Translate

Thứ Bảy, 24 tháng 5, 2014

Nhạc sĩ Thuận Yến đã Chia tay hoàng hôn

Nhạc sĩ Thuận Yến  đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 12h06 ngày 27/5 hưởng thọ 83 tuổi.
Nhạc sĩ Thuận Yến tên thật là Đoàn Hữu Công, sinh ngày 15/8/1932, quê ở Duy Xuyên, Quảng Nam. Ông tham gia công tác từ năm 1949, là cán bộ văn nghệ của Đoàn văn công Khu ủy Liên khu V, sau đó theo học lớp Trung cấp sáng tác tại Trường âm nhạc Việt Nam.Xin được một nén tâm nhang kính cẩn vĩnh biệt ông
Mời bạn đọc nghe ca khúc nổi tiếng- Chia tay hoàng hôn:

*

Thứ Sáu, 23 tháng 5, 2014

Nhân nào quả đấy!

Viển vông lúc này là có tội, một cái tội không thể tha thứ.


Nhà văn Chu Lai - 
Trong lịch sử bang giao giữa các quốc gia trên thế giới, đúng là tôi chưa thấy một nước nào lại có thể cùn, liều, và thiếu tự trọng đến vô sỉ vừa ăn cướp vừa la làng như quốc gia mang tên Trung Quốc này, tất nhiên là giới cầm quyền chứ không phải nhân dân.

Nhà văn Chu Lai
Để đến bây giờ thì không ổn thật. Họ đã hiện nguyên hình là một kẻ có hành vi ngông cuồng, lì lợm, bất chấp tất cả công lý, đạo lý và pháp lý về chủ quyền lãnh thổ của nước khác. Đã thế họ còn lớn giọng đến không tin nổi, không, biển ấy, nước ấy là của tôi, của lịch sử nước tôi, chúng tôi có quyền ra vào làm gì thì làm, thoải mái. Dàn khoan ư? Chuyện bình thường, chuyện vặt.

Thử hỏi có kẻ cướp nào xông vào nhà người ta rồi la lối đây là nhà tôi không?

Và cũng thử hỏi có quốc gia nào như Việt Nam, người láng giềng cậy to cậy khỏe bỗng một ngày mang đồ đạc, gậy gộc, tàu bè đến nằm chình ình ngay trong sân nhà mình rồi la hét, rồi phá quấy, đâm cái này, chọc cái kia mà vì đại cuộc, vì những điều xa xôi , ta vẫn cố giữ hòa khí , vẫn ngậm bồ hòn làm ngọt thay vì theo lệ thường xưa nay, một hành vi trắng trợn như thế ắt sẽ phải trả giá ngay.

Một sự nhún nhường đáng thán phục. Một năng lực ôn hòa chỉ có ở một dân tộc có nền văn hóa vượt trội.

Vậy mà, để biện minh cho hành động này, người lãnh đạo cao nhất của họ lại dám vỗ ngực xưng xưng:” Không, người Trung Quốc chúng tôi không có Zen xâm lược” Vậy thì thử hỏi 20 ngày qua người của các ngài làm đủ trò đủ vẻ mà chỉ có phường thảo khấu, hải tặc mới có thể làm như thế trên vùng biển hiền hòa của Việt Nam thì là các ngài đang mang thứ Zen gì ? Và thử hỏi hàng ngàn năm qua, cả dân tộc Việt Nam phải luôn chiến đấu và chiến thắng vó ngựa xâm lăng của người Trung Hoa thì chúng tôi có Zen xâm lược chăng? Một câu nói rất tùy tiện của một hệ tư duy rất bá quyền không thể chấp nhận được.

Dân tộc Việt Nam bao giờ cũng lấy hai chữ hòa hiếu làm đầu. Phải chăng đau thương lắm nên vị tha nhiều. Vietj Nam Chúng tôi đã vị tha, đã thể tất, đã nín nhịn từng phút từng giây để mong Trung Quốc thấy hổ thẹn, thấy quá lố mà nghĩ lại và khi đã ngĩ lại rồi, đã rút giàn khoan về rồi thì chúng ta lại là bạn như bao lâu nay chúng ta vẫn là bạn.

Mà, nếu nói theo cách nói của vị nguyên thủ ấy thì, truyền thống người việt Nam chúng tôi không có zen phản bạn. Kể cả anh bạn đó đôi khi cũng trái gió trở trời. Bởi triết lý của tổ tiên chúng tôi là Một điều nhịn chin điều lành.

Nhưng càng nhịn thì càng không lành khi các vị liên tục lấn tới, liên tục đe dọa, uy hiếp chúng tôi bằng đủ những trò tinh vi, hiểm ác nhất. Các vị muốn đưa chúng tôi vào bẫy, buộc chúng tôi phải phát khùng lên một khi không còn kiềm chế được để các vị lấy đó làm nguyên cớ mà mở cuộc xung đột mang màu sắc chiến tranh ư?

Cây muốn lặng mà gió chẳng đừng. chúng tôi nhịn không phải vì chúng tôi hèn, chúng tôi sợ mà nhịn vì chúng tôi là một dân tộc biết điều. Nhưng thưa các ngài, một khi cái nhịn đó, cái biết điều cao thượng đó bị các ngài coi thường, xúc phạm, dồn đến chân tường thì câu trả lời của chúng tôi thuộc về nhân dân, thuộc về lịch sử mà hàng ngàn năm nay đã biết kiêu hãnh trả lời chắc các ngài còn nhớ.

Bởi người Việt Nam có thể bỏ qua được mọi điều nhưng nếu một ai, một thế lực nào dám động chạm đến bàn thờ ông bà, đến phẩm hạnh dân tộc thì người Việt Nam sẽ rất biết các trả lời và trả lời có hiệu quả.

Trộm nghĩ, tất cả đều chưa muộn. Rút dàn khoan về lúc này là hợp lý. Cái dàn khoan khổng lồ ấy, xét đến cùng nó là một cái mụn ghẻ trong mối bang giao giữa hai nước. Mà đã là mụn ghẻ, thì một khi kẻ sinh ra nó không tự kéo nó đi thì người sở tại sẽ có cách bứng nó đi.

Khi đó, và ngay bây giờ, bằng sự xâm lược đến trơ tráo của mình, chính các ngài đã biến đất nước mình thành sự điếm nhục của lịch sử, thành nỗi cô độc thảm hại trước cảm nhận của mọi quốc gia. Mà đã cô độc rồi thì các ngài biết chơi với ai trên hành tinh này.

Xin cám ơn những người bạn có lương tri trên khắp thế giới đã biết chia sẻ đúng lúc những cố gắng phi thường của việt Nam và biết căm phẫn đúng độ trước những động thái ngày một leo thang của kẻ mang tham vọng làm sen đầm biển Đông. Những người tử tế, lương thiện vẫn còn nhiều, rất nhiều. Việt Nam không đơn độc vì Việt Nam có chính nghĩa. Việt Nam không cực đoan dân tộc vì Việt Nam biết lấy đối thoại, lấy lòng tin làm điểm tựa.

Những ai đã trả qua những năm tháng kháng chiến xa xưa chắc hẳn còn nhớ những câu khẩu hiệu hiện trên Băng rôn, trên tường nhà, nơi công sở, giữa thành cầu với dòng chữ tươi rói:” Tình hữu nghị Việt – Trung đời đời bền vững”. Vâng, những dòng chữ đó thời điểm ấy là không hề giả dối, là vô cùng chân thật và cho đến lúc này người Việt Nam vẫn mong muốn nó là chân thật song một khi phía bên kia không còn chân thật nữa thì câu khẩu hiệu bỗng thành hết sức viển vông. Việt Nam không thể đánh đổi bản chất chủ quyền để lấy một thứ hữu nghị viển vông như thế. Máu và nước mắt không thể đổi bằng nước bọt. Sự chân thật không thể đổi lấy sự giả dối. Lịch sử Việt Nam, dân tộc Việt Nam bằng chính những chặng đường gian truân của mình đã hiểu điều đó, rất biết điều đó để hôm nay, muôn đời con cháu không thể viển vông.Viển vông lúc này là có tội, một cái tội không thể tha thứ.

Tới đây, Trung Quốc có thể giàu hơn, có thể thành siêu cường kinh tế số 1 của nhân loại, đâu có sao, nhưng bằng những hành động phi nhân, phi đạo vừa rồi trên sóng nước biển Đông thì hình ảnh một đất nước Trung Quốc sẽ bị méo đi, hạ thấp xuống biết chừng nào. Cái giá đó ngàn năm không trả được.

Và tôi, một người lính, một người cầm bút, tôi tán thành cách hành xử của đất nước tôi, của nhân dân tôi, trong thời gian nhạy cảm và không kém hiểm nghèo vừa qua, song nếu điều tồi tệ nhất xảy ra, chắc chắn tôi cũng sẽ có mặt cùng với đồng đội tôi, nhân dân tôi ở những điểm đòi hỏi chí quả cảm và lòng tự trọng nhất.

Nhân dân Việt Nam, dân tộc việt Nam đã quá thấu hiểu cái giá vô cùng đắt phải trả cho một cuộc chiến nhưng không phải vì cái đắt đó mà cúi đầu cho kẻ khác làm nhục. Điều đó còn đắt hơn. 90 triệu dân Việt chắc cùng đồng lòng như thế. Và cũng đã từng đồng lòng như thế trong lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang, hiển hách,./.


Chu Lai

Hoan hô nhà văn - Người lính Chu Lai

Thứ Năm, 22 tháng 5, 2014

Này chú Tập...!


Chị đây hơn tuổi chú
Thủ tướng mấy nhiệm kì
Dân Đức bầu cho chị
Còn chú, đảng bầu hi.

Chị nói cho mà biết
Đừng đực mặt thế kia
Đừng giả câm giả điếc
Chơi bẩn, chú nhất nhì.

Chú một vừa hai phải
Đừng ức hiếp láng giềng
Hàng xóm của nhà chú
Xem đi, có ai thương?

Từ Nhật, Hàn, Ấn Độ
Mianma, Việt Nam
Chú xỏ mũi vào cả
Cướp mãi chẳng rầy rà.

Đừng hòng qua mặt chị
Chú bày trò khoan dầu
Hơn ai hết chú biết
Còn lâu mới có màu.

Chú biết vùng biển ấy
Vừa sâu lại bão nhiều
Vốn bỏ ra một chục
Thu về vài đồng bèo.

Dầu, chú chơi đòn gió
Cái mà chú muốn là
Ép Việt Nam thế yếu
Bắt họ thần phục mà.

Bởi thế chị nói thật
Chú hơi bị ngu nhiều
Chú đẩy Việt Nam chạy
Như Nhật, Đài Mỹ theo.

Thế là chuốc lấy hoạ
Cả cửa ngõ Biển Đông
Đều bạn của Mỹ cả
Chú thành nằm trong chuồng.

Đừng chủ quan mãi nhé
Đừng khinh thường họ nghèo
Tung hết lực ra đánh
Thế nhà để ai coi?

Khôn hồn chơi cho đẹp
“Bốn tốt” họ để yên
“Mười sáu chữ” họ giữ
Với họ, vẫn hoà bình.

Đài Loan, hỏi bố chú
Hơn sáu mươi năm rồi
Từ hồi chú chưa đẻ
Trung quốc dám sờ đuôi?

Có chính nghĩa, nhưng đơn độc thì chỉ …thiệt thân

Sự kiện Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, ngày 1/5/2014, đã làm dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ của người dân cả nước, của người Việt khắp năm châu và dư luận quốc tế.
Ngày 7 tháng 5 năm 2014, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jen Psaki tuyên bố: “Quyết định của Trung Quốc trong việc đưa giàn khoan dầu cùng với nhiều tàu của chính phủ lần đầu đến vùng biển tranh chấp với Việt Nam là hành động khiêu khích và gây ra căng thẳng.” Phía Hoa Kỳ gọi đây là “hành động đơn phương” của Trung Quốc theo cách “làm giảm hòa bình và ổn định trong khu vực”.
Ngày 9 tháng 5, sáu thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đã gọi hành động của Trung Quốc là “gây hấn”, “gây rắc rối” và “đe dọa tự do thương mại toàn cầu”.
Trong một cuộc điệm đàm với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry công khai gọi hành động của Trung Quốc là “khiêu khích” và “hung hăng”.
Liên minh châu Âu ngày 8 tháng 5, Phát ngôn viên của Đại biểu Cao cấp của Liên minh về Chính sách Ngoại giao và An ninh và của Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu ra tuyên bố: “Liên minh châu Âu quan ngại rằng các hành động đơn phương có thể ảnh hưởng đến môi trường an ninh của khu vực, bằng chứng là các báo cáo về va chạm gần đây giữa các tàu Trung Quốc và Việt Nam.”
Nhật Bản ngày 9 tháng 5, trong cuộc họp báo tại Văn phòng Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Kishida Fumio phát biểu rằng “căng thẳng trong vùng gia tăng là kết quả của hành động Trung Quốc đơn phương thăm dò một diện tích biển với các ranh giới không xác định”. 
Cảnh sát biển Việt Nam làm nhiệm vụ gần giàn khoan 981 (Ảnh: Chụp từ video của Reuters)
Ai cũng thấy rõ là Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế, mà cụ thể là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và ASEAN.
Thế nhưng, trên thực địa, ai cũng thấy là Trung Quốc dường như bất chấp dư luận và luật pháp quốc tế. Họ vẫn hung hăng, ngang ngược không chịu rút giàn khoan 981, theo yêu cầu chính đáng của Việt Nam. Trái lại, họ còn điều thêm nhiều tàu hải cảnh, hải giám, tàu cá… thậm chí là tàu chiến và máy bay chiến đấu, để ngăn cản và uy hiếp các lực lượng chấp pháp của Việt Nam.
Điều đó cho thấy, dù Việt Nam có chính nghĩa nhưng việc đấu tranh với hành động sai trái của Trung Quốc vẫn rất khó khăn, phức tạp. Đó là chưa nói nếu tình hình căng thẳng kéo dài thì rủi ro xảy ra những biến cố không lường trước là không nhỏ.
Việt Nam có chính nghĩa. Điều đó, tự bản thân nó, là một sức mạnh. Nhưng chỉ có chính nghĩa là chưa đủ.
Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Những bằng chứng lịch sử và pháp lý đều khẳng định điều đó – kể cả các tài liệu, bản đồ cổ của chính Trung Quốc. Thế nhưng, Trung Quốc đã lợi dụng cơ hội, dùng vũ lực để cưỡng chiếm hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào năm 1974.
Chính nghĩa đã không giúp Việt Nam bảo vệ được Hoàng Sa. Vậy liệu là, bây giờ, Việt Nam có thể bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình chỉ bằng chính nghĩa hay không? Chắc là rất khó để mỗi người dân Việt Nam tìm cho mình câu trả lời thỏa đáng.
Chính nghĩa là một giá trị quý giá phải gìn giữ. Nhưng chỉ chính nghĩa thôi thì chưa đủ để bảo vệ mình. Chính nghĩa tạo cho Việt Nam cái ‘thế’ của bên có lẽ phải, được nhiều người ủng hộ. Nhưng ‘thế’ phải kết hợp với ‘lực’ mới tạo nên sức mạnh hoàn chỉnh.
Trong những năm qua, Việt Nam đã đầu tư mạnh để hiện đại hóa quân đội, đặc biệt là không quân và hải quân. Sức mạnh chiến đấu tổng hợp của Quân đội nhân dân Việt Nam đã có một bước tiến vượt bậc. Nhưng tương quan lực lượng trên Biển Đông vẫn là khó khăn đối với nhiệm vụ bảo vệ các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.
Lâu nay, Việt Nam theo chiến lược ‘ba không’: Không liên minh quân sự; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình; không liên minh với một nước để chống lại nước thứ ba.
Nhưng vụ giàn khoan 981 đã cho thấy một thực tế là nếu đứng riêng lẻ một mình – theo chính sách ‘ba không’ – Việt Nam sẽ gặp khó khăn rất lớn trong việc phòng thủ, trước sự bành trướng ngày càng mạnh của Trung Quốc trên Biển Đông. Do vậy, tất yếu là Việt Nam phải điều chỉnh chính sách đối ngoại, phải tìm đối tác, đồng minh để tăng cường khả năng phòng thủ của mình.
Thời thế thay đổi, tư duy con người cũng phải thay đổi. Tư duy của một quốc gia cũng phải thay đổi. 
‘Việt Nam không liên kết với một nước để chống lại nước thứ ba’. Nhưng Việt Nam có quyền liên kết để bảo vệ chủ quyền đất nước, bảo vệ người dân. Việt Nam không nên tự cô lập mình, tự ‘trói mình’, với hy vọng rằng Trung Quốc sẽ ‘để yên’ cho. Về mặt chiến lược sẽ là ngây thơ khi tự tước bỏ quyền tự vệ tập thể của mình, rồi ngồi chờ kẻ khác…rủ lòng thương!
Một đất nước giàu mạnh như Nhật Bản, với một lực lượng quân sự hiện đại bậc nhất thế giới, mà họ vẫn xác định phòng thủ tập thể với Hoa Kỳ là chiến lược then chốt. Điều đó cho thấy, trong thời thế hiện nay, một quốc gia vừa nhỏ, tiềm lực kinh tế, quân sự hạn chế, lại ở trong thế đơn độc đối phó với Trung Quốc, là điều cực kỳ khó khăn. Nhật Bản (và cả Philippines) cũng đang ở vào hoàn cảnh tương đồng với Việt Nam, có quan hệ tốt với Việt Nam (về thực chất chứ không chỉ dựa theo các ‘chữ vàng’). Việt Nam – Nhật Bản – Philippines hoàn toàn có thể ‘nương tựa’ vào nhau, tạo thành một liên minh để bảo vệ cho nhau trước sự gia tăng hung hăng và tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc.
Người Việt có câu :
Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại thành hòn núi cao.
———————-

Trung Quốc là gì của Việt Nam?

 Giáp Văn Dương

Từ xưa đến nay, quan hệ Việt-Trung luôn phức tạp. Để có chiến lược ứng xử thích hợp, đã đến lúc phải thẳng thắn trả lời câu hỏi: Trung Quốc là gì của Việt Nam?
Định vị lại Trung Quốc

Khi xem xét chiến lược ứng xử với Trung Quốc, có ý kiến cho rằng, với Việt Nam, Trung Quốc đồng thời là: người thầy vĩ đại, người bạn thân thiết và đối thủ nguy hiểm.

Nhìn vào lịch sử quan hệ và những ảnh hưởng qua lại giữa hai nước, thì thấy rằng Trung Quốc đã từng đóng tất cả các vai ấy trong mối quan hệ thăng trầm với Việt Nam.


Tuy nhiên, vào thời điểm hiện nay, nếu coi đây là xuất phát điểm cho chiến lược ứng xử với Trung Quốc thì cần phải xem xét lại.

Nếu coi Trung Quốc là người thầy vĩ đại, thì sẽ có xu hướng bắt chước thầy, chịu sự chỉ dẫn của thầy với tư cách học trò. Khi xảy ra tranh chấp, điều đã từng xảy ra nhiều lần trong lịch sử, thì trò khó lòng có thể thắng được thầy.

Còn nếu coi Trung Quốc vừa là người bạn thân thiết, vừa là đối thủ nguy hiểm thì lại tự mâu thuẫn nhau. Đã là bạn thì không thể là kẻ thù, vì cơ sở của tình bạn là sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau. Còn đã coi nhau là kẻ thù thì không thể là bạn.

Nếu coi Trung Quốc vừa là thầy, vừa là bạn, vừa là đối thủ của Việt Nam, tất yếu dẫn đến những lúng túng và yếu thế trong chiến lược ứng xử với Trung Quốc. Nói cách khác là gây ra bối rối ngay từ khâu lên kế hoạch, nên thua thiệt là điều khó tránh khỏi.

Một nhận định khác cũng thường được nói đến nhiều: Trung Quốc và Việt Nam là anh em "môi hở răng lạnh". Việc tự coi mình là em đã đặt Việt Nam vào thế bất lợi toàn diện trong quan hệ với Trung Quốc, tất yếu sẽ rất đến những thua thiệt trong ngoại giao, trao đổi văn hóa, thương mại, thậm chí cả trong bảo vệ chủ quyền và lợi ích hợp pháp của đất nước, v.v.

Vậy Trung Quốc là gì của Việt Nam?

Đối tác bình đẳng

Trong Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trãi viết rằng:
"Nước non bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập.
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương."

Qua đó có thể thấy, Nguyễn Trãi không coi Trung Quốc là thầy, bạn, hay kẻ thù hoặc kết hợp của cả ba thứ này. Nguyễn Trãi cũng không coi Trung Quốc là anh em với Việt Nam. Ông chủ trương Trung Quốc là một đối tác độc lập, bình đẳng trong quan hệ với Việt Nam về mọi mặt.

Đây là chiến lược sáng suốt của Nguyễn Trãi, dù ra đời đã gần 600 năm. Chủ trương này vẫn còn là kim chỉ nam cho chiến lược ứng xử với Trung Quốc ngày nay, không chỉ trong quan hệ ngoại giao, mà còn cả trong trao đổi văn hóa, thương mại, v.v.

Trong ngoại giao, việc xác định Trung Quốc là đối tác bình đẳng sẽ giúp định ra các chính sách và thái độ đối ngoại đúng đắn, góp phần củng cố vị thế Việt Nam trên trường quốc tế và bảo vệ quyền lợi chính đáng của đất nước, nhất là khi tranh chấp biển đảo giữa Việt Nam và Trung Quốc đang có những diễn biến phức tạp.

Trong văn hóa, việc coi Trung Quốc là đối tác chứ không phải là người thầy, bạn bè, đối thủ hay bậc đàn anh sẽ giúp Việt Nam giữ được bản sắc văn hóa của mình trong khi vẫn sàng lọc được những điều hay cần học hỏi.

Trong mậu dịch, Việt Nam đang yếu thế so với Trung Quốc: cán cân thương mại Trung Quốc-Việt Nam đang có những mất cân đối nghiêm trọng. Nhập siêu từ Trung Quốc đang ở mức đáng lo ngại và tăng liên tục: ước tính khoảng 11 tỷ USD năm 2008, so với 200 triệu USD năm 2001. Cơ cấu mậu dịch cho thấy Việt Nam chủ yếu xuất khẩu tài nguyên và sản phẩm thô, ước tính khoảng 80% tổng giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc, trong khi nhập về chủ yếu hàng công nghiệp. Do đó cần phải có chiến lược điều chỉnh thích hợp, phấn đấu đưa Trung Quốc trở thành đối tác thương mại ngang hàng với Việt Nam.

Tất cả những điều đó chỉ có thể thực hiện từ xuất phát điểm: coi Trung Quốc là đối tác bình đẳng, chứ không phải là thầy-bạn-đối thủ hay anh-em của Việt Nam.

Việc coi Trung Quốc là đối tác bình đẳng còn giúp Việt Nam tận dụng được sức mạnh của hệ thống pháp lý và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Vì một lẽ đơn giản, tất cả các nước đều bình đẳng trước các cam kết và hệ thống pháp lý quốc tế. Và cộng đồng thế giới ủng hộ sự bình đẳng này.

Do đó, Việt Nam cần phải nương vào nguyên tắc bình đẳng và sự hỗ trợ này để vươn lên vị trí bình đẳng toàn diện trong quan hệ với Trung Quốc.

Bước vào thập kỉ mới - thập kỉ bản lề ẩn chứa nhiều cơ hội và thách thức cho sự phát triển của Việt Nam, nhất là trong quan hệ với Trung Quốc - câu hỏi Trung Quốc là gì của Việt Nam cần phải được trả lời dứt khoát: Trung Quốc là đối tác bình đẳng với Việt Nam trên mọi lĩnh vực, chứ không phải là thầy-bạn-đối thủ hay anh-em như nhiều người đã và đang nghĩ
.
---
Bài đăng trên Tuần Việt Nam, đã bị rút sau đó.

 Chọn hòa bình- hữu nghị, còn chủ quyền lãnh hải? 

Thứ Tư, 21 tháng 5, 2014

Biện chứng ít nhất cũng như thế này !

Việt Nam không phải là phiên bang của Trung Quốc

Tổng Bí thư có lần nói Biển Đông không có gì mới, và giải quyết vấn đề Biển Đông phải biện chứng. Vậy ngày nay, người dân có quyền hỏi ông, bây giờ có gì mới không? Và giải quyết vấn đề Biển Đông phải biện chứng như thế nào?

Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014

Màu " Đồng chí"!

XUÂN DƯƠNG (GDVN)-“Màu đồng chí” không chỉ đơn thuần chỉ là màu đỏ trên lá cờ mà còn là màu đỏ của máu hàng vạn người dân Việt Nam.
.

Hàng ngàn người dân không phân biệt tôn giáo thuộc vùng Xã Đoài, Nghệ An biểu tình tuần hành chống Trung quốc hôm Chủ Nhật 18/5/2014. (Hình:FB Xã Đoài Choa)

Mịa...nó!

Lực lượng vũ trang không được phản đối Trung Quốc?


Võ Văn Tạo

Sáng 19-5-2014, tại TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), nhân kỷ niệm 55 năm (19-5-1959/19-5-2014) ngày mở đường Hồ Chí Minh xuyên Trường Sơn huyền thoại, Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh TP Nha Trang tổ chức mít tinh gặp mặt để ôn lại và phát huy truyền thống hào hùng của Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh. Nhận giấy mời của ban tổ chức, nhiều cơ quan thông tấn cử phóng viên đến tác nghiệp.

Lực lượng vũ trang không được phản đối Trung Quốc?
Gần 200 hội viên, phần lớn đã nghỉ hưu, cùng nhiều đại biểu là sĩ quan cao cấp, quân hàm đại tá, thượng tá - lãnh đạo các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn (Học viện Hải quân, Trường SQ không quân, Học viện thông tin, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh…) tham dự. Các sĩ quan đang tại ngũ, tất nhiên diện quân phục có quân hàm. Một số hội viên đã nghỉ hưu cũng diện quân phục với quân hàm, huân huy chương lấp lánh, trông khá oai phong khí thế, tạo không khí xúc động và cho cảm giác yên tâm phần nào, trông cậy ở sức mạnh và quyết tâm bảo vệ Tổ quốc của bộ đội ta, trong giờ phút sục sôi căm giận nhà cầm quyền Trung Quốc gây hấn hết sức căng thẳng ở Biển Đông hiện nay, qua vụ khiêu khích với giàn khoan HD981.Thế nhưng, điều hết sức kỳ cục và khó hiểu đã xảy ra: hết phần kỷ niệm truyền thống, cuộc mít tinh chuyển sang nội dung nóng bỏng và hết sức thời sự: phản đối Trung Quốc gây hấn, đòi giàn khoan Trung Quốc rút ngay khỏi vùng biển Việt Nam. Trước khi bắt đầu nội dung này, đại diện ban tổ chức bất ngờ yêu cầu các đại biểu, hội viên mặc quân phục có quân hàm ra khỏi hội trường và cho biết: đây là tình tiết “nhạy cảm”. Dĩ nhiên, tôn trọng ban tổ chức và sẵn tập tính chấp hành tuyệt đối của nhà binh, tất cả đại biểu và hội viên mặc quân phục lập tức rời khỏi hội trường, ra hành lang đứng đợi.
Không bất ngờ, một số phóng viên cho biết, đây là chủ trương từ “trên”, đã được Ban Tuyên giáo “quán triệt” đến lãnh đạo các cơ quan truyền thông. Khi tác nghiệp các cuộc mít tinh phản đối Trung Quốc, không được để “dính” hình ảnh lực lượng vũ trang.
*
Vẫn biết, trong sự kiện Trung Quốc ngang ngược đưa giàn khoan, tàu chiến, tàu hải giám, phi cơ quân sự, tàu cá xâm nhập trái phép vùng biển của ta, nhà nước Việt Nam chủ trương kìm chế, chỉ huy động các cơ quan chấp pháp, các phương tiện, thiết bị dân sự để xua đuổi, kết hợp với các tuyên bố và hoạt động ngoại giao phản đối, lên án Trung Quốc ngang ngược xâm lấn, gây mất ổn định an ninh hòa bình khu vực và thế giới. Trước mắt, đó là điều có thể chấp nhận, trong tình huống Trung Quốc chưa nổ súng khai chiến, tương quan phương tiện, vũ khí ta – địch quá chênh lệch, Việt Nam lại chẳng là đồng minh hay thành viên của cường quốc hoặc khối quân sự nào.

Tuy nhiên, việc yêu cầu không để hình ảnh lực lượng vũ trang “dính” vào khuôn hình, tại các cuộc mít tinh tại chỗ có tính chất ôn hòa để phản đối Trung Quốc gây hấn, chẳng biết có thực sự cần thiết? Chủ trương như thế, liệu có thể hiện tư tưởng khiếp nhược quá đáng trước giặc xâm lược? Ai là kẻ “phát minh” cái “sáng kiến” quái đản này? Làm sao tránh được tình huống, khi đọc báo, xem tivi các cuộc mít tinh phản đối Trung Quốc hiếp đáp, người dân thắc mắc: tình thế nước sôi lửa bỏng, Tổ quốc lâm nguy, bộ đội ta ở đâu?

Và điều cốt tử, ngộ nhỡ một mai, tình huống ta không mong muốn vẫn cứ xảy ra, buộc Việt Nam phải lâm chiến tự vệ, bộ đội ta có còn khí thế đánh giặc?

V.V.T.


Giặc đến nhà bà già cũng chiến.

May được thủ tướn nhắn tin
Nên choa  nỏ  được biểu tìn khiêng đi
Yêu  nước  giờ  khổ cách chi
Ngẩn ngơ biết  hỏi đâu vì nước non
Cựu hỉ...Cứ việc ngủ ngon
Ngày lo ẵm cháu, túi son đố mì
Biểu  tình chờ nuật. Mít tinh...teo
   Cất hết quân hàm sao đeo
Phiền tồng chí Quốc ì sèo trả treo

Thứ Hai, 19 tháng 5, 2014

Mồi Lửa & Đống Củi

Sự kiện BìnhDương – Vũng Áng cho thấy, khi gậy gộc đã ở trong tay đám đông, mọi giá trị đều trở nên vô nghĩa[1].Tuy nhiên, còn “vô nghĩa” hơn nếu sự kiện “Bình Dương – Vũng Áng” được sử dụng như những con ngoáo để ộp dọa dân nhằm củng cố độc tài, toàn trị.
Một Thế Lực Bành Trướng & Một Nền Kinh Tế
Trong số 315 nhà đầu tư chịu thiệt hại trong vụ Bình Dương, có 12 công ty bị cháy lớn (nhiều nhà xưởng bị cháy rụi), 3 công ty bị cháy nhỏ, 33 công ty bị trộm cướp tài sản, 196 nhà xưởng bị đập phá, 241 văn phòng bị hư hại, có nhiều văn phòng bị đốt sạch, phá sạch. Con số thiệt hại chưa được quy thành tiền nhưng cho dù nó lớn tới mức nào, đó cũng chỉ là những tổn thất có khả năng đo, đếm được. 
Chưa biết bao giờ các nhà máy trong 29 khu công nghiệp ở Bình Dương mới có thể trở lại hoạt động bình thường. Điều này, ảnh hưởng trực tiếp ngay tới hơn hai trăm ngàn lao động Việt Nam. Thiệt hại vì sự sút giảm uy tín của môi trường đầu tư còn khó định lượng hơn.
Trong mấy năm gần đây, Trung Quốc là thị trường có mức độ phát triển tốt nhất của ngành hàng không Việt Nam. Trước 13-5-2014, trung bình mỗi ngày có gần 20 chuyến bay Việt – Trung. Nay con số đó đang có nguy cơ bằng không. Thiệt hại cho Hàng không Việt Nam có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Chủ một resorts thường xuyên có 30% khách đến từ Trung Quốc ở Hội An cho biết, tất cả khách đặt phòng người Trung Quốc đều đã “cancelled”. Hàng nghìn biệt thự trên bãi biển Đà Nẵng vốn lâu nay sống nhờ khách Trung Quốc nay đang lần lượt bị trả lại….
Những phản ứng vừa qua cho thấy, người Việt Nam chỉ mới nhạy cảm trước một Trung Quốc bành trướng, trong khi, Trung Quốc còn là một nền kinh tế lớn.
Yếu Tố Bên Trong
Người Việt có vẻ như đã xích lại gần nhau trong những ngày vừa qua. Dân chúng dễ dàng bỏ qua những chính sách đã đưa đất nước lún sâu. Một vài nhà lãnh đạo bỗng dưng “sáng lên”. Nhưng, chúng ta sẽ làm gì nếu giàn khoan HD 981 vẫn nằm lì ngoài biển đông. Chúng ta sẽ làm gì nếu tất cả những nguyên nhân làm cho đất nước thất thế, tụt hậu vẫn tiếp tục phát huy; những kẻ bảo thủ, trì trệ vẫn bình chân và bọn tham nhũng vẫn tiếp tục ngự trị.
Một quốcgia không thể giữ yên bờ cõi nếu không đoàn kết. Nhưng nếu một quốc gia chỉ thực sự đứng bên nhau khi “tổ quốc bị xâm lăng” thì bi kịch còn lớn hơn. Nếu không sớm tìm ra một yếu tố bên trong để đoàn kết quốc gia, chủ nghĩa dân tộc cực đoan sẽ luôn dễ dàng bị các bên lợi dụng (cả Chính phủ và những người được coi là “dân chủ”).
Cái giá mà dân tộc Việt Nam phải trả cho cuộc chiến kéo dài mười năm, 1979-1989, là khôngchỉ bằng sự kiệt quệ nội lực, sự cô lập trên trường quốc tế mà còn bằng xương, máu của hàng triệu thanh niên. Chúng ta cần một chính phủ ứng xử với Trung Quốc bằng tư thế của một quốc gia có chủ quyền chứ không phải một chính phủ, lúc thì quá lệ thuộc, lúc lại đẩy dân ra chỗ hòn tên mũi đạn.
Sáng 1-1-2014, khi nói chuyện với chúng tôi, ông Trần Việt Phương, người giúp việc của nhiều nhà lãnh đạo Hà Nội – từng sống và làm việc bên cạnh Phạm Văn Đồng và Hồ Chí Minh từ 1949 – 1969 – nói: Trong lịch sử nghìn năm giữ nước, chưa có thời nào Việt Nam mất cảnh giác và chịu lệ thuộc vào Trung Quốc như ‘triều đại’ ngày nay. Sở dĩ có điều đó là vì chúng ta đã nhiều lúc ứng xử với tư thế một ông em ngoan, ngây thơ tin các ông anh cũng vì tinh thần quốc tế vô sản. Theo ông Trần Việt Phương, thời còn Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa, chúng ta đã từng ở trong một nền thực dân kém văn minh hơn nền thực dân trước kia.
Trong những ngày giàn khoan HD 981 đang ở trong vùng biển Hoàng Sa nhiều người Việt bàn đến chuyện “thoát Trung”. Nhưng theo tôi trước khi “thoát Trung”, người Việt phải thoát ra khỏi chính vấn đề đang ở trong tay người Việt.
Năm 1974, nếu người Việt chúng ta ở chung một chiến hào, chắc chắn Hoàng Sa không thể rơi vào tay Trung Quốc. Chắc chắn không có sự kiện HD 981. Chắc chắn Trung Quốc không thể khoan vào nơi người Việt Nam rất dễ bị tổn thương.
Theo tôi, điều cấp bách nhất mà chúng ta, bao gồm cả những người cầm quyền, phải làm là phải thoát hoàn toàn ra khỏi ý thức hệ, điều khiến cho Chính quyền có những lúc “ngây thơ” tin vào “mười sáu chữ vàng”; điều đã khiến cho lãnh thổ quốc gia bị hơn hai mươi năm chia cắt; điều khiến cho người Việt Nam, gần 40 năm sau chiến tranh, vẫn không thể nào ngồi bàn với nhau hòa giải.
Giai Cấp Trai Làng
Nói chuyện với hàng chục chủ doanh nghiệp và công nhân ở Bình Dương, chúng tôi nhận thấy cách lôi kéo công nhân biểu tình hôm 13-5-2014 gần giống như cách mà các cuộc đình công vẫn diễn ra ở đây. Liên đoàn Lao động không bao giờ có vai trò nào ngoài việc buộc các doanh nghiệp phải trả công đoàn phí hàng tháng một khoản tiền bằng 2% quỹ lương. Đứng sau các cuộc đình công thường là một bọn người giấu mặt.   
Bọn người tương tự đã xuất hiện vào ngày 13-5-2014, xông vào các nhà máy, yêu cầu giới chủ phải cho công nhân nghỉ để đi “biểu tình chống Trung Quốc”. Đề nghị này ngay lập tức được công nhân hoan nghênh. Một số bỏ về nhà nghỉ ngơi, vui vì được “hưởng nguyên lương”. Một số khác đi theo những người cầm đầu cuộc “biểu tình”. Những công nhân vô tội này không ngờ rằng, họ đang bị kéo vào một âm mưu nguy hiểm.
Người lao động ở Bình Dương mà những người Marxists thích gọi là “giai cấp công nhân”, thực chất vẫn là những nông dân. Trong số 235.800 lao động làm việc trong 29 khu công nghiệp ở Bình Dương chỉ có 9,8% là người địa phương. Họ phải rời bỏ quê hương vì chính sách đất đai và chính sách công nghiệp hóa sai lầm.
Chính sách đất đai không cho phép tích tụ những mảnh ruộng manh mún để hình thành các trang trại lớn, nơi có thể hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp và phát triển công nghiệp chế biến nông sản, nơi các trai làng có thể ở tại chỗ mà ly nông thay vì phải ly hương.  
Họ bị dồn vào một nơi cách xa lũy tre, vẫn chất phác nông dân nhưng bị lẫn trong bộ đồng phục, không danh tính, không làng xóm. Họ ngây thơ đi theo đoàn “biểu tình chống Trung Quốc”, bị cuốn trong một cơn kích động, nghĩ là mọi hành động đập phá, lấy cắp của họ sẽ bị lẫn vào đám đông.
“Ý Thức Hệ”
Hôm 29-4-2014, Cựu Bộ trưởng Trương Đình Tuyển đã được hoan nghênh khi ông phát biểu công khai ở Diễn đàn kinh tế mùa xuân Hạ Long: “Đã đến lúc phải thừa nhận xã hội dân sự”. Nhưng, cũng ông Trương Đình Tuyển vào ngày 17-4-2014, khi nói chuyện nội bộ về TPP với các đại biểu quốc hội ở Văn phòng Quốc hội phía Nam lại cho rằng, phá bỏ thế độc quyền của Liên đoàn lao động Việt Nam (cho công nhân lập các công đoàn độc lập), là điều không thể thương nghị.
Hy vọng ông Trương Đình Tuyển, người đang cố vấn cho Chính phủ về đàm phán TPP, tìm hiểu vai trò Liên đoàn lao động trong các vụ đình công, bạo động, ở Bình Dương,để thấy, chỉ vì ngăn cản công nhân hình thành các tổ chức đại diện cho mình (điều kiện mà TPP đòi), khi lâm sự, chủ doanh nghiệp cũng như Đảng, Nhà nước đã không có ai để mà “thương nghị”. Công nhân nhanh chóng bị cuốn vào những đám đông không còn khả năng kiểm soát.
Cũng hôm 17-4-2014, ông Trương Đình Tuyển giải thích, Liên đoàn lao động là tổ chức của Đảng, giữ vị trí độc quyền của nó là giữ một đặc trưng của chế độ. Tiền thuế của dân đang được chi để nuôi các đoàn thể quốc doanh. Điều này rất dễ ru ngủ Chế độ khi trong ấm, ngoài êm. Nhưng, khi lâm trận thì mới thấy những tổ chức rình rang tốn kém đó nhanh chóng trở nên vô dụng.
Cựu Phó thủ tướng Trần Phương, một nhà lý luận gần gũi với Tổng bí thư Lê Duẩn thừa nhận: “Cho đến trước khi Liên Xô sụp đổ, đầu óc chúng tôi vẫn bị cầm tù trong sự giáo điều của chủ nghĩa Marx – Lenin”. Thật khó để biết một cách chắc chắn, thế hệ lãnh đạo hiện nay đã để cho đầu óc của mình ra khỏi “nhà tù ý thức hệ” như thế hệ Trần Phương hay chưa. Một người được coi là cởi mở như ông Tuyển, mà vẫn tư duy như vậy thì liệu có ai thực sự đã thoát khỏi “chiếc còng tư tưởng”.
“Mồi Lửa Đã Ở Dưới Đống Củi”
Nếu có một xã hội dân sự trưởng thành, công nhân có các tổ chức đại diện cho mình, chắc chắn sẽ không dễ bị kéo vào một đám đông như thế. Nếu có một nhà nước pháp quyền (và có luật biểu tình), cảnh sát tự tin vào tính chính danh của quyền lực công, chắc chắn đã có hành động thích hợp trước khi đám đông phạm tội.
Không chỉ gây ra thiệt hại, phải coi sự kiện “Vũng Áng – Bình Dương” là những cảnh báo sớm. Một chế độ toàn trị rõ ràng đã không có khả năng gìn giữ “ổn định chính trị” như nhiều người vẫn tưởng lầm. Mồi lửa đã ở dưới đống củi.
Đi đến tự do chính trị mà không có lộ trình thích hợp thì rất dễ gây rối loạn. Nhưng khước từ dân chủ hóa thì sự sụp đổ là chắc chắn xảy ra. Khi đó, bạo loạn sẽ không còn ở mức độ “Vũng Áng – Bình Dương” như chúng ta vừa chứng kiến.
Việt Nam đã rất cô độc trong xung đột Biển Đông không chỉ vì không có ai thực sự là đồng minh, mà còn, thay vì hòa vào xu thế của thời đại văn minh, Hà Nội lại tự xích mình ở trong nhóm những quốc gia bị “loài người (thực sự) tiến bộ” đặt sang bên lề thương hại. Cho dù không thể có ai là “bạn vĩnh viễn”, nhưng nếu Việt Nam có một chế độ chính trị tiến bộ, bên trong tôn trọng dân chúng, bên ngoài chỉ “trao đổi vàng” với những nhà nước dân chủ văn minh, chúng ta chắc chắn sẽ có rất nhiều bạn đồng hành.
Trong những ngày này, tôi tin là có hàng triệu người Việt Nam tuy không xuống đường biểu tình nhưng vẫn đang nung nấu trong mình lòng yêu nước. Nhưng tôi tin, không ai, không riêng một đảng phái nào, đứng riêng lẻ mà có thể tìm được cho Việt Nam một con đường đi đến dân chủ, văn minh mà tránh được những tháng năm tao loạn.
Mỗi chúng ta phải bắt đầu làm gì đó trong nỗ lực của mình, để Đảng cầm quyền ngồi lại với nhân dân, cùng đối thoại để tìm ra lối thoát. Để đất nước rơi vào nông nỗi này, chúng ta có thể đổ lỗi cho những người cộng sản. Nhưng, nếu cứ để đất nước tiếp tục tình trạng này, mỗi chúng ta đều phải cộng đồng trách nhiệm.
Không ai thách thức quyền lực của những người cộng sản nếu như quyền lực đó không đặt chế độ lên trên sự phát triển bền vững của quốc gia. Không ai có thể ngồi mãi trên đỉnh cao quyền lực, Nếu anh thiết lập trên đầu dân chúng một phương thức cai trị thực dân, sẽ có ngày anh trở thành nô lệ trong nền thực dân do chính anh tạo lập.
Đừng cố gắng giữ nền độc tài cho tới ngày con cháu có thể thừa kế ngai vàng. Hãy thiết lập một thể chế mà nếu con cái quý vị xứng đáng, nhân dân sẽ trao “ngai vàng” cho chúng.
……………………..
[1] Đám đông không còn phần biệt Hàn Quốc, Nhật hay Đài Loan, trong số 315 công ty có nhà xưởng bị đập phá ở Bình Dương chiều 13 rạng sáng 14-5-2014, chỉ có 12 công ty của Trung Quốc và 5 liên doanh có đối tác là TrungQuốc (không tính Hong Kong).
————
Nguồn: Quê Choa