ĐÀO TUẤN
Có hai phát ngôn nghị trường lập tức “dậy sóng dư luận” khi “nói quá đúng” về một tình trạng kinh tế mà chúng ta đang phải đương đầu.
Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (QH) - ĐBQH Trần Du Lịch bảo: “Đi vay là phải vay tiền “cái” đẻ (ra tiền) được, còn ta vay toàn tiền “đực”, không đẻ được”. Và Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi về khoản nợ 37.000 tỉ đồng “khi nào trả? Mấy năm vừa rồi cũng nợ nữa. Đã thế còn vay ngắn, chưa vay đã trả lấy gì mà cân đối được”. Và ông nói thẳng “Năm nay không có đồng nào tăng lương. Nói hay thế mà 1 đồng xu tăng lương không có là thế nào!”.
Thật lo cho tình trạng nền kinh tế phải phát hành 3 tỉ USD trái phiếu CP ra nước ngoài. Cái tệ ở chỗ đây thực chất là khoản vay nước ngoài khi không còn có thể vay (phát hành) trong nước được nữa. Cái tệ còn ở việc vay, chỉ là để đảo nợ. Tức là vay “tiền đực”, “tiền vô sinh”.
Thật ngậm ngùi cho một nền kinh tế “hàng chục năm đi vay” trong khi “làm chỉ đủ cho chi thường xuyên”. Thật kỳ cục cho những cái “ngưỡng” nợ nần: Khi nợ công 47-48% GDP thì giải thích là “tới ngưỡng an toàn”. Nợ lên đến 54% cũng “gần tới ngưỡng”. Và giờ, khi nợ công vọt lên 63% thì ngưỡng lại được giải thích là… 65%.
Không ngẫu nhiên, hôm qua ĐBQH Nguyễn Kim Thúy nói chuyện vay chỉ để mua sắm “cho bằng bạn bằng bè”.
Không ngẫu nhiên, Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn nhắc lại khoản 400 triệu USD trái phiếu mà Vinashin từng phát hành và sau đó, Chính phủ phải bảo lãnh cho tập đoàn này phát hành trái phiếu để tái cơ cấu khoản nợ cũ đã lên tới 600 triệu USD.
Đúng là những khoản nợ cái, lãi mẹ đẻ lãi con mà nói như Phó Chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn sợ “con cháu sẽ oán giận” khi “Kỳ hạn 10 năm thì đời con phải trả nợ. Kỳ hạn 30 năm thì đến đời cháu”.
Có thời, báo chí nói về chuyện “sợ vay” của nông dân như một thứ cản trở cho xóa nghèo và phát triển. Tâm lý ấy có thật. Nông dân sợ vay, vì sợ không trả được nợ, vì khoản trả nợ là tiền túi, tiền mồ hôi nước mắt, vì không thể vay đảo nợ, vì nợ là đồng nghĩa với nguy cơ phá sản, ăn mày, lao lý. Và vì khoản nợ đó không thể đổ lên đầu con cháu.
Nợ của anh nông dân bản chất chẳng khác nợ Chính phủ ở chỗ nợ nào rồi cũng phải trả. Chỉ khác ở chỗ anh nông dân không bao giờ dám đi vay, không bao giờ ném phung phí mọi hạt lúa, củ khoai vào hội hè đình đám khai trương khánh thành kỷ niệm để rồi phải vay nợ và chỉ để cho “bằng bạn bằng bè”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét