Nguyễn Trọng Bình
Thật ra, nếu nhìn ở chiều hướng tích cực nhất thì việc Quốc hội Việt Nam quyết định “họp kín” về tình hình Biển Đông ít nhiều đã cho thấy tính chất nghiêm trọng của vấn đề này. Nói cách khác, một khi “những người trong nhà” quyết định đóng chặt cửa lại nói chuyện riêng với nhau nhằm tránh “tai vách mạch rừng” cũng có nghĩa họ đã nhận thấy tình hình đang rất nguy cấp. Ngoài ra, trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay nếu không cẩn thận đóng kín cửa lại lỡ có tay phóng viên của Tân Hoa xã hay Thời Báo Hoàn Cầu nào đó trà trộn và lọt vào tác nghiệp thì quả là chí nguy. Vì vậy, bình tĩnh ngồi ngẫm lại tôi thấy cũng nên thông cảm cho quyết định họp kín này của Quốc hội trong vấn đề này.
Những gương mặt thân quen
Tuy vậy, họp kín để bảo đảm an toàn thông mang tính bí mật quốc gia là một chuyện nhưng chất lượng của cuộc họp ấy như thế nào lại là một chuyện khác. Và chất lượng cuộc họp đương nhiên phụ thuộc hoàn toàn vào những người tham gia cuộc họp. Nói cách khác, ở đây tôi muốn nói đến cái trình độ “quan trí” của các “ông Nghị”, “bà Nghị” – những đại biểu của 90 triệu dân Việt Nam nó như thế nào, có thấp như cái trình độ “dân trí” (mà một số ông Nghị lên tiếng coi thường và xúc phạm) hay không?
Thật lòng mà nói, là một người có trình độ “dân trí” không cao lắm nên tôi đã và đang “rất tâm tư” về chuyện này. Không “tâm tư” sao được khi mà mấy lần theo dõi các kỳ họp của Quốc hội tôi chỉ thấy quanh đi quẩn lại là một vài những “gương mặt thân quen” (như đại biểu Nguyễn Minh Thuyết trước đây, đại biểu Dương Trung Quốc, Trần Du Lịch, Trương Trọng Nghĩa… hiện nay) dám phát biểu và bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề “nóng” của xã hội và đất nước (trong đó có vấn đề về biển Đông) còn đa phần chỉ là vô ngồi cho có tụ; hoặc không thì cầm giấy lên vừa đọc vừa run trước nghị trường giống như học sinh cấp một lên trả bài trước thầy, cô giáo! Hoặc không nữa thì một vài ông bà Nghị có lẽ vì muốn được truyền thông nước nhà đưa lên mặt báo để được nổi tiếng nên bắt chước mấy em “chân dài, óc ngắn” trong giới showbiz quăng ra những phát ngôn gây sốc. Kiểu như “ông nghị” Hoàng Hữu Phước mấy năm trước cho rằng “trình độ dân trí còn thấp nên chưa cần thiết có luật biểu tình” . Hay mới đây là “ông Nghị” Đỗ Văn Đương rất hùng hồn và đầy tinh thần cảnh giác khẳng định: “Quy định quyền im lặng là diễn biến hòa bình, chống lại nhân dân”. Chưa hết, ông nghị Hà Minh Huệ – Phó chủ tịch Hội Nhà Báo VN cũng vừa “phun châu nhả ngọc”: “Dân chủ của ta có hạn, dân trí còn rất thấp, số người dân trí cao là thiểu số, trưng cầu có khi gây hại, không thể tùy tiện”.
Cho nên, mạo muội bắt chước cách tư duy của mấy “ông Nghị” vừa kể ở trên, tôi e rằng nếu trình độ “quan trí” của các ông Nghị, bà Nghị mà không hơn trình độ “dân trí” chúng tôi thì các vị dù họp hay không họp cũng vậy mà thôi; cũng chẳng góp cho Quốc hội cao kiến gì nhằm đối phó với người “láng giềng hữu hảo”!?
Thay lời kết
Mấy ngày qua trong tôi luôn bị ám ảnh bởi cái video clip chỉ vỏn vẹn 4 phút nhan đề “Thì sông cứ chảy, phận người cứ trôi” đang được cư dân mạng chuyền nhau xem và bình luận rôm rả. Thật lòng với riêng tôi, một cách khái quát nhất, cái tiêu đề và nội dung trong cái video clip này đã nói lên tất cả cái hiện thực trần trụi và đau buồn ở xã hội Việt Nam hôm nay. Đặc biệt là cái hiện thực trong tâm hồn của mỗi người dân Việt (trong đó cũng có tôi) giữa cái xã hội bình yên tạm bợ này đang dần cạn kiệt niềm tin về con đường phía trước mà dân tộc đang kiên định tiến lên. Vì vậy, mà vừa xem cái cái video clip tôi vừa cố kìm để nước mắt không chảy ra ngoài!
Từ đây, liên hệ tới vấn đề Quốc hội họp kín về tình hình biển Đông ở trên, tôi cho rằng, nếu như các “ông, bà Nghị” lần này mà không vượt qua được nỗi “mặc cảm chính trị”; không dám biểu quyết để yêu cầu Quốc hội ra một Nghị quyết lên án hành động hung hăng và ngang ngược của Trung Quốc thì cái niềm tin mong manh còn sót lại trong dân chúng chắc chắn sẽ vơi thêm nữa. Và tương lai của dân tộc này, đất nước không biết sẽ đi về đâu. Nói như nhạc sĩ Tuấn Khanh khi ông bình về cái video clip “Thì sông cứ chảy, phận người cứ trôi” là:
“Niềm tin là điều thật mong manh nhưng cao quý. Đánh mất nó, một đất nước sẽ chìm vào hỗn loạn và sụp đổ (…) Cuộc đời như sông cứ chảy, nhưng số phận con người thì cứ trôi, và về phương nào ở ngày mai thì do chính người lớn thế hệ hôm nay đã lèo lái ra sao. Con người có thể đi qua biển động với niềm tin như cậu bé trong Life of Pie, nhưng có thể chết gục ở bờ ao cạn chỉ vì không còn hy vọng vào xã hội mình đang sống.” [1]
Cần Thơ, 5/6/2015
NTB
-------------
-------------
[1] “Thì sông cứ chảy, phận người cứ trôi”. https://nhacsituankhanh.wordpress.com/2015/06/03/thi-song-cu-chay-phan-nguoi-cu-troi/
Tác giả gởi cho viet-studies ngày 5-6-15
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét