Có lẽ không ai không thấy nao lòng. Chưa bao giờ trong lịch sử nước nhà lại xảy ra chuyện tất cả dân cư trong một huyện – bao gồm từ lãnh đạo đến người dân bình thường lại đồng lòng đến thế khi kêu cứu, có nghĩa là, sự việc đã trở nên cấp bách lắm, những hệ lụy khó lường của vấn nạn thủy điện tắc trách, thiển nghĩ, ngắn nhìn đã hiển hiện, cận kề...
Tại sao cấp tỉnh vẫn phớt lờ khi cấp huyện ‘năn nỉ’, lãnh đạo
coi như không có dù dân đen năn nỉ? Đã có biết bao lần năn nỉ, bao nhiêu ngàn
vụ việc năn đi, nỉ lại, năn nỉ mãi hoài vẫn tựa như nước đổ lá môn? Giật mình,
mới chợt ngẫm ra xung quanh cái chuyện ‘năn nỉ’ có vô số thứ phải bàn.
Người dân năn nỉ các cơ quan chức năng hàng chục năm nay hãy
giảm bớt các loại giấy tờ phiền hà; thế nhưng, dường như giấy tờ ngày một...
nhiều hơn. Chỉ lấy một ví dụ nhỏ hơn cả chuyện “Con dế vất cây vĩ cầm trên cỏ/
Úp mặt vào thương nhớ khóc đơn côi”: Để vận chuyển 45 nghìn tấn mật ong ra khỏi
địa phương, sẽ cần tới 225 nghìn giấy kiểm dịch. Giả sử cấp 1 giấy phép hết 1
ngày thì số thời gian cần tới 225 nghìn ngày, tương đương 616 năm và nếu mất 2
ngày cho 1 giấy phép thì sẽ cần 1.232 năm (Tin 247.com, 07:26, 29.10.2014).
Dư luận năn nỉ xin các quan tòa đừng ‘vô ý’ hết năm này sang năm
khác, để đến nỗi án oan sai chất chồng lớp này lên lớp khác. Người bị oan đau
khổ, người đóng thuế mất tiền đền bù cho sự ‘vô ý’ của các quan kém khả năng
(hoặc kém công minh): Chỉ riêng một vụ án xử oan ông Lương Ngọc Phi mà Tòa án
Nhân dân Thái Bình ‘phải’ lấy... tiền công bồi thường cho nạn nhân 668 triệu
đồng (TT, 14:50, 28.10.2014). Hàng trăm hay hàng ngàn vụ tương tự, dân năn nỉ
các quan tòa hãy rủ lòng thương đối những khoản tiền mà các quan nghĩ là èo ọp
của dân nghèo quanh năm gạt bèo vợt tép.
Báo chí năn nỉ hết bài này đến trang khác về những chuyện hàng
ngày xa xót nào là nhầm lẫn 2 tỷ USD, nào là tính sai 800 tỷ thành 34.000 tỷ
đồng, nào là “đội vốn tí tẹo’ mấy trăm triệu USD cho một đoạn đường, nào là nhà
Quốc hội mới xây nhưng phóng viên phải tác nghiệp từ... sàn nhà, nào là dự án
sân bay đắt gấp đôi người ta nhưng vận chuyển hành khách lại kém người...
Thử hỏi, một đất nước mà chuyện buồn hàng ngày cỡ động trời
nhiều hơn cả số ngày trong một năm thì lấy gì để tiến nhanh tiến mạnh tiến vững
chắc cho tới ngày mai?...
Năm hết tết đến, để chạy theo lợi nhuận bất lương, không ít
doanh nhân rủ nhau ‘chế biến’ dầu bẩn, thịt thối để lường gạt dân lành. Dân năn
nỉ các cơ quan chức năng hãy lo đúng, làm đủ những việc phải làm để ngăn chặn,
loại trừ những hiểm họa. Phát hiện ra dầu bẩn, thịt thối là điều đáng ghi nhận
nhưng sẽ tốt hơn nếu như những thực phẩm tồi tệ ấy không thể đem lên bàn ăn của
các cháu để đến nỗi ăn rồi mới... biết.
Một vài ví dụ trên đây chỉ là những “phác thảo” xám xịt liên
quan đến những điều cần năn nỉ. Trở lại chuyện 71.000 dân năn nỉ thì xin thưa
rằng, đó không thể là chuyện nhỏ. Cần phải có sự cứu xét, tính toán, thẩm định
kỹ càng mọi ngõ ngách của vấn đề. Hơn nữa, tại sao quan được bầu ra để làm ‘đầy
tớ’ cho dân mà lại không nghe lời dân... năn nỉ?
Trong cuộc đời, người ta tin vào sự năn nỉ với 3 điều kiện. Thứ
nhất, người ta nghĩ rằng người được năn nỉ ‘chưa đến nỗi nào’. Thứ hai, dù ít
hay nhiều thì đối tượng của sự năn nỉ vẫn còn có chút tình cảm từ người đi năn
nỉ. Thứ ba, vấn đề liên quan đến sự năn nỉ vẫn ở trong tầm kiểm soát, có thể
thay đổi được.
Từ 3 cái lẽ giản dị trên đây, các quan lớn rất nên mừng là vẫn
còn được người dân năn nỉ...
Huế, 31.10.2014
Hà Văn Thịnh
1 nhận xét:
Khổ một nỗi là quyết định đã đưa ra được Đảng thông qua -mà dừng lại thì Đảng sai à -Không thể thế được -
Đăng nhận xét