Đạo làm quan xưa nay
chung một tư tưởng cốt lõi: Nêu cao trách nhiệm đối với tổ quốc, đặt lợi ích
nhân dân – đất nước lên trên hết. Nói ngắn gọn là VÌ NƯỚC VÌ DÂN. Đấy mới là
cái đạo chân chính, mới đúng là “phải đạo”
Trước sức
ép dư luận, một loạt các địa phương đã kịp thời dừng những chuyến đi gắn mác
“học tập kinh nghiệm” ở trời Tây dành cho các quan chức đã và sắp nghỉ hưu hoặc
không tái cử vào cấp ủy trong kì đại hội Đảng các cấp vừa qua vì đã quá tuổi cơ
cấu.
Dư luận
đã cảnh báo đúng khi những chuyến “học tập kinh nghiệm” ấy thực chất là du lịch
trá hình bằng ngân sách nhà nước.
Hãy xem chuyến đi của đoàn
cán bộ lãnh đạo tỉnh Quảng Nam sang Nam Phi được xác định với mục đích rất
“hoành tráng”: “Đi khảo sát các cơ sở du lịch, dịch vụ, thương mại; học tập
kinh nghiệm về công tác quy hoạch, xây dựng các đô thị, khu kinh tế, quản lý du
lịch, bảo tồn thiên nhiên tại Nam Phi”.
“Tư tường
chỉ đạo” là thế, nhưng đoàn đã học được gì? Hãy nghe những người trong cuộc bộc
bạch:
Ông
Nguyễn Tiến (Bí thư huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Núi Thành) nói: “Họ đưa đến
khu rừng mà trên tivi hay đưa về động vật hoang dã đấy! Đến coi được 2 con tê
giác, 5-6 con ngựa vằn, mấy con chồn và 6-7 con voi”
Hỏi có
học được gì không thì ông Tiến bảo: “Không học được gì. Họ nhốt trên xe, tới
nơi rồi thả xuống. Chỉ thấy mấy con tê giác ăn cỏ. Có học được gì đâu!”
Còn ông Trần Kim Hùng - Phó
Chủ tịch HĐND tỉnh thì chẳng cần giấu giếm: “Đã nói đi cái đoàn ưu
đãi cho những người không tái cử nhiệm kỳ mới. Không phải đi học
hỏi gì hết.”
Chuyện đi
Tây “học tập kinh nghiệm” thế là đã rõ. Chưa đi thì hoãn lại như các tỉnh Tiền
Giang, Bình Phước, Đắk Lắk, lỡ đi rồi thì cứ nói thẳng như vị Phó Chủ tịch HĐND
tỉnh thì dư luận còn “cảm thông” cho cái sự đã rồi. Ấy thế mà người ta vẫn
không chịu thừa nhận, cứ biến hóa ngôn từ.
Mới đây,
trả lời báo chí, vị Chủ tịch tỉnh Quảng Nam vẫn khẳng định cho cán bộ đi “học
tập kinh nghiệm” làm du lịch tại Nam Phi vào thời điểm “hoàng hôn nhiệm kì” là
“phải đạo”!
Lập tức
độc giả phản ứng, chỉ xin nêu vài ý kiến:
- “Quảng
Nam hoàn toàn sống bằng tiền ngân sách, bây giờ tỉnh lại thâm hụt đến mấy nghìn
tỉ... Càng nói càng thấy buồn”.
-
"Cái "đạo" của ông Chủ tịch tỉnh Quảng Nam nói nó khác nghĩa với
chữ "đạo" của các bậc thánh hiền xưa kia đã nói! Theo tôi, phải
"đạo" phải là những hành động đúng luật trên cơ sở vì lợi ích chung
toàn xã hội, chứ không nên phải "đạo" là lấy tiền nhà nước cho một số
cán bộ đi chơi rồi cho là phải "đạo"!
-
"Còn bao nhiêu việc "phải đạo" cần làm sao không thấy ông Chủ
tịch tỉnh quan tâm hiến kế như giúp người nghèo, làm nhà tình nghĩa,...".
- “Nước
mình còn nghèo lắm, dân mình còn khổ lắm, kinh phí chuyến đi có thể xây được
bao nhiêu nhà tình thương, bao nhiêu bữa ăn cho người nghèo, nợ công quốc gia
đang lớn dần...”
Nhiều ý
kiến độc giả bàn luận về hai chữ “phải đạo” mà ông Chủ tịch tỉnh biện minh cho
cái quyết định do mình đã kí:
Vâng, cái
“đạo” ông ấy nói không thể là cái đạo ông cha đã dạy mà ta vẫn hiểu đấy là lẽ
sống cao đẹp ở đời? Vậy, “phải đạo” của ông Chủ tịch tỉnh, phải chăng là chút
lòng của “hậu bối” đền ơn đáp nghĩa “tiền bối”?
Chuyện
này không xa lạ gì trong bối cảnh xã hội hiện nay. Núp bóng dưới nhiều chiêu
bài tinh vi, người ta lấy ngân sách nhà nước – tiền thuế của dân để đãi ngộ
những người đã nâng đỡ, dìu dắt mình trên con đường công danh sự nghiệp.
Đó chắc
chắn không thể gọi là “phải đạo” được!
Nói thêm về đạo làm quan,
các cụ xưa đã có những qui định “khuôn vàng thước ngọc” để những danh nhân như
Nguyễn Trãi "Bui một tấc lòng ưu ái cũ / Đêm ngày cuồn cuộn nước triều
đông" dốc hết sức lực trí tuệ và tâm huyết lo việc nước việc dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng
đã dạy cán bộ, đảng viên phải là “đầy tớ”, là “công bộc” của dân, “gánh vác
chung cho dân chứ không phải đè đầu dân... Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức
làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh...”
Đạo làm quan xưa nay đều
thế, chung một tư tưởng cốt lõi: Nêu cao trách nhiệm đối với tổ quốc, đặt lợi
ích nhân dân – đất nước lên trên hết. Nói ngắn gọn là VÌ NƯỚC VÌ DÂN.
Đấy mới là cái đạo chân
chính, mới đúng là “phải đạo”
Nguyễn Duy Xuân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét