Translate

Thứ Hai, 20 tháng 4, 2015

Phi công quân sự và ông Chủ tịch tỉnh: Những khoảnh khắc…


VƯƠNG HƯNG

NĐT - Khoảnh khắc mà những viên phi công quyết định không nhảy dù và khoảnh khắc ông Chủ tịch đặt bút xuống ký duyệt Dự án khiến cho dự án chồng lên dự án, là những khoảnh khắc mang ý nghĩa khác nhau.

  • Diễn biến mới nhất vụ 2 máy bay SU-22 gặp sự cố tại Bình Thuận

  • Nhân chứng kể lại giây phút 2 máy bay Su-22 rơi tại Bình Thuận

  • Chủ tịch tỉnh Quảng Bình lên tiếng về lãng phí dự án điện năng
    - Khoảnh khắc mà những viên phi công quyết định không nhảy dù và khoảnh khắc ông Chủ tịch đặt bút xuống ký duyệt Dự án khiến cho dự án chồng lên dự án, là những khoảnh khắc mang ý nghĩa khác nhau.

    Khi yêu nhau cũng nhờ những khoảnh khắc mà ta biết là mình đã yêu. Cũng như cuộc đời, nhờ những khoảnh khắc mà người ta biết đấy là anh hùng hay kẻ tội đồ.

    Thế là đã bước sang ngày thứ tư kể từ khi hai chiếc máy bay tiêm kích Su-22 của không quân Việt Nam bị rơi gần đảo Phú Qúy. Hai phi công vẫn mất tích. Và tới giờ phút này chúng ta chỉ còn biết chờ đợi và hy vọng là phép màu sẽ xảy ra. Với những ai đã từng đi biển, chắc sẽ hiểu đúng là phải có phép màu xảy ra. Bởi nó thực sự mong manh. Như các ngư dân hay bảo: “Thế giới này gồm những người sống, những người chết và những người đi biển”.

    Người ta thường bảo, số lượng vàng để đào tạo ra một phi công tiêm kích bằng đúng cân nặng của người ấy. Ý muốn nói rằng, mỗi phi công tiêm kích là một báu vật của quốc gia.

    Chuyện về họ, những viên phi công dũng cảm ấy cũng thế, cũng hay và quý như vàng.

    Chuyện kể rằng, có phi công, lúc trúng tuyển chỉ cao 1m64, bị điều chuyển sang lái trực thăng nhưng đã quyết tâm tập xà đơn để cao thêm…1cm, đủ chuyển sang học lái máy bay phản lực. Hỏi anh thì anh bảo: “Đã là phi công thì phải lái tiêm kích!”

    Chuyện kể rằng, có phi công, lúc máy bay gặp sự cố được lệnh phải nhảy dù để bảo toàn tính mạng. Nhưng lòng dũng cảm đã khiến anh cố gắng điều khiển để đưa máy bay ra khỏi vùng không có dân cư. Cái khoảnh khắc quyết định giữa sự sống và cái chết ấy là những khoảnh khắc lịch sử. Ít nhất là đối với chính viên phi công. Nó thể hiện lòng dũng cảm, trách nhiệm và hơn hết là lý tưởng cao đẹp phụng sự hết mình cho Tổ quốc. Nó đáng trân trọng và tôn vinh. Nó vượt lên mọi thứ vật chất tầm thường.

    Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng có những khoảnh khắc cao đẹp như thế. Cuộc sống thì đầy rẫy những khoảnh khắc khác “thấp xấu” hơn. Như là khoảnh khắc mà Chủ tịch tỉnh Quảng Bình phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia chẳng hạn. Nó khiến dự án chồng lên dự án.

    Bởi vì trước đó Dự án pin mặt trời có tổng vốn 14 triệu USD vay của Chính phủ Hàn Quốc đã được triển khai ở đây rồi. Bởi vì trớ trêu thay, Dự án điện lưới sẽ trùm lên hầu hết địa bàn mà Dự án pin mặt trời đang triển khai cho cùng một mục tiêu là cấp điện cho vùng sâu, vùng xa. Khi ông Chủ tịch tỉnh ký cái dự án thứ hai thì dự án thứ nhất có nguy cơ phải gỡ bỏ và rút cục, dự án 14 triệu USD đi vay của Hàn Quốc có nguy cơ thành phế liệu.

    Cái khoảnh khắc ấy, ông đã nghĩ gì hả ông Chủ tịch? Ông có nghĩ đến số tiền mà Chính phủ phải bỏ ra để đối ứng lại cái dự án điện của Hàn Quốc kia không? Ông có nghĩ đến hàng trăm hecta rừng đặc dụng ở Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng sẽ bị ảnh hưởng vì cái Dự án của ông không? Và ông có nhớ rằng tỉnh ông, là một trong những tỉnh nhận gạo cứu trợ nhiều nhất đất nước mỗi năm không?

    Cái khoảnh khắc ông Chủ tịch đặt bút xuống và ký duyệt Dự án.

    Cái khoảnh khắc mà những viên phi công quyết định không nhảy dù.

    Là những khoảnh khắc mang ý nghĩa khác nhau.

    Trong tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy”, nhà văn Nga Nikolai A.Ostrovsky viết: “Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người....”

    Cuộc sống ở đời gồm nhiều khoảnh khắc.

    Có những khoảnh khắc cao đẹp. Có những khoảnh khắc đớn hèn và ti tiện.

  • Đọc thêm:

Không có nhận xét nào: