Tô Văn Trường
cựu Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc. viết:“Dư luận đang bàn về số phận cựu Bộ trưởng Đinh La Thăng... Đã có lần, khi thảo luận ở tổ trong Quốc hội về chức trách giám sát, tôi đã nói rằng: sai phạm của anh Thăng chỉ có trong thời gian làm dầu khí, còn khi làm Bộ trưởng Giao thông hay vào Bộ Chính trị, rồi làm Bí thư TP.HCM thì đều được đánh giá là tốt.Vậy mà suốt thời gian anh Thăng làm dầu khí, ở Quốc hội tôi thấy trên dưới đều ca ngợi là nguồn lực, là tiên phong... và có lẽ vì thế mà anh Thăng được thăng tiến. Như thế có nghĩa là: anh Thăng mắc sai lầm khi làm dầu khí, nhưng Quốc hội đã không thực hiện được chức năng giám sát, để mất của, mất người. Vậy thì trách nhiệm của Quốc hội ở đâu? Mà Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ đó lại chính là... ông Nguyễn Phú Trọng!?"
Câu hỏi của ông Dương Trung Quốc không chỉ là một nhận xét cá nhân, mà đã chạm đến một vấn đề mang tính hệ thống: Làm thế nào một cá nhân có sai phạm lại có thể liên tiếp được đề bạt vào những vị trí then chốt? Và khi sự việc vỡ lở, vì sao trách nhiệm dường như chỉ đổ dồn lên một cá nhân?
Một con người hành động và cái giá của sự va chạm
Là người từng theo dõi ông Đinh La Thăng, tôi có hai kỷ niệm nhỏ. Khi ông làm Bộ trưởng Giao thông, tôi từng viết bài báo “Bộ trưởng hay mắng và bị mắng”. Bài viết ghi nhận tinh thần quyết đoán, dám làm của ông, nhưng cũng cảnh báo rằng một người dám đụng chạm lợi ích nhóm, đặc biệt là các nhà thầu lớn, tất yếu sẽ bị “soi” và đối mặt với rủi ro. Sự quyết liệt đó, dù đem lại hiệu quả rõ rệt cho một ngành vốn trì trệ, cũng đồng thời tạo ra những đối trọng quyền lực không nhỏ.
Sau này, khi ông về làm Bí thư Thành ủy TP.HCM, tôi được mời góp ý về chiến lược chống ngập. Tôi đã bất ngờ nhận được thư cảm ơn do Phó Bí thư Thường trực Tất Thành Cang thay mặt Thường vụ gửi đến tận nhà. Hành xử ấy cho thấy một phong cách lãnh đạo cầu thị, trân trọng sự phản biện.
Không ai phủ nhận dấu ấn của ông Thăng ở Bộ Giao thông hay TP.HCM, nơi ông được xem như một biểu tượng cải cách hành động. Nhưng chính sự quyết liệt ấy, trong một môi trường chính trị phức tạp, có thể đã trở thành con dao hai lưỡi. Nó không chỉ giúp ông thúc đẩy công việc mà còn khiến ông trở thành tâm điểm của sự chú ý. Khi chiến dịch chống tham nhũng được đẩy lên cao, những sai phạm của ông từ thời kỳ lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí trở thành điểm yếu chí mạng mà các đối thủ chính trị có thể khai thác, và các cơ quan pháp luật không thể bỏ qua.
Hình ảnh Internet : Ông Thăng phát biểu không thể đánh đổi quyền lợi, tính mạng của người Việt Nam để được vay vốn
Bản án, công tội và những góc nhìn phản biện.
Bản án hơn 30 năm tù đã khép lại sự nghiệp của ông Đinh La Thăng, khẳng định quyết tâm xử lý sai phạm "không có vùng cấm" của Đảng và Nhà nước. Nhiều người cho rằng đây là minh chứng cho thấy hệ thống đang tự làm trong sạch, một sự "thức tỉnh" dù muộn nhưng cần thiết.
Tuy nhiên, liệu một nền tư pháp chỉ tập trung xử lý hậu quả đã là tối ưu? Sai phạm của ông Thăng là rõ ràng và phải bị trừng phạt. Lỗ hổng của hệ thống có thể tạo ra "mảnh đất" cho sai phạm, nhưng nó không thể là lời bào chữa cho những hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng cho tài sản Nhà nước.
Vấn đề đáng suy ngẫm hơn là tính hai mặt của câu chuyện. Nếu hệ thống giám sát của chúng ta đủ mạnh và minh bạch, có lẽ những sai phạm đã được ngăn chặn từ sớm, không để lại hậu quả nặng nề. Mặt khác, cũng cần nhìn nhận một cách công bằng: nếu ông Thăng là người "khôn khéo, biết né tránh, không quyết liệt, không dám va chạm, thì có lẽ con đường công danh của ông sẽ thênh thang hơn rất nhiều". Nhưng khi đó, liệu ngành giao thông có được những bước tiến vượt bậc, hay TP.HCM có được những luồng sinh khí mới? Đó là nghịch lý giữa một "người làm được việc" và một "cán bộ an toàn".
Để không lặp lại bi kịch: Cải cách từ gốc rễ thể chế
Bi kịch của ông Đinh La Thăng không chỉ là của cá nhân ông. Nó phơi bày những vấn đề lớn hơn của hệ thống:
Cơ chế giám sát và kiểm soát quyền lực: Việc ông Thăng được thăng tiến liên tục trong khi đã có những sai phạm từ trước cho thấy lỗ hổng trong quy trình thẩm định, bổ nhiệm cán bộ cấp cao.
Tính hiệu quả của giám sát nghị trường: Như ông Dương Trung Quốc đặt vấn đề, tại sao Quốc hội, với vai trò giám sát tối cao, lại không phát hiện được vấn đề vào thời điểm đó? Phải chăng các báo cáo bề mặt quá tích cực đã che lấp sự thật, và đại biểu thiếu cơ chế độc lập để kiểm chứng?
Sự thiếu minh bạch của doanh nghiệp nhà nước: Hoạt động của các tập đoàn kinh tế lớn vẫn là một "vùng xám", gây khó khăn cho sự giám sát hiệu quả từ bên ngoài.
Để những bi kịch tương tự không tái diễn, việc "xử lý một cá nhân" là chưa đủ. Cần một cuộc cải cách thể chế thực chất, tập trung vào việc hoàn thiện pháp lý để kiểm soát quyền lực, minh bạch hóa hoạt động của bộ máy nhà nước và các doanh nghiệp công. Quan trọng hơn cả là xây dựng một nền tư pháp nhân văn, đủ sức phân định rạch ròi giữa sai phạm do phá vỡ quy tắc để làm lợi cho cá nhân, và những rủi ro nảy sinh từ nỗ lực hành động vì lợi ích chung.
Không ai hoàn hảo. Nhưng một xã hội văn minh cần biết cách đánh giá con người một cách toàn diện, cả công và tội, cả khi ở đỉnh cao lẫn lúc thất thế.
1 nhận xét:
Gốc rễ của bi kịch Đinh La Thăng là sự mù mờ của cơ chế, thiếu minh bạch và quy trách nhiệm ko rõ ràng. Rút cục, Trách nhiệm cá nhân đi vào tù, còn Trách nhiệm tập thể ngồi lại tiếp tục chỉ đạo.
TBT Tô Lâm đang quan tâm và kêu gọi tháo gỡ điểm nghẽn của cơ chế. Thì vụ án ĐLT cũng là một sự việc cụ thể để các vị có trách nhiệm suy nghĩ. Cái khái niệm "lãnh đạo tập thể" nó nguy hiểm ở chỗ ko ai chịu trách nhiệm, và hòa cả làng. Rút cục Dt chịu thiệt, QG chịu thiệt, Dân than thở vì bóp miệng đóng thuế mà cuối cùng tiền bạc mồ hô lao động của dân cứ đổ sông đổ biển như vậy?
Đăng nhận xét