Translate

Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

Ngày quốc tang đại tướng Võ Nguyên Giáp

Một vài suy nghĩ về “hiện tượng”những ngày quốc tang đại tướng Võ Nguyên Giáp


 Hãy nhìn lại hình ảnh các đoàn người vào viếng đại tướng thuộc đủ mọi lứa tuổi, mọi thành phần, tôn giáo, chức sắc, từ những cụ già ngồi trên xe lăn, những cựu chiến binh được bế được cõng, đến những đứa trẻ chỉ mới một vài tuổi được bố mẹ bế trên tay quàng trên cổ… hàng triệu người nối đuôi nhau cả ngày lẫn đêm để vào tiễn đưa đại tướng Võ Nguyên Giáp. Một điều rất đặc biệt, là hàng triệu con người này, đến với đại tướng không qua bất cứ hình thức tổ chức sắp đặt của bất kỳ một cơ quan đoàn thể nào, mà họ đến bằng trái tim, những giọt lệ của họ là xuất phát tự trái tim và khối óc của chính họ.

Có lẽ, đây là một hiện tượng duy nhất xảy ra kể từ ngày quốc tang chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây 44 năm. Tại sao vậy? Từ năm 69 đến nay cũng có biết bao những bậc khai quốc công thần đã ra đi, như tổng bí thư Lê Duẩn, tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, chủ tịch Tôn Đức Thắng, chủ tịch Trường Chinh, nhà khai quốc công thần Hoàng Quốc Việt, thủ tướng Phạm Văn Đồng, đều không có được những hình ảnh xúc động như lễ quốc tang lần này. Đã có rất nhiều bài viết trên các phương tiện thông tin đại chúng của các nhà sử học, các học giả, các nhà chính trị, nhà thơ, nhà văn trong và ngoài nước… phân tích về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nói trên. Các phân tích này đều đúng, nhưng, tôi thấy vẫn thiếu đi những yếu tố rất quan trọng.

 Tôi xin phép được không nhắc lại các ý tứ đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tôi chỉ xin nêu những nội dung mà theo chủ quan của tôi, có thể giải mã được phần nào sự kiện đột biến này:
Cuộc đời của tướng Giáp là cuộc đời của một vĩ nhân đầy gian nan, khốn khó, và rất nhiều lúc rơi vào hoàn cảnh cực kỳ nguy hiểm, bĩ cực, do chính những đồng đội, đồng chí của mình gây ra. Bắt đầu từ những năm 60, đặc biệt từ khi Nikita Khrushchev bị phế truất khỏi chức vị tổng bí thư đảng cộng sản Liên Xô và khi phe xã hội chủ nghĩa đồng thanh mở một chiến dịch bài bác Khrushchyov nói riêng và những người theo ông nói chung là những kẻ xét lại, cũng là lúc mà tướng Giáp bị các đồng chí của mình trong Bộ chính trị đưa vào tầm ngắm giống những kẻ xét lại. Hàng loạt các tướng lĩnh cấp dưới của đại tướng bị bắt bớ vì những “tội lỗi” như theo kiểu “âm mưu lật đổ”, “những phần tử xét lại”. Tướng Giáp trong tình thế đó đã phải rất tỉnh táo, “án binh bất động” không có bất kỳ một sự phản kháng nào, và do vậy, ông đã được tha, không bị quy chụp công khai, nhưng quyền lực và uy tín của ông đã bị giảm sút mạnh mẽ. Sau đó, giữa tướng Giáp với BCT lúc bấy giờ, cụ thể là tổng bí thư Lê Duẩn, và ban tổ chức TW, cụ thể là trưởng ban Lê Đức Thọ đã có rất nhiều bất đồng quan điểm trong hàng loạt các sự kiện quan trọng như Mậu Thân 68, cuộc chiến Quảng Trị 1972. Có thể nói, hố sâu mâu thuẫn giữa tướng Giáp với đa số các ủy viên bộ chính trị khác ngày càng bị khơi rộng. Từ lúc này, tướng Giáp đã bị coi như một nhân vật nguy hiểm trong BCT và bị theo dõi rất sát sao. Những cá nhân, đơn vị nào mà có ý kiến, thái độ ủng hộ tướng Giáp đều bị nằm trong tầm ngắm và bị vô hiệu hóa một cách mạnh mẽ và công khai. Sau năm 75, tướng Giáp lại tiếp tục có những bất đồng trong hàng loạt các sự kiện trong việc xử lý đối với các đội ngũ “ngụy quân, ngụy quyền”, cũng như một loạt các vấn đề khác nảy sinh từ nhũng ý kiến khác biệt giữa một số tướng lĩnh và chính trị gia đầu tầu của miền Nam như Trần Văn Trà, Trần Bạch Đằng với ban lãnh đạo tối cao của Đảng…. Lại thêm một lần nữa, tướng Giáp lại rơi vào hoàn cảnh ngặt nghèo hơn nữa. Chính vì vậy, tướng Giáp đã bị loại ra khỏi BCT và sau đó là ban chấp hành TƯ. Sự căng thẳng mà tướng Giáp phải chịu đựng trong giai đoạn này nhiều khi lên tới mức độ tột đỉnh như việc tướng Giáp bị phong tỏa gần như tuyệt đối khỏi mọi sự tiếp xúc với các địa phương, đoàn thể, thậm chí là các cá nhân. Ngay cả đối với các cuộc tiếp xúc với các nhân vật quốc tế, tướng Giáp cũng phải chấp thuận việc các nội dung trao đổi chỉ nằm trong khuôn khổ đã được cho phép và tướng Giáp đã tuân thủ rất nghiêm ngặt các khuôn khổ này vì biết rằng chỉ cần chỉ chệch hướng một chút, dù chỉ là một chút thôi, cũng đủ để phía các đồng chí của mình có cớ để thực hiện những biện pháp quyết liệt đối với bản thân với danh dự, uy tín của đại tướng. Có những lúc đại tướng phải đối mặt với những hành động cảnh cáo dằn mặt rất quyết liệt từ phía các tổ chức an ninh của Đảng như việc không cho lên máy bay từ trong Nam bay ra Hà Nội, rơi vào trạng thái gần như bị giam lỏng tại thành phố Hồ Chí Minh, và chỉ khi thủ tướng Phạm Văn Đồng đứng ra xin với tổng bí thư Lê Duẩn thì tướng Giáp mới được lên máy bay để quay về nhà. Đỉnh điểm của sự chịu đựng là vụ Sáu Sứ. Sự kiện này đã được nêu rõ trong cuốn sách bên thắng cuộc của Huy Đức. Nếu như lúc bấy giờ một số người tham gia vào vụ án này mà không giữ nổi lương tâm, và họ đã không dũng cảm từ chối, không tham gia vào việc ngụy tạo những bằng chứng cho sự” phản bội “của Đại tướng, thì tướng Giáp sẽ công khai trở thành kẻ thù của cách mạng, của đất nước !!!. Chỉ khi sức khỏe của đại tướng đã hoàn toàn suy kiệt, thì các” đồng chí “của đại tướng mới nới lỏng dần những sự giám sát vô cùng nghiêm ngặt trong những năm còn lại của đại tướng. Những điều tôi nêu ở trên thì hầu hết tất cả các tướng lĩnh cấp cao trong quân đội đều biết, thậm chí chịu đựng cùng với đại tướng. Những ai trong giai đoạn này mà đến tiếp xúc với đại tướng đều phải có sự dũng cảm nhất định, hoặc là được Đảng cho phép và phân công cụ thể. Khi vụ Sáu Sứ bị đổ bể, đại tướng yêu cầu BCT phải làm sáng tỏ và tìm ra thủ phạm thực sự cố tình tạo dựng vụ này thì đều nhận được thái độ lảng tránh, và khi đại tướng yêu cầu gắt gao, thì tổng bí thư lúc bấy giờ Nông Đức Mạnh đã đưa ra một giải pháp có tính đánh đổi là thay vì làm sáng tỏ sự việc, thì Đảng và nhà nước sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ một cách hoành tráng và tên tuổi đại tướng sẽ được tôn vinh đầy đủ và mạnh mẽ trong lễ kỷ niệm này. BCT coi việc làm này là một sự thanh minh tốt nhất cho vụ án Sáu Sứ. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn đe dọa “Đại tướng đừng vin là người có công để yêu cầu nọ kia đối với TƯ Đảng, những người có công với đất nước nhất đều đang nằm ở nghĩa trang Trường Sơn”. Và tất cả các ý kiến của đại tướng góp ý về các vấn đề có liên quan đến sát nhập Hà Nội, phá nhà quốc hội, hay nhân sự của tổng cục 2, Bauxite Tay Nguyên …, đều bị bỏ ngoài tai. Những điều tôi nói trên đây bất kỳ một tướng lĩnh nào, hoặc những cán bộ chính trị chủ chốt trong chính phủ lúc bấy giờ đều biết ….Do vậy, khi đại tướng ra đi, dường như tạo ra một hiệu ứng chia sẻ, thông cảm một cách mạnh mẽ nhất từ những người lính, đến những vị sỹ quan, tướng lĩnh trong quân đội đã biết, đã hiểu về đại tướng, cũng như rất nhiều trong số họ cũng là nạn nhân ở các mức độ khác nhau về những định kiến của chủ nghĩa thành phần, những toan tính phe cánh , sự đố kỵ, ghen ghét đối với những người có công, có đức, có tài đã gắn cuộc đời mình vào cuộc cách mạng thần thánh của dân tộc. Họ đến viếng đại tướng như để chia sẻ nỗi lòng của chính bản thân họ trong suốt cuộc đời mà họ đã trải qua. Hiệu ứng này sẽ vô cùng lớn và là một sự lên án gián tiếp mặt trái trong tổ chức của đảng cộng sản Việt Nam.Lý giải về hiện tượng tại sao có rất nhiều các cháu thanh thiếu niên, và rất nhiều những ông bố bà mẹ đem theo những đứa con bé thơ của mình, đã không quản ngày đêm mưa nắng, lặng lẽ xếp hàng đến viếng đại tướng - hiện tượng này đối lập hẳn với thói quen đáng sợ hiện nay của người dân  là ngày càng có xu hướng chạy theo cuộc sống thực dụng, ích kỷ, bon chen, sống chết mặc bay, khuất mắt trông coi, vô kỷ luật, vô pháp luật đang diễn ra khắp nơi, khắp chốn, minh chứng đặc trưng và rõ nét nhất của hiện tượng này dược thể hiện trong văn hóa giao thong. Sự hỗn loạn xuống cấp trong này vẫn hàng ngày hàng giờ diễn ra bất chấp mọi sự tuyên truyền “giáo dục”, răn đe cua Đảng và nhà nước…Nhưng những hàng dài đến vô tận dòng người xếp hàng trật tự vào viếng đại tướng …, tại sao lai có sự thay dổi đột biến dến như vậy? Điều này, theo tôi, chỉ có thể lý giải là các hiện tượng tiêu cực, xuống cấp về đạo đức, văn hóa trong xã hội trong thời diểm hiện nay diễn ra khắp nơi, khắp chốn chỉ có tính nhất thời, do một hoặc những nguyên nhân nào đó mà những vị lãnh đạo đất nước không tìm ra hoặc không muốn tìm ra, thậm chí họ còn dung túng một cách trực tiếp hoặc gián tiếp , bằng các cơ chế hoặc chính sách, biện pháp nửa vời, hình thức. Còn dân tộc Việt Nam, dù trong hoàn cảnh nào, vẫn ẩn chứa và gìn giữ được sự tự hào, sự tự tôn về long tự trọng và phẩm giá của con người Việt . Họ không lẫn lộn giữa vàng và thau, giữa những người chân chính và những kẻ ngụy chân chính. Phẩm chất này của người Việt Nam đã thấm vào máu thịt của dân tộc Việt, nó sẽ được phát tác khi có điều kiện thích hợp.Những ngày lễ tang của tướng Giáp là lúc để những người con Việt Nam có được giây phút được trở lại với chính mình, những giọt mồ hôi, những giọt nước mắt rơi trong những ngày lễ tang đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhu cầu bản năng của dân tộc Việt. Những người lính, người cựu chiến binh họ khóc thương đại tướng, nhưng đồng thời dường như họ thấy việc đại tướng ra đi làm họ mất đi niềm tin cuối cùng của cả một thế hệ đã hy sinh tuổi trẻ, xương máu của mình vì đất nước, nhưng dường như sự hy sinh đó cho dến nay đã không được thế hệ kế tiếp phát huy mà ngược lại còn bị làm dụng, thậm chí bị phản bội .Việc các ông bố bà mẹ đưa con nhỏ đi theo sẽ không phải vì bất cứ lý do gì , ngoài mục tiêu day dỗ cho những đứa con ruột thịt của mình về thế nào là phẩm giá, là lương tri của người VN. Bây giờ những đứa trẻ này còn quá bé để hiểu ra những điều bố mẹ chúng đang làm, nhưng khi chúng lớn lên, chắc chắn chúng sẽ kính trọng và biết ơn bố mẹ.Tôi cho rằng sẽ là thật sự khiếm khuyết nếu không nhắc tới một hiện tượng của hàng triệu người dân hiện nay là sự khát khao:

-      Sự khát khao được bày tỏ lòng yêu nước khi đã lâu lắm rồi thật không dễ dàng gì để những người dân Việt được thể hiện lòng yêu nước của mình.

-
      Sự khát khao được đặt lòng tin yêu của mình đối với lãnh tụ của đất nước. Cũng đã từ lâu lắm rồi, đất nước VN thiếu vắng những hình ảnh, những địa chỉ đáng tin cậy và có tính thuyết phục để người dân được thể hiện lòng kính trọng, sự tin yêu đối với các bậc lãnh tụ của đất nước.
-      Sự khát khao được nghiêng mình trước một con người, một phẩm cách đáng tự hào, làm thêm rạng rỡ dân tộc Việt khi mà đã từ rất nhiều năm nay, biết bao nhiêu những tệ nạn, những hiện tượng do kết quả của sự suy đồi về văn hóa đạo đức trong xã hội đã làm ứa máu những sự tự tôn tự hào, sự kiêu hãnh của con người Việt.Trong lịch sử đương đại của VN vừa qua, các vị lãnh tụ, nhân vật có nhân cách lớn đã lần lượt ra đi từ nhiều thập kỷ nay và tạo nên sự thiếu vắng về những nhân cách, những bộ óc và trái tim vĩ đại đối với người dân VN. Các thế hệ lãnh đạo mới của đất nước trong nhũng năm gần đây đã ngày càng bộc lộ những yếu kém về mọi mặt . Họ ngày càng xa rời những kỳ vọng của nhân dân. Nhiều khi họ trở thành lực lượng đối lập chống lại nhân dân. Trong bộ máy nhà nước và trong xã hội tràn ngập những sự ngụy biện, sự giả dối, và tham nhũng.Tôi thật sự sung sướng, sung sướng đến nhòa lệ khi nhìn những dòng người này lặng lẽ tuôn chảy đến nhà số 30 Hoàng Diệu cũng như trong suốt 50 Km đường đưa linh cữu của đại tướng đi qua. Sự tiếc thương của người dân VN đối với đại tướng cũng là dịp để thế giới thấy rằng con người VN, dân tộc VN luôn có tiềm ẩn và luôn gìn giữ trong mình giòng máu Lạc Hồng, không phải dễ dàng gì có thể khuất phục họ bằng bom đạn, bằng sự áp chế vũ lực và bằng cường quyền. Sẽ đến lúc sự giả dối, sự ngu dốt, sự hèn nhát và các toan tính bẩn thỉu sẽ bị quét sạch ra khỏi đất nước này. 

Bùi Minh Quốc

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 15-10-13

Không có nhận xét nào: