Translate

Thứ Tư, 29 tháng 4, 2015

“Nếu được lắng nghe, trí thức sẽ đóng góp hết mình”

Nếu! Có nghĩa là thực tế, trí thức chưa được lắng nghe?  

Bất cứ một quốc gia nào cũng vậy, trí thức đúng nghĩa là tầng lớp tinh hoa của quốc gia đó. Vậy mà trí thức chưa được lắng nghe, thì hoặc trí thức chưa đạt đến độ tinh hoa, hoặc cái tai nghe chỉ là Tinh…tướn.
He he...
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt chụp cùng một số thành viên nhóm Thứ Sáu, gồm ông Nguyễn Ngọc Bích (ngưới ngồi bên trái), ông Phan Chánh Dưỡng (đứng, bìa trái) và ông Huỳnh Bửu Sơn (đứng, bìa phải). Ảnh: T.L

Thời mở cửa, có một nhóm Thứ Sáu chuyên tụ hội các chuyên gia kinh tế để thực hiện các “đơn đặt hàng” từ lãnh đạo TPHCM cũng như cả nước về các vấn đề “kinh bang tế thế” một cách hiệu quả. Họ đã góp phần rất lớn trong việc thay đổi tư duy làm kinh tế thị trường trong buổi chập chững đầu tiên sau đổi mới. Ông Huỳnh Bửu Sơn – một trong những chuyên gia kinh tế hàng đầu, thành viên của nhóm Thứ Sáu – nhớ lại:
“Ban đầu, nhóm Thứ Sáu chỉ gồm một số chuyên viên được anh Phan Chánh Dưỡng mời nghiên cứu khai thác một số mặt hàng xuất khẩu cho Công ty Cholimex. Cho đến năm 1986, khi cải cách “giá – lương – tiền” gây ảnh hưởng nền kinh tế khá nặng nề, T.Ư yêu cầu mỗi tỉnh, thành có một bản đúc kết, nhận định. Tại TPHCM, ông Võ Trần Chí – Bí thư Thành ủy lúc bấy giờ – nghe ở quận 5 có một nhóm chuyên viên, liền mời tham gia. Từ đó, anh Phan Chánh Dưỡng mời thêm một số anh em, như Lâm Võ Hoàng, Hồ Xích Tú, Đỗ Nguyên Dũng, Lê Văn Bỉnh…
Lúc đó, tôi làm việc trong ngành ngoại thương, có điều kiện tiếp cận với các số liệu, nên được giao chủ nhiệm đề tài. Anh em cùng nhau bàn giải pháp làm sao để cải thiện tình hình kinh tế. Rồi từ đó, khi trình bày đề tài với ông Võ Văn Kiệt, ông Ba Châu (tức ông Lữ Minh Châu – Thống đốc Ngân hàng Nhà nước) đề nghị nghiên cứu giúp đề tài biến ngân hàng từ một cấp thành hai cấp. Năm 1989, ông Kiệt gọi ra làm đề án đổi mới ngân hàng, rồi sau đó anh em làm một số đề tài có liên quan đến TP, T.Ư, như phát triển kinh tế vùng, phát triển ngoại thương, thành lập khu chế xuất…
Thành thử, đầu tiên nhóm làm theo yêu cầu của một số ban ngành đặt ra, hoặc do nhận định. Từ khi anh Trần Trọng Thức tham gia nhóm, nhất là trong thời kỳ anh chuyển sang làm ở Báo Lao Động, chúng tôi tham gia nhiều bài báo mang tính chất xây dựng cũng như phản biện nhiều hơn”
.
Sở dĩ nhóm Thứ Sáu làm được nhiều việc như vậy là nhờ may mắn gặp những vị lãnh đạo biết nghe, biết sử dụng chất xám của trí thức, có phải không, thưa ông?
– Bất cứ thời đại nào, bất cứ ở đâu, những người có học đều muốn góp tiếng nói cho sự phát triển của xã hội mà họ đang sống. Nếu được lắng nghe thì người ta nói nhiều được, nếu trên không nghe thì họ sẽ viết sách lặng lẽ. Quan trọng nhất là người cầm quyền lúc đó có chịu lắng nghe hay không. Người ta nói “trung ngôn nghịch nhĩ”, ai không chịu nghe trái tai thì làm sao nghe được lời nói thẳng.
Lúc đó, nhóm họp vào thứ hai, tư, sáu vì nhiều đề tài phải làm khẩn trương. Có một văn bằng hợp thức hóa hoạt động của chúng tôi, là Nhóm nghiên cứu chuyên đề quận 5, gồm 3 thành viên là anh Dưỡng, anh Trần Bá Tước và tôi. Anh em hoạt động 5 không, trong đó không lương, không biên chế… Lúc đó mới bắt đầu đổi mới, nên nhiều vấn đề cần giải quyết trong nền kinh tế thị trường, và bản thân lãnh đạo cũng biết lắng nghe, nên điều kiện phù hợp để anh em sẵn sàng góp sức.
Đánh giá của ông về đóng góp của nhóm Thứ Sáu thời đó?
– Có người nói câu rất hay: Tụi này giống như con gà mắc đẻ, ra bụi đẻ trứng, người ta lấy về luộc, nấu, hay ấp thành con đều được. Chúng tôi làm theo nhu cầu ban ngành, hoặc tự thấy có vấn đề thì viết ra, gửi đi, còn ai sử dụng được thì tốt. Mình đưa ra ý kiến, còn chính giới chức, những người có trách nhiệm tại TP hoặc T.Ư thực hiện được phần nào còn tùy. Thực ra, xu hướng của xã hội đi lên là như vậy, tiếng nói đó cũng chỉ là một trong những ý kiến đóng góp của những người có ăn học thôi. Nói thay đổi cái này, cái kia là do nhóm thì hơi quá.

Câu chuyện của nhóm Thứ Sáu còn là câu chuyện của niềm tin đối với giới trí thức dù ở chế độ nào… Nhưng hiện tại, giới trí thức đang bị đánh đồng thành những người có học vị, bằng cấp, theo ông, điều đó nguy hiểm ra sao?
– Khi mình quá trọng cái bằng thì sự học sẽ bị mai một. Trên thực tế, để làm gì hữu dụng cho mình và môi trường xung quanh thì phải học thật. Đó là một vấn nạn về não trạng ở ta, dẫn tới một thời gian quá chuộng học vị, văn bằng mà quên đi thực học. Chỉ có thực học mới đóng góp cho đất nước phát triển được.



Ngày trước, những người như ông đã chọn ở lại, còn ở thời nay, trí thức khó trở về sau một thời gian học hỏi và nghiên cứu thành công ở nước ngoài.
– Nước nào cũng thế. Người có học được sử dụng, họ sẽ quay về. Những người trẻ sẽ tập trung ở nơi nào sử dụng tài năng của họ. Chẳng hạn như nước Mỹ là nơi hội tụ rất nhiều tài năng. Còn ở nơi nào không trọng dụng, thì chất xám sẽ bị mai một. Với tôi, chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ ra đi cả. Và thực sự những người ra đi cũng có đóng góp của họ. Họ quay về giúp ích cho bản thân, gia đình, hay có người đầu tư, đóng góp cho cộng đồng. Chuyện đi hay ở không trở nên quá quan trọng bằng chuyện anh có là người Việt Nam hay không, có nghĩ về quê hương hay không, vậy thôi
.
Nhìn lại 40 năm qua, ông có thể khái quát về tình hình kinh tế phát triển ra sao?
– Nhìn chung, 40 năm qua có nhiều thay đổi rất lớn, nhưng lẽ ra có thể thay đổi nhiều hơn nữa. Dường như kỳ vọng mong muốn đất nước phát triển vẫn lớn hơn so với kết quả đạt được. Thực sự, nếu đổi mới tới nơi tới chốn, có lẽ nước ta cũng không thua kém các nước trong khu vực đâu, nhưng vì đi chậm nên không tránh khỏi những đáng tiếc.

Ông nghĩ gì về tiến trình hòa giải dân tộc?
– Mỗi nước có một kinh nghiệm lịch sử. Nước nào cũng muốn có sự đoàn kết, cho dù là cộng đồng trong nước hay hải ngoại. Nước mình cũng có thúc đẩy hòa giải, nhưng mức độ còn chậm. Ví dụ như chính sách với Việt kiều càng ngày càng cởi mở, đời sống văn hóa cũng thông thoáng hơn, có bước tiến hơn, tuy nhiên vẫn chưa được nhanh như mong muốn.
– Xin cảm ơn ông.
Sinh thời, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng gửi thư cho nhóm Thứ Sáu: “Tôi luôn quý trọng tình cảm chân thành, thẳng thắn của anh em. Tôi cũng đánh giá cao những ý kiến đóng góp của anh em về nhiều lĩnh vực trong suốt hơn 15 năm qua, không phải vì tất cả những ý kiến đó đều mới mẻ, đúng đắn, khả thi. Có ý kiến, xét trên quan điểm tổng thể tầm quốc gia, chưa thực sự phù hợp với điều kiện, tình hình nước ta. Có ý kiến cùng gặp nhau với kết quả nghiên cứu, đề xuất của những cơ quan, cá nhân khác. Nhưng tất cả đều xuất phát từ mong mỏi khát khao đưa đất nước vượt lên. Hơn nữa, đều là kết quả của cả một quá trình lao động trí tuệ, công quả, trong khi cuộc sống và công việc thường nhật của mỗi anh em còn không ít khó khăn”.

Đọc thêm: 
Muốn “chim về đậu” thì đất phải “lành”…

Không có nhận xét nào: