Translate

Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

Đi tìm em


Lần thứ nhất. Hướng  An Giang - Bảy núi


    Em tôi, Liệt sĩ Nguyễn Hoài Châu – hy sinh ngày 22.7.1972.  Gia đình  nhận được giấy báo tử Ls vào một ngày cuối năm 1974. Tôi còn nhớ như in ngày ấy - ngày 25.12.1974, ngày mà Tổ chức, chính quyền ở địa phương làm lễ báo tử, truy điệu em tôi  ngay tại gia đình. Một ngày đông giá rét mưa lạnh, có lẽ đây là mùa đông lạnh giá nhất mà gia đình tôi đón nhận  khi còn sống trên đất Bắc. Vậy mà gần 30 năm sau gia đình tôi mới có điều kiện tìm kiếm Ls - em tôi.
    
    Tháng 7.2000

Những thông tin mà gia đình  ngày ấy nhận được từ đồng đội của em, Ls  hy sinh do bom vùi, không lấy được xác trong một trận đánh ở khu vực Bảy núi – An Giang và theo chỉ dẫn của một nhà ngoại cảm thì hài cốt em tôi đã được quy tập về nghĩa trang Liệt sĩ Cần Thơ. Mộ vô danh thứ 3, hàng thứ 3, dãy sau cùng phía bên trái tính từ dưới lên. 
   Vào thành phố HCM, tôi đi CầnThơ ngay. Đến BCH quân sự tỉnh. Các anh ở phòng chính sách đón tiếp ân cần và được trực tiếp phụ tra cứu hồ sơ liệt sỹ. Lật tìm những trang hồ sơ ố vàng, chắc đã không ít lần qua tay  những người  tìm kiếm như tôi hôm nay. Không có tên Ls, các anh giới thiệu tôi qua phòng chính sách QK 9. Đã chiều tối, hết giờ làm việc tôi được bố trí nghỉ đêm ở trạm đón tiếp. Rất may cho tôi, đ/c cán bộ phòng  chính sách QK 9 vợ con còn ở dưới quê. Ảnh ở lại đơn vị, lâu lâu mới về thăm nhà. Bữa chiều cùng tắm giặt ở bể nước,  sau khi nghe tôi tâm sự, ảnh hứa tối nay sẽ dẫn tôi lên phòng cùng tra cứu hồ sơ.
    Bữa cơm lính tươm tất, có lẽ cơm khách. Đã mấy mươi năm rồi lại ăn một bữa cơm lính, ngủ nhà lính. Vẫn biết đời lính là gian khổ, nhưng những gì bây giờ người lính có được so với năm tháng chiến tranh chống Mỹ ác liệt của chiến trường QK 5 nói riêng, miền Nam nói chung mà chúng tôi đã từng sống và chiến đấu thật  không thể nào so sánh được.
     Gần hai giờ tra cứu danh sách Ls các thời kỳ có tại Ban chính sách QK 9, buồn đến não lòng vì không có tên Ls em tôi, cũng như một chút gì tung tích Tiểu đoàn 553. E 5. F 350 vào chiến trường tháng 2.1972, hay D6-KB mật danh đơn vị lúc em tôi hy sinh. Ghi trong giấy báo tử .
     Mật danh ! ôi mật danh. Ba mươi năm sau cuộc chiến mà cái mật danh quái quỷ kia vẫn không được một cơ quan chức năng nào có một lời trách nhiệm giải thích, hướng dẫn. Mặc cho hàng vạn gia đình thân nhân liệt sỹ chúng tôi phải đau đáu xoay xở, tự tiềm kiếm, dò hỏi  
      Vâng. Xin đừng vô cảm với những người đã ngã xuống cho Tổ Quốc, cho hạnh phúc
no ấm chúng ta đang hưởng hôm nay. Hãy cảm chia nỗi đau mất mát,  khắc khoải vất vả, gian khó chặng đường đi tìm nắm xương cốt nhục Ls  của gia đình chúng tôi đã và đang trải
       Mọi sự lý giải : ….chúng tôi là thế hệ sau nên chịu…chỉ là ngụy biện, là vô trách nhiệm
            “ Ngày con lên đường phiếu xanh, bìa đỏ
                    Mái phố nghèo ấm áp tiễn con đi
                    Giấy gọi con vào trường đại học Y
                    Mẹ xếp phẳng đợi con về đi học.

        Bốn năm sau hung tin con mất,
        Nơi chiến trường xa lắc, xa lơ
        Mẹ điên dại sống quanh quẩn bàn thờ.
        Lúc nhắm mắt ôm con về với đất.
         …..Tờ lịch thời gian quên ngày chiến trận
               Mẹ mất rồi ai nhớ giỗ con đây ?
               Mười tám, đôi mươi lấp lánh ánh sao
               Cánh rừng xanh bạc phai màu ký ức…


Mưa lạnh, lạ nhà và muỗi như sáo.Thật khó ngủ, mong trời mau sáng. Cùng ở lại trạm đêm ấy có hai chú cháu gia đình Ls từ Thái Bình vào. Cháu khoảng 20 tuổi, đi tìm mộ bố hi sinh trong chiến tranh  biên giới Tây nam, Cháu tâm sự chỉ nhìn thấy bố trong ảnh và cũng rất nhiều lần còn được gặp trong mơ nữa. Trước khi xây dựng gia đình muốn làm một cuộc hành hương đi tìm bố. Chặng đường hai chú cháu đi là từ quê vào thẳng An Giang, nhưng chưa tìm được, giờ quay lại Cần Thơ. Cùng hoàn cảnh đi tìm Ls nên chúng tôi dễ hòa nhập thân quen. Cuộc hành trình của hai chú cháu qua lời họ kể đã giúp ích rất nhiều cho tôi  trong cuộc hành trình sắp tới

   Sáng hôm sau, theo chỉ dẫn của nhà ngoại cảm, tôi đến Nghĩa trang - Đài tưởng niệm Ls ở Thành phố Cần Thơ, Khi đến đúng ngôi mộ trên thì cái nào cũng giống cái nào.   Vuông thành, sắc cạnh, một ngôi sao đỏ trên bia mộ và dòng chữ nhói đau : Liệt sĩ vô danh. Sắp đến ngày TBLS 27-7 nên các mộ đều được  sửa sang, nhổ cỏ, quét vôi mới… Chưa đủ thông tin chắc chắn nên tôi không dám nhận  ngôi mộ ấy mà chỉ thắp nhang chung trên đài tưởng niệm và dành phút lâu mặc niệm bên ngôi mộ ấy. Em - hay đồng đội nào nằm dưới đó hãy  thông cảm cho nỗi niềm khó sử của tôi. 
    Theo gợi ý của hai chú cháu tại trạm đón tiếp QK 9 đêm ấy và đ/c cán bộ ở phòng chính sách. Tôi quyết định đi Châu Đốc, nghĩa trang dốc Bà Đắc…một vệt dài quanh vùng căn cứ bảy núi An Giang – nơi mà lúc đó trong thâm tâm nghĩ. Ls em tôi đã từng sống, chiến đấu ..và nằm lại đâu đó nơi ấy.
     Chia tay Cần Thơ, bắt xe đò tôi đi Châu Đốc, sau khi đã được gia đình Ls ở trạm đêm trước chỉ dẫn cặn kẽ hướng đi, giá cả…Khoảng 10h đã có mặt ở Châu Đốc, tranh thủ tôi hỏi đường vào phòng chính sách địa phương, dù đã sắp hết giờ làm việc nhưng các đ/c ở phòng đã nhiệt tình giúp tôi tiếp cận hs lưu trữ tra tìm tên Ls. Cũng không nhiều nhặn gì, chỉ vài cuốn hồ sơ. Đã có kinh nghiệm lần tra cứu tại tỉnh đội Cần Thơ, tôi lật đi lật lại những trang liệt sĩ có tên Châu… Trời nắng lại sắp giông, không khí ngột ngạt oi nồng, mồ hôi thấm xuống mắt cay xè ..và một lần nữa tôi không khỏi thất vọng vì không có một thông tin nào liên quan đến em tôi.

Cảm ơn các anh ở phòng chính sách Châu Đốc, tôi bắt xe thồ thẳng hướng nghĩa trang  dốc Bà Đắc -Tri Tôn vì theo tôi được biết ở đó có nhiều bia Ls quê Hải phòng. Vâng chúng tôi là những hs miền Nam tập kết ra Bắc. Phần lớn tuôỉ học sinh chúng tôi sống và học tập tại Hải Phòng, đất Cảng trung dũng kiên cường có mùa hè rợp trời hoa phượng đỏ. Sau khi tốt nghiệp lớp 10 - ngang với hs PTTH hiện nay, chúng tôi lại cùng bao con em đồng bào miền Bắc trở về giải phóng miền Nam . Ngày ấy số hs miền Nam như chúng tôi trong một Tiểu đoàn huấn luyện đi B ở Trung đoàn 5. Sư đoàn 350 thường đếm chưa  đếm hết trên đầu ngón  một bàn tay, và một khi ngẵ xuống đâu đó như bao thanh niên con em đồng bào miền Bắc khác. Giấy báo tử về gia đình – các cơ quan chính sách hồi đó thường ghi : Đã được mai táng tại khu vực nghĩa trang mặt trận phía nam ! Vâng nằm ở đâu cái “ nghĩa trang mặt trận ” nơi cõi trời Nam mênh mang ấy ??
.
    Bắt xe thồ nhằm hướng Tri Tôn, trời chiều vần vũ kéo mây và cơn giông  chợt tới. Trú mưa tại một quán lá ven đường. Theo hướng tay anh xe thồ chỉ, xa xa là núi Bà Đen sừng sững in đậm giữa vùng đồng nước mênh mông, theo lời anh xe thồ. Những năm ác liệt bộ đội miền Bắc hy sinh quanh khu vực núi Bà nhiều lắm. Mưa ào tới rồi cũng mau tạnh. Trời lại trong veo, nắng không còn gay gắt nữa. Chúng tôi hối hả lên đường như mong bù lại khoảng thời gian đã mất. Đến cơ quan chính sách huyện Tri Tôn các anh chị đang họp nhưng khi nghe tôi trình bày xin gặp các anh chị đã tận tình hướng dẫn. Tra danh sách hầu như chẳng có gì vì theo các anh chị : Danh sách các Ls đã được quy tập thì ở Ban quản lý nghĩa trang đầy đủ hơn cả vì hầu như tháng nào cũng có anh em mình được quy tập về do bà con mình làm rẫy, trẻ chận trâu bò trên núi …phát hiện báo cho đội quy tập.Cán bộ dân chính đảng, bộ đội địa phương…hy sinh những  năm trước 75 ở một khu do anh Minh, người Tịnh Biên – An Giang phụ trách; Một khu khác gần đó hầu hết là anh em miền Bắc hy sinh sau 75, nhiều nhất là Ls của cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam năm 1979. 
     Tôi quyết định tìm đến khu do anh Minh phụ trách, hồi  ngoài Bắc có thông tin em tôi khi hành quân vào chiến trường sốt rét nằm lại đường dây, sau bổ sung vào bộ đội địa phương.
      Bảy núi âm u khi trời đã về chiều và nghĩa trang càng tĩnh lặng, gọi là anh vì từng là người lính với nhau chứ thực ra tôi phải xưng cháu và gọi anh bằng chú mới phải. Đón tôi trong căn nhà chòi đơn sơ anh  Minh cho biết :
 - Nghĩa trang mới có kinh phí sữa chữa xây mới, nhà cửa vôi vữa  bề bộn lắm. Ít bữa nữa xong anh em mình nơi chốn khang trang, gia đình lên thăm viếng có chỗ đón tiếp chu đáo là Qua mừng rồi.
    Cầm tấm ảnh Ls tôi đưa, anh nghẹn ngào lặng đi. 
- Tội chú em hy sinh trẻ quá
    Ngày ấy chúng tôi ra trận đều vừa  mười tám, đôi mươi. Tuổi mơ ước, hứa hẹn, ấp ủ…. Em tôi đậu cơ điện Bách khoa Hà Nội năm ấy, nhưng giấy báo nhập ngũ đến trước. Ước mơ, hoài bão ai mà chẳng có, xong đành xếp lại. Có một câu  nhà thơ Tố Hữu đã viết những năm tháng ấy .
                       ….Mỹ hại trăm nhà lo diệt trước
                           Rắn mình em chịu có sao đâu !


    Tuân lời hiệu triệu của Bác Hồ : Tất cả để chiến thắng giặc Mỹ xâm lược. Là con em Miền Nam trở về giải phóng quê hương, tiếng gọi thiêng liêng ấy đã giúp chúng tôi vượt qua bao gian khổ hy sinh ác liệt.
   Tra tìm tới lui không có tên Ls. Anh Minh nói  :
- Ơ đây phần lớn là cán bộ, bộ đội địa phương hy sinh thời chống Mỹ… do vậy họ biết rõ quê quán, hoàn cảnh, địa điểm chôn cất … Khi quy tập, bia mộ dễ dàng thuận tiện hơn. Chắc chú em không về bộ đội miền, có khả năng nó nằm  bển - khu chủ lực miền Bắc vào. Em qua đó coi, may phước có.

  Chia tay anh Minh. Qua tới nghĩa trang dốc Bà Đắc trời vừa sập tối. Bầy gà táo tác về chuồng. Vùng này hồi ấy chưa có điện, mấy anh quản trang đang lo đóng cửa, thắp nhang trên nhà tưởng niệm. Tôi theo vào, một nén nhang cho anh em đồng đội; Thương nhớ em tôi. Kệ sau trang thờ vẫn còn ba bộ cốt Ls bọc trong tấm nhựa. Các anh cho biết :
  - Cốt anh em mình mới tìm thấy, chưa kịp làm lễ hạ huyệt nên còn để tạm đây.
 Bật hộp quẹt xem kỹ bọc hài cốt, tôi không thấy có ghi tên tuổi, ký hiệu gì… Mai này nghĩa trang thêm hàng mộ mới với dòng chữ nhói lòng  mà ta thường thấy : Liệt sĩ chưa biết tên.

     Mâm cơm chiều đạm bạc, có ngọn đậu, lang luộc chấm nước mắm, canh bí đỏ nấu đậu phộng, con cá tràu trui lửa..và thêm can 5 lít đế. Các anh nói tôi cùng ngồi ăn. Tứ hải huynh đệ mà, vả lại ở đây biết chạy đâu? Chén rượu xoay tua. Lần đầu tiên tôi mới thấy cách uống một nữa, nhổ một nữa rượu như  mấy anh đây. Lạ mà không dám hỏi; Sau này  mới biết ở đây quen uống vậy. Mới hai ba tua quanh chiếu đã ướt mèm. Kiểu này chắc tốn rượu lắm đây, được cái rượu lạt !

     Qua trò chuyện, các anh cho biết : Nghĩa trang này mới xây dựng, chủ yếu quy tập số anh em mình hy sinh trong chiến tranh biên giới Tây Nam . Nằm đây hầu như đủ mặt các tỉnh thành phía Bắc như… Hải phòng, Nghệ Tĩnh, Thanh Hóa , Nam Hà.… Được quy tập thành từng tỉnh riêng. Hải phòng đâu có vài chục mộ, đều hy sinh sau 79. Không có Ls năm 72.
 Buồn nghẹn lòng. Châu ơi ! em ở đâu ? Có linh thiêng cho gia đình biết nơi em nằm. Chân trời góc biển nào, khó mấy cũng gắng đưa em về. Má ngày càng già yếu, đưa được em về má mới yên lòng nhắm mắt, nỗi đau này mới có thể nguôi ngoai. Giờ còn sức tìm kiếm, mai kia già yếu, lấy ai đưa em về đây ???  Năm tháng vật đổi, con người, sự kiện, hình hài …dần trong quên lãng. Mấy ai có còn nhớ ! Biết hỏi ai đây  ??? 
.
Ngày xưa ấy cũng cánh rừng này ta cùng nhau mắc võng
Đào hầm hào chiến lũy chống đạn bom
Nay chiến tranh xa, rạng rỡ ánh hào quang
Anh lại đến cánh rừng này mắc võng
Nghe gió ngàn mà lòng buồn xao động
Khóc thương người đồng đội đã hy sinh

Pháo đạn bom vùi lấp cả thân mình
Còn nỗi đau nào đau hơn thế nữa...
     Đêm ngàn sao. Râm ran côn trùng giữa rừng già thăm thẳm mông lung. Tôi nằm đây, với các anh như giữa bãi khách binh trạm Trường Sơn năm nào, đu đưa cánh võng bài ca ra trận. Thắp nén nhang cầu cho các anh vĩnh hằng cùng non nước. Dù sao cũng là may mắn. Bao anh em đồng đội  mình máu xương giờ thành tro bụi, hóa thân vào đất nước, non sông.

     Anh Tư quản trang, nhà gần đây cho biết ở vùng này có một lính Hải Phòng thời đánh Mỹ, hết chiến tranh ở lại trong này lấy vợ Miên. Nếu cần mai sớm anh chở tôi đi tìm, may có tin gì, tiện ghé phòng chính sách Tịnh Biên luôn, anh có công chuyện ở đó.

       Sáng sớm anh Tư lấy xe chở tôi đi. Đường sớm rất vắng, vì  là vùng ven biên giới, thỉnh thoảng mới có Honđa chạy, không có xe lớn . Con lộ đá với lằn xe máy nhẵn thín chạy dọc hai mép đường. Ruộng xấu, săm sắp nước do mưa, mùa này không thấy gieo cấy gì, dân đang lo thu rẫy. Thấp thoáng một lọại cây mới thấy lần đầu nhưng tôi đoán ra ngay là cây Thốt nốt.  Bảy núi sừng sững cặp theo phía Tây lộ. Có đi mới thấy sự hùng vĩ, to lớn của nó, nối với Tây Trưòng Sơn kéo gần hết An Giang. Quanh đó biết bao nhiêu cái “ Nghĩa trang mặt trận ” đúng nghĩa hồi ấy. Gặp toàn người quen anh Tư ở phòng chính sách, công việc tìm kiếm mau qua. Lại không có tin tức  gì. Anh Tư dẫn tôi ghé nghĩa trang liệt sỹ huyện Tịch Biên.

      Nghĩa trang hoàn toàn vắng lặng trong nắng sớm bình yên, vài con bò thảnh thơi gặm cỏ. Gần bốn trăm Ls được chôn cất nơi đây mà chưa đến ba mươi bia Liệt sỹ có tên. Trong số ấy có một mộ mà theo lời anh Tư là Ls miền Bắc; Trên bia ghi : Ls Lương tuấn Ngọc. Tân Yên – Hà Bắc. Một mộ chỉ ghi : Ls Châu, xã Lương phi – Tri Tôn….
Thắp bó nhang trên đài tưởng niệm. Không nén kìm được nỗi đau, tôi òa khóc nức nở. 

     - Ls địa phương sao lại không có họ ? Có phải em nằm đó không Châu ơi ? ?
     - Châu ơi ! Em ở đâu ? Anh biết đi đâu ? Phải đến đâu nữa để tìm được em ? ?
     - Ai ? Ai ? Trả lời tôi ; Ai có thể giúp tôi ? ?….

  Gặp gió, bó nhang bùng cháy thành lửa ngọn. Vâng, chỉ có các anh – Hương hồn những người đồng đội cảm thông được nỗi niềm đau sót này ! 
 Anh Tư đưa tôi đến nhà người lính Hải Phòng.  Nếu không giới thiệu trước, tin chắc tôi sẽ lầm tưởng ổng là người Khơme. Gầy đen,  đầu quấn khăn rằn, không một chút gì chất giọng Hải Phòng mà tôi rất quen thuộc.
     Nhà tình nghĩa nhưng ngoài mái ngói và mấy cái cột ra;  Không phên vách, không tủ bàn, giường không chiếu.…Thế mới thấm thía câu trong một tác phẩm văn được học hồi phổ thông : …Nghèo vào nhà khó . Gió vào nhà trống…
      Qua câu chuyện biết anh vào An Giang từ những năm 70, thuộc lữ 101…Sốt rét, thất lạc đơn vị ….rồi giải phóng, ở lại trong này luôn. Anh ấy không biết  thông tin nào về Tiểu đoàn 553 Hải Phòng vào chiến trường năm 1972 cả. Cũng là lẽ thường tình những năm tháng chiến trường ngày ấy. 
      Trưa đó tôi nghỉ lại nhà anh Tư. Căn nhà xây cấp bốn, mái tôn, nền láng cimen. Cũng chưa dư dã gì vì anh chị có đến năm đứa con, xong cũng nuôi được heo, gà. Có vườn, rẫy và nhất là năm đứa đều đang đi học. Năm cái “ hạm ” như Anh, chị nói vui. Rau cháo đấy nhưng ấm cúng, nghĩa tình. Gắng nuôi tụi nó ăn học, mai sau may nhờ. 
      Chiều anh chở tôi ra lộ đón xe về Sài Gòn. Chia tay bịn rịn . Dúi mãi vào tay anh mới chịu nhận mấy chục ngàn đổ xăng. Ghi nhận tấm lòng anh  thương binh nghèo miền Tây biên giới. Biết khi nào gặp lại ?
       Trời lại giăng mưa, Qua những vùng đất chỉ nghe tên giờ mới gặp; Những Cái Dầu, Thủ dầu Một, Nhà Bàng…Mùa mưa, nước lên mấp mé lộ. Nhiều nghĩa trang ven đường  nước ngập trắng, thấp thoáng đài tưởng niệm nhô khỏi mặt nước. Anh em mình chết rồi mà vẫn cực. Biết làm sao được ? ?
      Có mấy câu ghi chép lại trong chuyến đi nhiều kỷ niệm ấy.
         .                            
                                       .Nơi em nằm, mặt trận phía Nam .
                          Ở đâu hỡi đất trời mênh mang quá
                          Anh đi tìm em, mưa nguồn nước nổi
                          Thốt nốt . Ô môn. Châu Đốc, Cái Dầu.
                             Trắng nghĩa trang, im lìm một màu
                             Lớp lớp hàng dọc ngang đội ngũ
                             Chỉ ngôi sao sáng trên đầu mộ.
                             Và nén nhang đỏ mắt quê nhà
                       Dựa Bảy núi những ngày ở cứ.
                       Đêm vượt đường nổ súng phía đông,
                       Lương Phi – Tri Tôn những ngày đỏ lửa.
                       Năm tháng xưa, bom đạn dội mưa.
                              Ba mươi năm, vẫn đau xa vắng
                              Sống cùng nhau - Chết cũng bên nhau
                              Em nằm lại kề bên đồng đội.
                              Những Anh hùng - Liệt sỹ không tên
                                                                                                   7.2000

 >  Đi tìm Liệt Sỹ  ( Lần thứ hai )
*

Không có nhận xét nào: