Translate

Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2013

Thôi rồi rụng ...Bông hồng !

Những giọt nước mắt tủi hờn mặn chát của chị Khuất Thị Điọnh sau buổi lễ
Những giọt nước mắt tủi hờn mặn chát của chị Khuất Thị Điọnh sau buổi lễ
Sở Y tế Hà Nội tổ chức lễ trao thưởng cho ba cán bộ y tế đã tố cáo vụ “nhân bản xét nghiệm” tại Bệnh viện đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) sáng hôm qua, 16-8. Buổi lễ diễn ra chóng vánh trong vòng nửa giờ. Việc tổ chức trao thưởng vội vàng và miễn cưỡng như thế chỉ là đối phó với chỉ đạo của ông Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị mà thôi.
Đối với quan chức hệ thống y tế Hà Nội, thì các chị có tội ! Cái tội của các chị là “vạch áo cho người xem lưng”. Các chị cũng giống y chang thầy giáo Đỗ Việt Khoa của ngành giáo dục Hà Tây (nay cũng là Hà Nội).
Ngay cả cái việc hơn 40 nhân viên (trong đó có cả bác sỹ và đảng viên) của Bệnh viện Hoài Đức tố cáo ngược chị Hoàng Thị Nguyệt rồi rútlại là biết các chị thuộc thiểu số trong hệ thống đó. Họ rút đơn lại ngay hôm sau gửi đơn, khi họ được biết chính đích thân ông Bí thư Thành ủy trực tiếp nghe Giám đốc Sở Công an Hà Nội báo cáo kết quả điều tra độc lập với Sở Y tế. Thử hỏi, nếu Công an Hà Nội không vào cuộc nhanh và không có cuộc họp của ông Phạm Quang Nghị thì sự việc sẽ tít tù mù như thế nào?
Về giá trị của “gói thưởng” cho các chị, Sở Y tế Hà Nội chắc chắn sẽ vin vào “quy chế khen thưởng”. Mỗi Bằng khen sẽ được kèm theo ba trăm ngàn đến ba trăm năm mươi ngàn. Điều đó chẳng có gì sai.
Nhưng với tính chất nghiêm trọng của vụ việc, sự dũng cảm và đã phải chịu đựng áp lực của các chị, đáng được tưởng thưởng xứng đáng hơn cái “quy chế khen thưởng” thông thường kia.
Người ta có thể nghĩ ngay đến ẩn ý của “gói thưởng” cho các chị khi liên hệ đến trị giá của một lần “lại quả” của công ty cung cấp hóa chất và máy xét nghiệm (tại bệnh viện Hoài Đức) cho 2 đến 3 nhân viên tham gia “nhóm lợi ích”. Năm triệu đồng cho một lần, một tuần hay một tháng, cũng cao gấp 5 lần “gói tiền thưởng” kèm theo giấy khen cho các chị.
Ẩn ý của lãnh đạo ngành y tế Hà Nội là cho các chị, và cả những nhân viên khác, có dịp để so sánh số tiền thưởng với số tiền được “lại quả” khác nhau một tròi một vực như thế nào!
Những giọt nước mắt của các chị trong suốt buổi lễ và sau đó không phải là giọt nước mắt sung sướng, mừng vui mà là giọt nước mắt tủi hờn và cô độc ! Các chị như thấy được tương lai trước mắt mình khi đối mặt với những đồng nghiệp trong môi trường làm việc từ nay về sau.
Trên Facebook, nhiều người “chứng kiến” những giọt nước mắt của các chị cũng ngậm ngùi cay đắng và khóc theo.
Mình xin đăng lại nguyên văn bài viết bình luận của bác Dân Choa khi dẫn link của báo Tuổi Trẻ về sự kiện “buồn không thể tả” này.(Sao Hồng)
















Bình thường nhận được một giải thưởng con người ta tỏ ra vui mừng. Vui mừng là điều hoàn toàn chính đáng, vì công lao của mình cũng được đánh giá và trân trọng.
Nhưng cũng có người thì không kìm được dòng nước mắt. Dòng nước mắt đó là cảm xúc bị dồn nén bật là ngoài ý muốn. Ví dụ như họ nhớ đến những ngày âm thầm cống hiến, những kỉ niệm của một thời cay đắng mà cho đến hôm nay mới được vinh danh. Hoặc là từ nay số phận của họ sẽ bước sang một kỉ nguyên mới, rạng rỡ cho cá nhân.
Thế nhưng giọt nước mắt của các chị trong nhóm nhân viên xét nghiệm ở bệnh viện Hoài Đức trong buổi trao tặng phần thưởng sang nay có lẽ không nằm trong tâm trạng như thế.
320 000 đồng cho một giải thưởng. Quy ra thành gần 5 bát phở ăn sáng cho một tuần. Nói là Lễ trao giải thưởng cho văn vẻ chứ thực tình là chỉ 30 phút ngắn ngủi đưa tờ giấy khen và kèm theo giá trị 5 bát phở không hơn không kém.
Không có bóng dáng cờ, hoa hay tiếng cười tung hô của đồng nghiệp như thường lệ. Cũng không lãnh đạo nào của Bệnh viện xuất hiện hay chụp ảnh lưu niệm chung. Ba cán bộ của sở Y tế đến làm thủ tục cho phải đạo rồi lặng lẽ ra về.
Nhìn cảnh đó ai cũng phải ngậm ngùi trào lệ. Vậy các chị nhận giải thưởng, cố dấu cảm xúc mà khuôn mặt vẫn nhòa nước mắt suốt buổi là một điều dễ hiểu.
Nếu không có các chị thì bệnh viện Hoài Đức vẫn là một điểm sáng của ngành y tế, nơi mà không quản ngày đêm phục vụ nhanh, đầy đủ cho người bệnh. Đáng tiếc sự thật không phải là như vậy. Tất cả đều giả dối.
Vì các chị là những con người còn có lương tâm, không chịu được giả đối, đã dũng cảm đứng lên tố cáo với báo chí.
Không ở trong cuộc, nhưng ai cũng biết. Các chị sẽ đơn độc phải chống lại cả một hệ thống từ trên xuống giới. Cấp trên cao buộc phải khen lòng dũng cảm của các chị, buộc phải có biện pháp chấn chỉnh. Nhưng cấp dưới trực tiếp thì hoàn toàn không hài lòng về hành động của các chị, vì các chị đã giật mất miếng ăn đối với họ.
Chắc các chị cũng từng đọc báo. Các chị biết về trường hợp thầy giáo Đỗ Việt Khoa ở ngành giáo dục. Thầy giáo Khoa cũng từng được tung hô như một người hùng của ngành giáo dục, từ người lãnh đạo cao nhất. Thế nhưng rốt cuộc công lao của thầy giáo Khoa là một con số 0 tròn trĩnh. Thầy bị nơi nhiệm sở cáo buộc nhiều tội và cuối cùng là… mất dạy.
Chắc các chị cũng trăn trở rất nhiều trước khi làm việc này. Đi ngược lợi ích của một tập thể như thế, nơi đấy lại gắn bó với quyền lợi của chính mình, là một điều vô cùng khó khăn. Thế những các chị vẫn làm, vẫn muốn sự thật được phơi bày.
Ngay trước lúc đề đạt khen thưởng đã có đơn tố cáo ngược lại , chính các chị cũng là những người trong cuộc ăn chia chung. Các chị chỉ có ba người. Họ là số hùng hậu của 40 người, lại còn nhiều chức sắc của bệnh viện nữa. Áp lực hàng ngày đang đè nặng lên các chị.
Giá trị giải thưởng bèo bọt. Không khí trao tặng vội vàng như một cuộc đưa Đám chạy Tang.
Không khóc sao được các chị ơi!
Trong ngành y các chị từng biết đến một lý liệu nói dối cho phép để kéo dài sự sống của bệnh nhân. Một bệnh nhân trọng bệnh, thực tế chỉ có sống được vài ngày. Nhưng khi đối chứng với bệnh nhân, bác sĩ vẫn khen bệnh nhân có sức sống tràn trề và còn phải điều trị dài lâu nữa. Người bệnh nhân mỉm cười mãn nguyện. Thực tế thì vài hôm sau bệnh nhân qua đời. Nhưng ai cũng hài lòng với liệu pháp tinh thần này và không hề áy náy.
Các chị khóc đi! Khóc cho số phận trớ trêu của mình.
Có lẽ các chị đã hiểu, chính mình đang biến thành bệnh nhân mang trọng bệnh của hệ thống ngành y và đang được chữa bằng liệu pháp tinh thần với cái giải thưởng này.
Khóc đi các chị!
Chúng ta cùng khóc cho thân phận của mình.
22g00, 16/8/2013
Dân Choa
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đang trao bằng khen kèm 320K cho các chị
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đang trao bằng khen kèm 320K cho các chị

Không có nhận xét nào: