Translate

Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2014

Phải chăng, họ đang nối giáo cho giặc?

 Blog Baron Trịnh
Ngày 27/6/2014, UBND tỉnh Trà Vinh có văn bản đồng ý với kế hoạch tuyển và sử dụng lao động là người nước ngoài của công ty China Chengda Engineering do Sở lao động, thương binh và xã hội Trà Vinh trình. Theo đó, nhà thầu được phép tuyển và sử dụng 2.163 lao động Trung Quốc theo từng vị trí công việc phục vụ cho dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3.

 Dự án này do EVN là chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư dự án là gần 30 nghìn tỷ đồng. Trong đó 85% vốn vay của Tổ hợp các ngân hàng: Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China) - Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) - Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB), 15% giá trị còn lại là vốn đối ứng của EVN.

 Theo nhận định của ông Trần Đại Phúc - chuyên gia chuyên gia của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thì có chừng 10% chuyên gia, còn phần đông là các công nhân phổ thông. 

 Theo số liệu của Bộ lao động, thương binh và xã hội công bố ngày 1/7/2014, Việt Nam hiện có 1,045 triệu lao động thất nghiệp, trong đó có 123.000 lao động có trình độ đại học trở lên. Theo thông tin của Sở lao động, thương binh và xã hội Trà Vinh thì tỉnh này có 1.749 người đang được hưởng trợ cấp thất nghiệp với kinh phí hơn 10,6 tỉ đồng. Như vậy có thể thấy, số lao động thất nghiệp của tỉnh này phải ở con số hàng chục nghìn người. 

Một số trung tâm giới thiệu việc làm ở Trà Vinh cho biết, lao động Việt Nam ở khu vực dự án đang nằm dài chờ việc. Và mức lương thuê lao động phổ thông người Việt Nam chỉ là 170.000 đồng/người/ngày, rẻ hơn rất nhiều so với lao động người Trung Quốc (1.000.000 đồng/người/ngày). 

 Chính vì vậy, dư luận không thể không thắc mắc về việc UBND tỉnh Trà Vinh đồng ý cho nhà thầu tuyển dụng lao động Trung Quốc, và chủ yếu là lao động phổ thông. Theo quan điểm kêu gọi đầu tư của chính phủ thì các dự án phải ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương, đặc biệt là lao động phổ thông trong khu vực thu hồi đất để thực hiện dự án phát triển.


Việc nhà thầu Trung Quốc muốn đưa lao động từ nước họ sang làm việc là điều dễ hiểu. Nhưng chính quyền tỉnh Trà Vinh và chủ đầu tư là EVN lại tiếp tay cho mong muốn này của chủ đầu tư thì lại rất khó hiểu. Kể cả đây là điều ràng buộc trong hợp đồng vay vốn đầu tư dự án.
 
Khi tình hình trên biển Đông trở nên căng thẳng sau sự việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD981 vào vùng biển của Việt Nam thì phong trào bài Trung và thoát Trung được truyền thông rầm rộ. Các phân tích về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với tình hình chính trị - kinh tế - xã hội của Việt Nam - điều mà lâu nay vẫn được coi là “vùng cấm” được mổ xẻ chi tiết.
 
Phần lớn các hoạt động sản xuất, kinh doanh của Việt Nam phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc. Đến 90% các dự án lớn ở Việt Nam được thực hiện bởi nhà thầu Trung Quốc, trong đó có nhiều dự án trọng điểm về hạ tầng và năng lượng. Hầu hết các dự án đều bị chậm tiến độ, kém chất lượng và đội vốn đầu tư. Những dự án đã hoàn thành thì hiệu quả hoạt động rất kém. Chẳng hạn như dự án Bô xít Tây Nguyên, hay gần đây nhất là nhà máy đạm Ninh Bình.
 
Người Việt luôn nhận những “quả đắng” trong sự hợp tác, giao thương từ các mặt hàng nông lâm thủy sản đến các dự án đầu tư phát triển lớn. ENV cũng đã nhận nhiều “quả đắng” của nhiều dự án nhiệt điện mà Trung quốc là tổng thầu. Những làng, những phố Trung Quốc mọc lên rầm rộ từ những khu vực dự án mà nhà thầu là người Trung Quốc. Nhiều lao động người Trung Quốc (kể cả lao động chui) đã lấy vợ người Việt, mua đất làm nhà để sinh sống lâu dài ở Việt Nam.


Những thủ đoạn thâm hiểm của Trung Quốc với Việt Nam, trên cả đất liền lẫn trên biển chúng ta đều nhìn thấy rất rõ. Thế nhưng cảm giác rằng người Việt quen sống chung với những thủ đoạn đó, và chấp nhận để Trung Quốc xâm thực dần dần từ kinh tế đến đời sống văn hóa xã hội.
 
Chưa thấy những hành động quyết liệt của chính phủ trong việc xây dựng các hàng rào pháp lý, kỹ thuật để hạn chế nhà thầu Trung Quốc. Chưa thấy trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc để người lao động phổ thông Việt Nam thất nghiệp ngay trên chính quê hương của họ bởi người lao động Trung Quốc. Và việc phát hiện có hàng nghìn lao động bất hợp pháp người Trung Quốc ở Hà Tĩnh sau vụ bạo loạn ở khu kinh tế Formosa cũng đặt một dấu hỏi lớn về các lỗ hổng an ninh và quản lý người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam của các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương.
 
Những hành động chiếm đảo, gây hấn và xâm phạm vùng biển Việt Nam trong thời gian qua của chính quyền Trung Quốc đã cho thấy một dã tâm thôn tính nước Việt, muốn biến nước Việt thành Bắc thuộc như lịch sử trước đây. Vậy mà một bộ phận không nhỏ những người có trách nhiệm cứ như đang dung dưỡng và nhắm mắt làm ngơ cho sự xâm thực về kinh tế và văn hóa của Trung Quốc trên đất liền.
 
Phải chăng, họ đang nối giáo cho giặc?

Theo blog Baron Trịnh 

Không có nhận xét nào: