Translate

Thứ Hai, 14 tháng 2, 2011

Những năm bom Mỹ trút lên mái nhà…

Mười năm dưới mái trường XHCN thì bốn năm cuối chúng tôi đã phải đi sơ tán . Chiến tranh với giặc Mỹ ngày một ác liệt, tiếng còi báo động rền rĩ thường xuyên hơn, bất kể ngày đêm…:
Đồng bào chú ý. Đồng bào chú ý. Máy bay giặc Mỹ còn cách thành phố….Thì đã nghe tiếng gầm rít của phản lực Mỹ trên đầu, pháo phòng không đùng đùng như sấm, các ụ súng tự vệ trên nhà cao tầng ào ào như như cối xay nhả đạn…

     Năm đầu bốn anh em chúng tôi sơ tán về Kim Sơn - Lê Thiện. Cách Hải phòng chừng 20 km. Mỗi đứa được Bố mẹ may cho cái ba lô nhỏ từ vải bao đựng bột mỳ viện trợ, nó cũng nhuộm màu xanh đen ngụy trang, túi thuốc gia đình, bông băng cứu thương…

Lần đầu tiên được sống xa nhà, tụi trẻ chúng tôi háo hức bao nhiêu với cuộc sống mới lạ lẫm thì lòng Bố mẹ lại quặn thắt lo bấy nhiêu. Gánh nặng gia đình giờ đặt hết lên vai anh chị lớn trong nhà : Thay Bố mẹ chăm sóc, quản lý các em…Cả nhà họp lại nghe Bố mẹ phân công cắt đặt. Bố mẹ sẽ tiếp tế hàng tuần vào chủ nhật. Anh Hai có nhiệm vụ gì!  anh Ba quản lý gạo nước, thức ăn hàng ngày…Các em phải nghe lời anh, không ham chơi giang nắng, phải lo học hành, lúc nào rảnh thì giúp nhà chủ quét dọn nhà cửa, quần áo dơ phải tự giặt giũ, không được mon men ra bờ ao chơi, ở sao cho người ta mến. …

     Ty tỷ lời căn dặn. Chúng tôi bắt buộc phải lớn trước tuổi, cái tuổi mà đáng lý ra còn mải mê đuổi bướm, bắt chim. Hầm cá nhân đào dọc theo đường đi, các bồn dầu, máy móc viên trợ của cảng sơ tán để dọc QL5, chẳng thấy ai coi ngó mà hình như cũng chưa mất bao giờ

     Hồi ấy cả nhà tôi chỉ có độc một chiếc xe đạp Phượng hoàng xanh cánh trả để bố mẹ hàng ngày đèo nhau đi làm. Đối với những gia đình cán bộ tàng tàng thì xe đạp hồi đó được coi như một tài sản lớn, xem xem như có oto riêng bây giờ vậy. xe đạp cũng có đăng ký, mang biển số hẳn hoi, xe đạp đăng ký tại Hải phòng có dãy số chữ đỏ. 

    Chiều thứ bảy cơm nước xong bốn anh em lại kéo ra đường 5 đón Bố mẹ, thường vào giờ đó đài phát thanh đang có câu chuyện cảnh giác. Một tiết mục rất hót lúc bấy giờ. Đường làng đất sét dẻo quẹo, trơn như đổ mở. Đứa nhỏ soi đèn pin đi trước, đứa lớn lớn phụ đẩy phía sau, thỉnh thoảng phải dừng lại cậy bớt bùn bết chặt làm bánh xe không quay được. Tối sum họp rất vui, có quà thường thì cả nhà liên hoan nồi chè với mấy lạng đường tiêu chuẩn tháng ky cóp để dành. Gia đình bác chủ góp thêm bơ đậu. Tiếng cười vui mãi đến khuya. Chính cũng ở đây lần đầu chúng tôi biết được hương vị ấm áp của giấc ngủ cuộn tròn trong ổ rơm, cơm gạo lúa mới. dưa chua từ thân cây chuối non..của thịt chó, được nghe bài học vỡ lòng về con chó mà ăn thịt đồng loại thì gọi là con má…


   Hòa nhập rất nhanh với cuộc sống mới, chúng tôi đã có những bài học vỡ lòng: chuồn chuồn cắn rốn biết bơi, cá giếc khi cắn câu  thường rê phao chạy ngang, cá rô cá trê thì rút phao cắm thẳng luôn…. Từ nhà trọ đến nơi trường sơ tán phải đi bộ qua cánh đồng màu, mùa thì trồng cà chua su hào, mùa thì trồng đậu đỗ…Hè nắng một chút nhưng gió mát lộng. Cực nhất vào vụ đông cày ải, từng tảng đất to như cái bàn được máy cày lật lên, chúng tôi chân đất nứt nẻ băng qua trong sương giá sớm lạnh buốt. Mấy anh em phân công nhau, đứa nào học chiều thì nấu cơm sáng, tập đun rạ, vần cơm bếp rạ để sao không bị tro vào cơm…Rau thì bố mẹ đã góp tiền cho bác chủ nhà mùa nào thức ấy trên mảnh đất 5% được chia. Thịt rất ít chủ yếu là tôm hay cá kho rim mặn. Anh ba phải đếm từng con chia cho từng người, từng bữa kéo cho đến thứ bảy tiếp tế sau. Xoong tôm rim mặn cột chặt vào gióng móc lên mái bếp, hâm thét những ngày cuối cũng bay mùi thiu phải cho vô cối giã nhỏ chuyến thành món canh toàn quốc.

    Nắng hè đổ lửa :
    ….chết cả cá đồng
    cua ngoi lên bờ mẹ em xuống cấy.( Thơ thần đồng Khoa )
    Mình cũng thời Trần đăng Khoa ngày ấy, không khoe chứ hồi  đó mình cũng nằm trong đội tuyển Hải Phòng đi thi giỏi văn Toàn quốc ( không kể miền Lam. he he...)
     Xin giới thiệu bài thơ hay của Thành Chung về những năm tuổi thơ dữ dội ấy
.

TUỔI THƠ TÔI

.

Mẹ sinh tôi năm tháng chẳng bình yên
Không có cô Tấm, nàng Tiên, ông Bụt
Chị lên mười, ru tôi trong nước mắt
"Cái cò lặn lội bờ sông..."

Tuổi thơ tôi không có "áo hoa, sách mới" đến trường
Mẹ không dắt tay đưa vào lớp một
Theo lũ trẻ trong làng, ngày đầu tiên đi học
Bò qua cầu gỗ rung rinh

Tuổi thơ tôi có bát cơm, quả trứng bên sông
Cho bạn tôi, một buổi chiều tắm sông nước xiết
Lũ trẻ chúng tôi, chạy dọc theo bờ đê mải miết
"Tuệ ơi, về ăn cơm..."

Tuổi thơ tôi có "nhật ký tìm thấy trên hố bom"
Cậu bạn nhà bên đến trường trên đôi nạng gỗ
Sau mỗi trận bom lại hướng về thành phố
Mơ một ngày bình yên...
Tuổi thơ tôi mẹ thức một ngàn đêm
Một ngàn ngày đêm, chống chọi với cơn đau, cha từng muốn tìm về cái chết
Bát cơm đầy chỉ có trong ngày tết
Chị tôi đi làm từ tuổi mười ba..
..
.



Năm tháng ấy ta nhớ lắm
Giá rét đầu đông căm cắm đường đê
Vùi đêm đông nướng khoai quê
Bầu trời Bắc chớp cả vùng lửa đạn
Những năm tuổi thơ sơ tán
Nọn rơm, túi sách...lan man ký ức...
.
Lớp học phân tán nằm trong xóm làng, nó là những căn nhà hầm  thấp tè nữa chìm nữa nổi. Bàn ghế học sinh, bảng đen bục giảng… hạ thổ hết, Từ đây hệ thống giao thông hào tỏa ra các hướng đến hầm kèo chữ A. Chúng tôi đi học ngoài dụng cụ học sinh ra còn phải mang mũ, nọn rơm. Biết lấy bột than từ  cục bin hư giã chung với lá khoai lang chà lên bảng cho rõ nét phấn; Kiếm  vỏ bạc bao thuốc làm chụp đèn thêm sáng….Năm tháng đó hầu như tuần nào cũng có giờ lao động. Đến mùa đi gặt lúa giúp dân...

 Lao động là vinh quang mà. Người lớn bảo thế. Chúng tôi về nhà dân, vào xóm vận động xin tre, cây que, rơm rạ …xây dựng hầm hố, trường lớp…Hồi ấy dân sao mà tốt thế.
Về đây làm quen với lũ trẻ quê tôi còn được học đánh dậm, đặt lờ rạm. Câu cá…Tranh thủ xong bài tập tôi lại vác mõ, dậm chạy ù ra mương máng, ao chum quanh làng làm vài đường dậm, không nhiều nhưng cũng đủ lưng bát cá vụn, tép…góp vô xoong canh thêm ngọt nước. Đặt lờ rạm thì phải chuẩn bị mồi từ chiều. Mồi đây là những chú ngóe ẩn đầy bờ cỏ ven đường, bờ ruộng. Ngày ấy người ta chưa phun thuốc sâu tràn lan như bây giờ, chỉ mươi phút quơ là chúng tôi đã  vụt được vài loong ngóe làm mồi. Chuẩn bị trước mồi trước còn có một lí do nữa là để mồi bay mùi tanh dụ dẩn lũ rạm chui vào. Lờ đan bằng tre, hai đầu là cứa hom để rạm bắt mùi tanh chui vài mà không thoát ra được. Rạm hình dáng như con cua nhưng bẹp như bao diêm, đặc biệt tám cẳng bè ra như tám cái bơi chèo. Nó chỉ ở vùng nước lợ. cũng như cua chỉ ở trong đồng. Xẩm tối là gánh lờ qua đê quai. Đây là vùng ruộng nước lợ, chịu ảnh hưởng thủy triều lên xuống của sông Kinh thầy đục ngầu phù xa. Cây lúa đến vụ găt cao hơn đầu tụi tui lận. Đặt lờ là cả một nghệ thuật mà dân dã hay có lời khen : Hay hè, hay hè. Thằng đó mát tay, thằng đó sát cá

 Rứa đó, rưa đó( Mình nhiễm quechoablog mất rùi)  Rút lên bờ đê kiếm nắm rạ lót lưng, ngữa mặt nhìn lên bầu trời lung linh đầy sao. Trăng sao miền quê đẹp hơn trên phố thì phải ? Giấc ngủ đến thật ngon lành êm ái. Rạm đánh mùi khoái khẩu ở đâu mà kéo nhau chui vô lờ lủ khủ. Khi biết mắc bẫy chúng hè nhau dồn hết về một phía hò nhau lăn lờ trốn chạy. Tôi ú ớ lăn theo… lọt tòm xuống ruộng. Sực tỉnh té ra mình mớ ngủ.( he he he)   

 Vui nhất là đi hớt rươi. Tháng mười, nắng hanh hanh se lạnh, nước triều lên săm sắp tràn ruộng lúc này chỉ còn gốc rạ là rươi ở đâu nổi lên bơi xanh vàng đặc nước. Rươi nổi rất nhanh theo nước chảy. Đi học về quăng cặp sách bổ nhào ngay ra đòng bãi. Dân sơ tán có thau, xoong nhôm gọn nhẹ. Tụi “ quê ” phải dùng niêu đất, nhiều khi vấp té bể đổ mọi người súm vào vớt vát, chửi nhau chí chóe. Mẹ mi..Mẹ tau vui như hội.


 Bạn đã được thưởng thức món chả rươi ngày mùa chưa ? Cho một nhúm muối vô tô rươi là tự nó nổ bụng chốc lát thành một tô trứng vàng ngậy, đặc quánh. Thái vô chút thì là, hành lá. Bắc chảo lên, phi hành mỡ,( Hồi đó chưa biết đến dầu ăn là gì )…Chỉ đến đó thôi là nước miếng đã tứa ra rồi.  

 Mùa đông – Mùa của ghẻ, ghẻ kềnh ghẻ càng. Ghẻ cả trường nuôn, nhất là tụi sơ tán. Lâu nay vẫn nghe tên Đệ nhất khoái. Chẳng biết hắn là thứ chi, còn theo mình không có gì khoái hơn ngứa được gãi… Nhất là gãi ghẻ. Ôi cha cha. 

Từng từng.  Tửng tửng.  Tưng tưng… Bực bực.



Không biết mấy đứa trò gái mần răng chứ bọn nam chúng tôi tưng bừng là sột soạt gãi.  Cào, móc, khều…thét mà lủng hết hai túi quần. Ghẻ kể cũng lạ, toàn nhè chỗ kín mà dày vò người ta mới ác chứ ! Sau này đi lính biết thêm ve hắn cắn còn ác chiến hơn nữa. Êm như ru đến khi hút no máu tròn như hạt đậu đen lăn ra. Nhưng vết ve đốt thì thâm hậu vô cùng. Thật đấy. Bữa máy bay đánh Sở dầu Hải Phòng. Xa quá nên chỉ nghe tiếng bom rền, nhiều chấm nổ của đạn pháo 100 in lên trời  xanh. Rồi cột khói đen hình cây nấm ngày càng bốc cao, che kín phía Đông. Khói đen kịt cuộn xoắn chặt vào nhau tưởng chừng sắn được từng miếng như thạch. Chúng tôi không còn lòng dạ nào mà học, lố nhố ngồi lên miệng hầm hào nhìn về Thành phố cồn cào lửa đốt. Chiều đó tôi mượn xe đạp bác chủ nhà đạp vội về Hải phòng. Qua đọan Công an Biên Phòng. Cổng Sở Dầu. Xi măng….Lần đầu tiên chứng kiến mùi dầu cháy khét lẹt, hố bom toang hoác với từng mảng đất đá to như cái bàn bị quật lên, hàng phi lau ven đường 5 bom quật đổ ngổn ngang... 

 Hải Phòng cúp điện tối thui. Ba Má tôi đang thắp đèn ăn cơm. Hai Má con ôm nhau khóc mừng tủi. Ba tôi nóng nẩy ra lệnh cơm xong lập tức quay lại chỗ sơ tán. Ba má hiểu lòng của các con, nhưng là anh Hai trong nhà, con đã quên nhiệm vụ của mình là thay mặt bố mẹ chăm sóc các em. Trên lập trường một người lính, Con đã bỏ vị trí chiến đấu của mình...& …Đêm đó tôi quay lại nơi sơ tán,chiếc xe đạp gióng ngang cao đối với tôi lúc đó. Hết toài qua bên này, rồi bên kia gần mười giờ đêm tôi mới về đến nơi trọ trong sự chờ đón hân hoan bình yên của mấy em. Hôm sau thì tôi không đi học nổi vì hai bẹn trầy lở do gần 40Km chiến đấu với cái yên xe cứng ngắc. Thế mới thấy sự tiện ích cái alo di động thời nay.  

Chiến tranh ngày một ác liêt. Năm 1968 gia đình tôi sơ tán lên Mai siu – Hà Bắc. Hồi ở Hải Phòng, ngày ngày hơn 10Km đi về tưởng đã ghê gớm, ai ngờ lên đây cả huyện Lục Nam chỉ có một trường cấp 3. Năm giờ chiều tan học nhưng phải gần 2h sáng tôi mới lê được về đến nhà trên đoạn đường rừng núi hơn 35Km. Lại trọ học. Trọ của trọ, nhưng lần này chỉ có mình tôi. Chiều thứ bảy tan trường nhờ bạn học đèo về đến bến phà Lục Nam là mình tôi với con đường rừng heo hút lầm lũi về nhà.Cả tuần quanh đi quẩn lại bữa ăn của tôi không muối mè thì cũng muối đậu. Tranh thủ lúc rảnh rủ  mấy đứa trọ học đi tát cá, mò ngêu, hến cải thiện. Đất ở vùng này toàn sỏi ván, củ sắn chỉ bằng ngón chân cái, loe ngoe lắt lay sống. Nhà dân trình bằng  đất hay dùng đất đóng thành gạch xây lên, vữa xây  là đất trộn với vôi. Loại nhà đất này mùa đông ấm, mùa hè mát

Rừng Mai siu trắng mùa hoa giẻ nở.
- Hạt giẻ nóng đây….ây  (Hải phòng 5 xu một chung nho nhỏ - Gạo ngon chỉ 3 hào 6 xu 1kg). Ở đây, đến mùa anh em tôi đi lượm về ghế cơm, nấu chè mới hết. Lần đầu tiên chúng tôi thấy loại xe trệt ( không có bánh xe ) do trâu kéo, những con trâu ngố với cặp sừng nghênh ngang, đôi mắt vằn tía lồi ra như hai cái chén uống trà.

Gia đình tôi ở riêng một quả đồi, có rẫy trồng mỳ, nuôi được heo, gà…Trong bốn năm sơ tán thì đây là một trong những quãng thời gian êm đẹp nhât, bữa cơm xum họp  đông đủ cả nhà, đàn gà tao tác tao tác lên chuồng khi chiều về. Chúng tôi đi rừng ,học cách bó, nêm củi sao cho chặt. Ba tháng hè mấy anh em  kiếm cả một giàn củi lớn để dành đun cả năm. Mỗi tuần đi học về tôi còn tranh thủ gánh đầy mấy phi chứa nước đỡ các em. Hình ảnh thằng Ba, em sau tôi lặc lè rụt cổ gánh nửa đôi nước từ dưới đồi lên nhà làm tôi nhớ mãi, nhất là sau này nhận tin em hy sinh ở chiến trường miền đông Nam bộ.
 
Năm cuối cấp 68-69 hai anh em trọ học chung C3 Lục Nam, Cả nhà thống nhất dành chiếc xe đạp thiếu nhi LX cho hai em cuối đã lớn đi bộ hàng ngày 4km đến trường nhường xe cho 2 anh lớn học xa hơn. Hai anh em nuôi thêm được gà nơi trọ học, tận dụng cơm rơi vãi...Thế là hàng ngày bữa ăn đã có thêm trái trứng dằm nước chấm cải thiện bữa ăn...

      Từ mái trường này, chúng tôi lần lượt ra trận. Học sinh vùng cao nên rất lớn tuổi, nhiều khi hơn cả tuổi thầy cô mới ra dạy. Nội quy nhà trường đi học không được lấy vợ. Muốn lấy vợ là phải nghỉ học, mà có muốn  đi học cũng không được cơ mà. Có gia đình rồi, một trọng trách sứ mệnh lớn đặt lên đôi vai. Nông thôn ngày ấy toàn phụ nữ. Đàn ông đàn ang trong làng rặt ông già và thanh niên vỡ giọng 15,16 tuổi. Thanh Hóa các cụ bắn rơi máy bay là vậy.

Năm nào trường cũng làm lễ tiễn học sinh thân yêu lên đường chiến đấu.
Tôi đạp xe từ 5h sáng, vượt hơn 160 km từ Hải phòng qua Đông Triều - Quảng Ninh ngược sông Lục Nam lên Mai siu – Hà Bắc.    

  - Có con heo nuôi gần bốn chục ký trong chuồng, mấy anh em mi mần thịt liên hoan thằng Hai lên đường.
 Má tôi quệt nước mắt nghẹn ngào nói khi tôi báo tin mình đi B.
- Yên tâm vững bước mà đi...hỡi người mà em yêu 


 .
Trên bảng vàng Danh dự của Trường cấp 3 Lục Nam, Bắc Giang. Chỉ riêng những năm đánh Mỹ đã có đên 44 học sinh thân yêu của mình ngã xuống trên mọi nẻo cuộc chiến đi qua
Vâng. Tuổi trẻ chúng tôi ngày ấy lên đường như thế đó ! 
.
THẾ HỆ CHÚNG TÔI
.
Thế hệ chúng tôi đi qua chiến tranh
Bằng túi cứu thương và mũ rơm đi học
Giấc ngủ chập chờn, tiếng bom rung mặt đất
Trẻ con chui vào hầm chơi ô ăn quan
.
Thế hệ chúng tôi đi qua chiến tranh
Chiếc khăn thêu hoa tiễn người ra trận
Đón bạn về - nắm xương - trong chiếc ba lô lấm lem bụi đất
" Nghĩa trang mặt trận phía Nam"
.
Thế hệ chúng tôi đi qua chiến tranh
Nhào ra phố vẫy cờ hoa mừng ngày thống nhất
Tiếng súng đã ngưng, ngỡ không còn nước mắt
Không còn nỗi đau, được - mất, thắng - thua
.
Thế hệ chúng tôi đi qua chiến tranh
Sau bốn mươi năm, trẻ con vẫn đu dây đi học
Xưa chắt chiu nuôi con, giờ bần thần thương cháu
Mong đời bình yên.

.
Thơ 
Thành Chung
                                                                       
*

1 nhận xét:

Đi tìm sự thật nói...

Chung at 02/16/2011 03:49 am comment

Hồi đi sơ tán em còn bị trốc, phải cắt trọc đầu như ông sư cơ. Ghẻ kềnh ghẻ càng là chuyện... muỗi. Đã thế lại chuyên môn bị ông anh trai "quyền huynh thế phụ" đánh đòn liên tục vì nói ngọng "l" và "n". Mỗi buổi đi học về, cứ lấy 10 trừ điểm số được trong ngày thành ra số roi sẽ bị quất vào mông...(hu hu). Thời sơ tán nghĩ lại thấy mình... thiên thần!