Translate

Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

Lũ lại về !

3 NĂM TRƯỚC CŨNG NHƯ THẾ NÀY

3 năm trước, ngày 18/10/2010, tại Hà Tĩnh, 1 chiếc xe chở đầy khách đã lặng lẽ chìm vào cuồn cuộn con sông để rồi nó trở thành một thảm họa giao thông khủng khiếp...

Cũng như thế, những ngày này 3 năm trước, người dân đang vật lộn cùng lũ cuồn cuộn ở miền Trung. Thế té ra, dân ta cứ com cóp làm ăn, dành dụm được tí ti của cải, để rồi trời lại cướp mất theo chu kỳ như thế.

Không thể được, có lẽ phải báo động cho dân biết rằng vùng này là thường xuyên lũ, do cả trời và người làm. Và nhà nước phải có cách để dân tồn  tại được chứ không phải cứ đợi lũ đến rồi lại mì tôm mì tôm cứu trợ cứu trợ...


Bài này mình viết đúng vào ngày ấy cách đây 3 năm, té ra bây giờ nó vẫn cuồn cuộn sự kiện và nóng hổi, bởi những gì đang diễn ra là sự lặp lại...
------
Lẽ ra hôm nay là một bài dịu dàng trữ tình về phụ nữ nhân 20/10. Nhưng cũng còn hàng vạn phụ nữ Miền Trung đang ngập trong lũ, cơm không có ăn, nước không có uống.

Cho đến sáng nay, vẫn chưa tìm được cái xe Đắc Nông chứa trong bụng nó hai chục người đã chìm mấy ngày nay.

Có lẽ phải nói rõ với nhân dân rằng: Nước ta rất giàu bão lụt và rất yếu về kinh nghiệm chống bão lụt, rất thiếu phương tiện cứu hộ chuyên nghiệp.

Và cũng thấy rằng, không thể năm nào cũng trằn mình ra đợi bão lụt rồi lại hô hào nhau cứu trợ, mì tôm, mì tôm, mì tôm...


Đám ma trong lũ, có ai cầm lòng được không?
        Mấy ngày nay không ai có thể cầm lòng được trước những hình ảnh thương tâm của bà con ta ở vùng lũ miền Trung, cụ thể là ở Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế... Người chết đã đành, dẫu rất thương tâm, hàng mấy trăm người, rất nhiều kiểu chết, đau đớn kiểu như bố chứng kiến con chết chìm theo xe bị trôi, đau thương kiểu như mẹ ôm cứng con cùng chết đuối, nát lòng như vợ bơi thuyền đi cắt thuốc cho chồng ốm bị lật để lại bốn đứa con thơ... nhưng người sống còn khổ hơn, vì họ là đám đông, hàng chục vạn người, là cộng đồng xã hội đang ngoi ngóp tồn tại, tài sản gom góp cả đời mất sạch. Mà tài sản của dân nghèo thì cũng chả đáng là bao so với người giàu, chỉ là tấn, thậm chí là tạ, lúa, con bò con lợn, dăm ba bộ quần áo, xoong nồi và ít sách vở. Nói thêm một tí, cái tivi là rất lớn đối với một nhà nông dân, xem tivi thấy các đồng chí bộ đội công an bê tivi giúp dân tránh lũ lướt thướt đi trong mưa. Trời ạ, cơ ngơi của cả nhà người ta đấy, mà bê dưới nước mưa dầm dề như thế thì còn gì là tivi...

       
Thế là hàng triệu tấm lòng lại hướng về. Mì tôm, mì tôm, mì tôm và mì tôm. Sau một tí là đồ đạc, chủ yếu là quần áo cũ, sách vở, phong bì, gạo, nước mắm... cả nước quyên góp vì đồng bào lũ lụt, nhà nước mở hầu bao, hàng trăm tỉ được quyên góp để ủng hộ, vớt vát phần nào hàng ngàn tỉ bị lũ cuốn... Vô cùng cảm động và vô cùng ấm lòng cái tình cảm "lá lành đùm lá rách" của người Việt Nam chúng ta.


        Nhưng chả lẽ, năm nào cũng diễn đi diễn lại cái cảnh lũ lụt kéo vào, huy động quân dân chạy lụt, nhà cửa gom góp chắt bóp lại mất hết, ruộng vườn hoa màu mất hết, rồi lại cứu trợ...

       
         
Không được. Tôi thấy là không được. Nếu là một nhà một làng tự phát thì được, còn đây là cả một khu vực rộng lớn, thậm chí là cả quốc gia. Và chúng ta có chính phủ, có các bộ ngành, các cơ quan "của dân vì dân do dân" thì các cơ quan này phải lo cho dân chứ, phải nghĩ ra cách gì bền vững để hằng năm chúng ta không phải ngồi trước màn hình ứa nước mắt rồi lại hè nhau quyên góp ủng hộ. Nó nhếch nhác và chả thấm béo gì so với những gì nhân dân đã mất, so với niềm tin của người dân đối với "trời", với các "đấng tối cao"...
        Người dân bao giờ cũng vô cùng cô đơn khi một thân một mình tay không mà lại đùm đề trẻ con người già giữa những cơn lũ cuồn cuộn đổ về như thác giữa khuya. Cũng như thế mấy chị phụ nữ, cả đàn ông nữa, trong cái xe 48K-5868 chạy tuyến Đăk Nông-Nam Định lúc 4 giờ 30 sáng 18/10, ở xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh kia đã kinh hoàng và cô đơn đến như thế nào khi họ từ từ chìm nghỉm theo chiếc xe vào giữa dòng nước lạnh lẽo và hung dữ. Những người đàn bà Hà Tĩnh nghĩ gì giữa đêm khuya khi ngày này qua ngày khác họ vắt vẻo trên mái nhà ngấp nghé nước chờ nước rút, chờ cứu hộ, và bàng hoàng nghĩ tới ngày mai họ sống bằng gì?... Có thể so sánh cái cảm giác cô đơn kinh hoàng ấy với những người thợ mỏ Chi Lê không? Không, vì sau lưng những người thợ mỏ Chi Lê là niềm tin của cả dân tộc, của lãnh đạo đất nước với những trang bị tối tân đủ để họ tin là mình sẽ được cứu một cách tốt nhất. Họ được trang bị đến tận máy nghe nhạc, máy tập thể dục chống béo phì, báo chí, được trò chuyện hàng ngày với người nhà trên mặt đất, được chuyên gia tâm lý tư vấn, còn dân ta, họ trần trụi trước sự hung bạo của lũ, họ hoang mang tận cùng, kinh hoàng tận cùng khi mà số người gặp nạn đông gấp nhiều lần người đi cứu nạn. Và người cứu nạn cũng chỉ mỏng manh mấy chiếc xuồng chủ yếu là để quăng mì tôm...
  
        Có lẽ phải thông báo cho dân ta, và dạy cho học trò nữa: Nước ta thường xuyên bị bão lũ, rất giàu bão lũ, và rất nghèo kinh nghiệm chống bão lũ, cứu người, rất nghèo phương tiện cứu hộ...
        Phải có một cách bền vững hơn để "Sống chung với lũ"... Có ai nghĩ ra được cho dân không, hay chỉ nhăm nhăm lo phát triển thủy điện, phá rừng, khai thác bô xít ở Tây Nguyên để bão lũ năm sau to hơn, dữ dội hơn năm trước?...

Không có nhận xét nào: