đũa chọn cột cờ”

>> Nhà báo Trần Đăng Tuấn nói về việc bị loại: Tôi hiểu họ khó hơn tôi
>> Cái nắm tay hay cú đá đó không phải là để dành cho dân!
>> Hiệp thương
>> 
Tiếng dương cầm đã tắt
Bài học yêu nước từ một doanh nhân
Không có người công an nào muốn bà con trong phường căm ghét mình ?!


XUÂN DƯƠNG

(GDVN) - Không thể có một bộ tham mưu giỏi nếu nhiều người được chọn không giỏi. Nói cách khác, liên quan đến vận mệnh quốc gia, dân tộc, không thể “bó đũa chọn cột cờ”

Chiều 7/5/2015, tại Thủ đô Hà Nội, phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến công tác tổ chức, các vấn đề kinh tế xã hội và vai trò lãnh đạo của Đảng thời kỳ mới
.
Chủ đề thu hút sự quan tâm của nhân dân là cơ cấu và tiêu chuẩn Ủy viên BCH TƯ khóa 12.

Trung ương đã đề cập một cách rõ ràng, người tham gia BCH TƯ cần có tiêu chuẩn gì và thế nào là những người không đủ tiêu chuẩn.

Có thể khái quát ba tiêu chí quan trọng nhất với những người tham gia BCH TƯ khóa 12:

- Phẩm chất chính trị: tuyệt đối trung thành với tổ quốc, dân tộc; xem quyền lợi quốc gia, dân tộc là tối thượng, lấy lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “trung với Đảng, hiếu với dân” làm kim chỉ nam cho mọi suy nghĩ và hành động thực tế.  

- Uy tín cá nhân: đạo đức và lối sống trong sáng, minh bạch, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm; không tham nhũng, quan liêu, cơ hội, vụ lợi, tham vọng quyền lực; không xu nịnh, mị dân; không để vợ, chồng, con, người thân lợi dụng chức quyền để trục lợi; không có tư tưởng cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm…

- Năng lực bản thân: có năng lực, trí tuệ, sức khỏe, tư duy chiến lược, phương pháp làm việc khoa học; biết tôn trọng và sử dụng nhân tài; dám làm và dám chịu trách nhiệm…

Trong các khuyết điểm mà người tham gia BCH TƯ khóa 12 không được phép phạm phải, nổi lên mấy điểm cơ bản: “mị dân, chuyên quyền, độc đoán; không chịu nghiên cứu học hỏi, bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói không đi đôi với làm; có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân và vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu…”.

Có thể thấy Trung ương đã lường trước tất cả, không còn sót điều gì, tuy vậy để nghị quyết của TƯ đi vào cuộc sống, vấn đề lại không phải nằm ở nghị quyết mà ở người thực hiện.

Có hai điều mà người viết trăn trở: phương pháp, quy trình giới thiệu và người được giới thiệu.

Về phương pháp và quy trình giới thiệu, lựa chọn nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 là phải “dựa vào giới thiệu của các đồng chí Ủy viên Trung ương khóa 11, giới thiệu của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương…”.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (NQ4) chỉ rõ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…”. [1]

Vậy nếu “bộ phận không nhỏ” này có quyền giới thiệu nhân sự cho BCH TƯ khóa 12 liệu có bảo đảm họ sẽ công tâm, sẽ không vì “lợi ích nhóm”?

Có cách nào “miễn trừ” quyền giới thiệu của họ khi họ vẫn là Đảng viên và vẫn có những quyền mà Điều lệ Đảng quy định?

Có lẽ mong muốn này sẽ không thành hiện thực bởi lẽ chỉ có thể “miễn trừ” quyền giới thiệu nếu biết chính xác “bộ phận không nhỏ” đó là ai. Nhưng một khi đã biết đó là ai thì TƯ lại chẳng cần tốn nhiều công sức để quy định các tiêu chuẩn lựa chọn.

Mặt khác vì bộ phận đó là “không nhỏ” nên tỷ lệ phiếu giới thiệu của họ có lẽ cũng sẽ “không nhỏ”, vậy phải làm thế nào?

Bác Hồ từng rất tâm đắc với câu nói dân gian: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Trong "Bài nói chuyện tại lớp bồi cán bộ lãnh đạo cấp huyện" (ngày 18/1/1967), Bác nói nguyên văn: "Các đồng chí ở Quảng Bình nói rất đúng: Dễ 10 lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong". [2]

Dựa vào dân, hỏi dân chính là bí quyết thành công, chính là cách duy nhất để vượt qua khó khăn dẫu đó có là “khó vạn lần”. Vậy có nên hỏi dân và nếu hỏi thì hỏi như thế nào?

Vấn đề thứ hai là giới thiệu ai?

Cũng trong NQ4 có đoạn: “Đội ngũ cán bộ cấp Trung ương, cấp chiến lược rất quan trọng, nhưng chưa được xây dựng một cách cơ bản. Công tác quy hoạch cán bộ mới tập trung thực hiện ở địa phương, chưa thực hiện được ở cấp trung ương…”.

Qua nhận định của TƯ có thể thấy công tác quy hoạch cán bộ ở địa phương thực hiện tốt hơn ở TƯ, nhất là quy hoạch cán bộ trẻ.

Điều này cho thấy nguồn cán bộ địa phương tuổi dưới 50 cung cấp cho TƯ không thiếu, hơn nữa lớp cán bộ trẻ này không ít người được đào tạo tại nước ngoài, đa số có cả bằng chuyên môn lẫn chính trị, lại xuất thân từ các gia đình có truyền thống lãnh đạo nên đã được chuẩn bị tư thế lãnh đạo từ khi còn rất trẻ.

Công tác cán bộ địa phương đã được khá nhiều tờ báo phản ảnh, xin nêu một vài trích dẫn.

Báo nld.com.vn ngày 10/4/2015 đưa tin “Quảng Nam: Con Bí thư Tỉnh ủy làm Phó giám đốc sở”. Tóm tắt nội dung bài báo như sau “ngày 26-2-2014, ông Lê Phước Hoài Bảo, Trưởng Phòng Xúc tiến đầu tư thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai đã được ông Lê Phước Thanh ký quyết định điều động đến nhận công tác tại UBND huyện Thăng Bình. Ngày 14-3-2014 ông Lê Phước Hoài Bảo đã trúng cử chức danh Phó chủ tịch UBND huyện Thăng Bình nhiệm kỳ 2011-2016.

Ngày 2/4/2015, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Nam (thay mặt Chủ tịch UBND kiêm bí thư tỉnh ủy Lê Phước Thanh) ký Quyết định số 1125 điều động và bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo giữ chức vụ Phó giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư tỉnh Quảng Nam kể từ ngày 9/4/2015. Được biết ông Lê Phước Hoài Bảo sinh năm 1985, là con trai Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam Lê Phước Thanh.

Báo giaoduc.net.vn ngày 10/12/2013 có bài Con trai, con rể Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương băng băng trên đường quan lộ.

Bài báo cho biết “ông Bùi Thanh Tùng (sinh năm 1980),  được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương từ ngày 1/10/2013, cùng trong năm 2013 ông Lê Hồng Diên (sinh năm 1981) được bầu giữ chức Chủ tịch huyện Tứ Kỳ.

Được biết ông Bùi Thanh Tùng là con trai, còn ông Lê Hồng Diên là con rể của Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Bùi Thanh Quyến.

Không chỉ ở các địa phương, tại các doanh nghiệp nhà nước, đội ngũ cán bộ trẻ cũng được tin tưởng và được mạnh dạn cơ cấu vào các vị trí quan trọng.

Tuy nhiên như nghị quyết đã nêu, vẫn tồn tại “Một số trường hợp đánh giá, bố trí cán bộ chưa thật công tâm, khách quan, không vì yêu cầu công việc, bố trí không đúng sở trường, năng lực, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan lãnh đạo, sự phát triển của ngành, địa phương và cả nước”.

Chẳng hạn Bộ Giao thông vận tải qua kiểm tra công tác tổ chức tại Cảng vụ Hàng không miền Trung phát hiện “từ năm 2008 đến 2014, CVHK miền Trung tuyển dụng 58 người, trong đó có 53 viên chức, 5 nhân viên hợp đồng. Tuy nhiên, chỉ có 12 trường hợp có chuyên ngành hàng không, 41 trường hợp có các chuyên ngành khác, 7 trường hợp tại chức, 1 trường hợp đại học từ xa. [4]

Phát biểu của Tổng Bí thư cho thấy quyết tâm rất lớn của Đảng trong công tác cán bộ: “công tác cán bộ là cái gốc của mọi công việc; nguyên nhân của mọi nguyên nhân; then chốt của then chốt". “Ban chấp hành Trung ương khóa XII cần có 3 độ tuổi: dưới 50, 50-60 và từ 61 tuổi trở lên. Trường hợp đặc biệt nào cần phải cơ cấu vào Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ngoài độ tuổi theo quy định thì Bộ Chính trị cân nhắc, trình Ban chấp hành Trung ương xem xét, quyết định việc đề cử với Đại hội Đảng”.

Điều băn khoăn của người viết là quy định độ tuổi nêu trên không giới hạn “cận dưới” hay “cận trên” có nghĩa là bao quát mọi độ tuổi, vậy trường hợp thế nào được gọi là “đặc biệt”, là “ngoài độ tuổi theo quy định”?

Mặt khác, Đảng và Nhà nước đang có chủ trương tinh giản biên chế vậy có nên kết hợp các chức vụ trong Đảng với chức vụ Chính quyền như tỉnh Quảng Ninh đang thí điểm? Như ý kiến của lãnh đạo Quảng Ninh đăng trên daidoanket.vn ngày 2/3/2015 “nhất thể hóa chức danh người đứng đầu cấp ủy và chủ tịch UBND địa phương” giúp Quảng Ninh tiết kiệm trên 221 tỷ. [5]

Chỉ cần 63 tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ thực hiện như Quảng Ninh thì số tiền tiết kiệm cho ngân sách đã vào khoảng trên 13.000 tỷ, đây là một con số không nhỏ.

Đổi mới công tác tổ chức là đổi mới về con người, việc đổi mới con người phải đồng bộ với việc đổi mới thể chế thì mới đảm bảo thắng lợi. Một người dám nghĩ, dám làm nhưng vướng cơ chế thì khó có thể phát huy ưu điểm. Không nên bắt cán bộ phải “vượt rào” mà là mở cửa cho những ai vì dân, vì nước không phải ngó trước, ngó sau khi việc làm của họ chỉ với mục đích phụng sự quốc gia, dân tộc.

Câu nói “lấy dân làm gốc” vận dụng vào công tác nhân sự là “lấy cán bộ địa phương” làm gốc, vậy nên cốt lõi của công tác nhân sự là ở cơ sở. Một đội ngũ cán bộ địa phương đông về số lượng, có tài, có tâm mới là nguồn sức mạnh của Đảng.

Không thể có một bộ tham mưu giỏi nếu nhiều người được chọn không giỏi. Nói cách khác, liên quan đến vận mệnh quốc gia, dân tộc, không thể “bó đũa chọn cột cờ”.

nguon: http://phuocbeo.blogspot.com/2016/04/cong-tac-nhan-su-khong-bo-ua-chon-cot-co.html*

Không có nhận xét nào: