Translate

Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014

Ông Đang

   Khi Đổi Mới xướng lên, nhiều vấn đề tồn đọng của lịch sử hiện đại Việt Nam được xới ra, lật lại, nhiều nhân vật bị khuất lấp được chiếu sáng. Ông Đang với tư cách một yếu nhân của Hội truyền bá quốc ngữ được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao trách nhiệm tổ chức ngày lễ độc lập 2/9/1945 dần dần hiện hình trở lại trên dòng thời gian và lịch sử. Nhưng điều đó không thành được sự “bảo chứng” để nói về ông Đang với tư cách một nhân vật chủ chốt của phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm, như nhiều người mong đợi. Cho đến hôm nay, khi ông nằm xuống, vụ việc này vẫn chưa được bạch hóa và con người ông trong đó vẫn bị che phủ, dẫu đã nửa thế kỷ trôi qua. 

Trong một bản viết cho một nhà nghiên cứu nước ngoài về phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm vào cuối tháng 11/1998 tại Hà Nội, ông đã phân tích nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này như sau:
“1. Ý thức, tư tưởng chủ đạo của phong trào là chống lại sự biến chất của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam từ chế độ chuyến chính thông thường đã bắt đầu có xu hướng hướng cực quyền (còn gọi là toàn trị, tiếng Pháp là totalitarisme, tiếng Anh là totalitarian) trong đó con người bị cưỡng bức toàn diện, triệt để nhiều khi tàn nhẫn đến vô nhân đạo, phi nhân văn, biến con người bị trị thành nô lệ của một tập đoàn thống trị ít người và duy ý chí tuy nhân danh cách mạng mà hành động, nhưng hiệu quả khách quan của hành động lại phản tiến hóa.
Sự biến chất này do ảnh hưởng tai hại của chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa Mao Trạch Đông, cả hai đều tự nhận là chủ nghĩa Mác-Lênin! Rất tiếc là lúc ấy Đảng c.s. Việt Nam tin là như thế.
Phong trào còn lo ngại đáng lẽ chế độ chuyên chính vốn chỉ là một biện pháp bất đắc dĩ cách mạng phải dùng đến, trong thời gian ngắn gọn tiếp theo liền Tổng khởi nghĩa, để củng cố chính quyền vừa mới giành được, nhưng khi nó đã trở thành chế độ cực quyền, toàn trị, nó sẽ kéo dài không thời hạn, nghiễm nhiên tự coi như hình thái “đích thực”, “chân chính” của chủ nghĩa xã hội khoa học mà loài người mong ước sau những mò mẫm vô hiệu quả của chủ nghĩa xã hội không tưởng.
2. Ý thức, tư tưởng chống đối này âm ỷ từ lâu trong lòng những người trí thức và văn nghệ sỹ Việt Nam, ngay trong các đợt chỉnh huấn và cải cách ruộng đất được tiến hành song song với kháng chiến đánh thực dân Pháp mấy năm cuối. Đến năm 1956, gặp hoàn cảnh thuận lợi, nó nổ bùng ra thành động cơ sôi nổi của một cuộc đấu tranh mãnh liệt trong nội bộ dân tộc Việt Nam. Sự kiện đó sẽ tồn tại mãi trong lịch sử Việt Nam như một cái mốc đánh dấu bước chuyển tiếp từ giai đoạn đấu tranh giành độc lập sang giai đoạn đấu tranh giành dân chủ.
Việc chuyển hướng là cần thiết, nó phù hợp với một tất yếu lịch sử, đáp ứng nhu cầu đời sống và tiến hóa xã hội. Trước mắt, nó là nguyện vọng cao cả của nhân dân. Chính Cụ Hồ, trước khi vĩnh biệt cuộc đời cũng để lại một lời tuyên bố nổi tiếng – sau khi đã nêu ra khẩu hiệu cho toàn dân: “Không có gì quý hơn độc lập tự do” – vừa mạnh bạo nhận trách nhiệm, vừa thắm thiết ân tình: “Nước độc lập mà dân không được hưởng tự do, hạnh phúc thì độc lập chẳng có nghĩa lý gì”. Nếu chúng ta hiểu “tự do” đây là dân chủ thì câu nói chí tình của ông cụ không xa cách cái thiện chí của phong trào “Nhân văn-Giai phẩm” nhiều lắm”.
Đọc thêm: 
Ông Đang
 Ngày này năm xưa.

15 tháng 8 là ngày sinh nhà báo Nguyễn Hữu Đang (1913-2007), một trong những người sáng lập nên Hội truyền Bá Quốc ngữ, là thứ trưởng Bộ Thanh Niên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ông sinh tại làng Trà Vi, xã Vũ Công, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, tham gia cách mạng từ nhỏ, năm 17 tuổi bị Pháp bắt đưa ra tòa nhưng được tha vì dưới tuổi thanh niên.

Lễ Độc Lập 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho ông làm Trưởng Ban tổ chức, với thời gian chỉ 3 ngày, giao ngày 30-8 và chiều 2-9 tổ chức, ông kêu “Khó quá Cụ ơi”, cụ Hồ bảo: “Khó thì mới giao cho chú!”, dù thời gian hết sức gấp gáp, trang thiết bị thiếu thốn, ông vẫn hoàn thành nhiệm vụ.

Từ 11/1945 đến tháng 12/1945, ông tham gia Chính phủ Lâm thời, lần lượt giữ chức Thứ trưởng Bộ Thanh niên, Chủ tịch Ủy ban Vận động Hội nghị Văn hóa Toàn quốc, Trưởng ban Tuyên truyền Xung phong Trung ương.

Cuối 1956, ông làm biên tập báo Nhân Văn và cộng tác với báo Giai Phẩm đòi quyền tự do dân chủ. Tháng 4 năm 1958, ông bị bắt.

Ngày 21/1/1960 trong phiên tòa xét xử bí mật ông bị kết án 15 năm tù, cách biệt với thế giới bên ngoài.

Ra tù ông lại bị quản thúc tại quê nhà Thái Bình, không vợ, không con, không cửa không nhà, phải đi bắt ếch nhái đào chuột mà ăn, dựng túp lều bên hố bom đợi chết thì lăn xuống cho dân làng không mất công đào huyệt...

Ông tự làm đôi câu đối cho mình trước khi mất:
“Nào công, nào tội, nào nhục, nào vinh, thương số phận Khuất Nguyên, Nguyễn Trãi /
Vận nước, vận nhà, biết thời, biết thế, quý cuộc đời Phạm Lãi, Trương Lương”..

Ông qua đời ngày 8 tháng 2 năm 2007, an táng tại quê nhà Thái Bình.

"TRÊN MẢNH ĐẤT ĐỜI NGƯỜI" II

Không có nhận xét nào: