Translate

Thứ Năm, 20 tháng 7, 2017

Vượt Trường Sơn

Thế hệ chúng tôi đi qua chiến tranh
Bằng túi cứu thương và mũ rơm đi học

Giấc ngủ chập chờn, tiếng bom rung mặt đất

Trẻ con chui vào hầm chơi ô ăn quan
.
Thế hệ chúng tôi đi qua chiến tranh
Chiếc khăn thêu hoa tiễn người ra trận

Đón bạn về - nắm xương - trong chiếc ba lô
Lấm lem bụi đất
- " Nghĩa trang mặt trận phía Nam "
.....



.Kết quả hình ảnh cho lính giải phóng miền nam
.
Báo động di chuyển đơn vị lúc mờ sáng. Nhận lệnh xong anh Khiêm thiếu uý B trưởng dặn tôi cử một chiến sĩ ở lại bàn giao doanh trại, vườn rau… 
Cả D Tập trung đông đủ tại sân bóng tiểu đoàn. Đại uý Hoàng Đôn. D trưởng phát lệnh hành quân. Không hiểu từ đâu lá cờ nửa xanh nửa đỏ tung ra trước đoàn quân. - Cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền nam. Ra trận !
Bí mật đến giờ phút cuối nhưng không hiểu từ đâu loang truyền tin Đi B rồi. Ra trận rồi

Khi đó  trong Quân đội có những mật danh chỉ các mặt trận như: Chiến trường B là chiến trường miền Nam, chiến trường C là sang Lào, chiến trường K là Campuchia. Chiến trường miền Nam lại chia ra làm nhiều địa bàn như: B2 là mặt trận Nam Bộ, B3 là mặt trận Tây Nguyên và B5 là địa bàn Trị Thiên - Huế. 
Lên tàu đi B ở ga Hổ - Dụ nghĩa,  Anh em, đồng đội đã lặng lẽ chia tay gia đình, chia tay thành phố Hoa phượng đỏ  thân yêu để vào tuyến lửa. Khi đoàn tàu hú một hồi còi dài, dưới sân ga hàng trăm tiếng gọi, tiếng chào của người thân vang vọng. Vệ binh gác không cho gia đình áp sát cửa lên xuống.Trong tiếng ầm ào của bánh tàu nghiến xuống đường ray, tôi nghe bên cạnh có những tiếng nấc nghẹn ngào của đồng đội. Quả thật giây phút đó, tôi và nhiều anh em đều nghĩ rằng chiến tranh ác liệt, sẽ hiếm có cơ hội trở về. Nhiều anh em quỳ xuống sàn tàu bái biệt gia đình, người thân. Nếu chúng con không về …Nhớ ngày này là ngày giỗ chúng con.
Lạy mẹ con đi…!

 1137 là mật danh của Tiểu đoàn tôi khi đi B. Dừng lại Thường tín – Hà đông ( Trạm 1 đương dây XHXN ) bổ sung thêm quân trang, lương thực, vũ khí.
….Cũng tại trạm này tôi được kết nạp Đảng, phong Hạ sĩ, Tiểu đội trưởng thuộc khung đưa quân vào chiến trường.Từ môt học sinh, Binh nhất… qua hơn bốn tháng huấn luyện tôi đã trưởng thành. Nhớ lúc đi cặp với người yêu khi về phép đi B tôi đã cao nhỉnh hơn cô ấy hẳn một cái đầu. Chia tay người yêu nơi rừng dẻ Mai siu - Hà Bắc năm ấy. Để lại muôn vàn niềm thương nhớ....Tôi lên đường vào chiến trường.
 Tranh thủ viết thư cho gia đình, cà lá thư chia tay người yêu. Không hiểu sao Tôi khuyên cô ấy đừng chờ đợi ! …

 Nếu cứ đợi chờ nhau rồi hoá đá
Cõi nhân gian nước mắt sẽ không còn
 Chiến binh lỗi hẹn. Ra đi đâu hẹn ngày về…!
.


   Tiếp tục hành quân bằng tàu hoả vào đến Vinh, Bằng xe ô tô vào đến đất Cự Nẩm – Quảng Bình. Bổ sung thêm vủ khí , đạn dược …
Đêm đó hành quân bằng thuyền vận tải trên đất Quảng bình. Nghỉ một ngày, bổ sung quân tư trang tiếp. ..
    Tiểu đoàn gọn nhẹ lại đội hình, một số anh em ốm yếu ( Có tư tưởng, không nhận nhiêm vụ bằng cách này cách khác…được cắt lại ).
 Lúc này mỗi người lính chúng tôi mang vác chí ít cũng sấp sỉ 30 kg quân tư trang, súng đạn… Lặc lè như con lạc đà thồ hàng!
 Lại hành quân bằng ô tô. Nghe nói đây là chặng cuối còn hành quân bằng cơ giới. Xong đây là bắt đầu chuỗi ngày lội bộ, cứ đi 8 ngày được nghỉ một ngày để tắm giặt, nhận gạo…. Kệ ! Xác định rồi, Đời lính là chấp nhận hy sinh, gian khổ. Mưa lúc nào mát mặt lúc đó !
.

Mỗi bao tải xanh 50kg gửi vào chiến trường, bom đạn hao hụt, rơi vãi nhiều nên còn khoảng 47 - 48 kg Lính tráng mới 18, chưa gia đình ngồi giãi thẻ ra đong xem lần này nhận được bao nhiêu bát B52 ( Loại bát sắt phát cho lính )
Rồi chia cho 8 ngày ăn. Chí ít cũng để dành ra 1 bát để phòng khi lũ lụt, tắc đường..Thường gọi là lon gạo Cụ Hồ cất kỹ dưới đáy balo...Sức trai đằng đẳng hàng tháng trời hành quân gian nan vất vả…. Cơm chưa đủ no, thức ăn chỉ vỏn vẹn ruốc thịt trâu, muối. Rau cỏ thì tụt tạt dọc đường kiếm vơ. đổi được gì thì cải thiện thêm thứ đấy…
- ..." Có chú nai vàng giương đôi tai ngơ ngác ...!
Lời một bài hát nào đó hồi còn Huấn luyện ngoài Bắc thường nghe. Giời ạ! Lính đi mòn đường chết cỏ. Rừng mà đên cây củi khô đun cũng hiếm, lá rau ăn được cũng không còn thì ...Nai đứng đó mà ngơ ngác ?! Đòm một phát....Vô xo ong !

Đói khát… Hành quân qua cao nguyên Poloven - Lào. Đổi được trái bí rợ to hơn cái bát sắt chút, Chẻ ra cạp sống. Ăn miếng bí ấy xong tự nhiên người bừng bừng tiếp sức như ăn củ sâm vậy . Nói thế có biết củ sâm tròn méo thế ..éo nào đâu
.
Vào chiến đấu, nhất là xuống vùng có dân. Đánh nhau tuy có chết chóc nhưng rau cỏ, thịt thà…dù sao cũng có nguồn để cải thiện.
Mùa mưa mùa rèn cán chỉnh quân, cõng gạo…rút về cứ đói dài. Ngày ba bữa, mỗi bữa hai chén cơm độn bắp, mì…Chủ yếu rau môn dóc, môn thục, tai voi, cây móng ngựa….Rau tàu bay hay lá mỳ, lá sắn muối chua là tiểu táo đấy !

Hành quân vào chiến trường chưa đánh đấm gì ! Chiến với muỗi không tiểu đội tôi có đến 8 anh em thu dung gửi trạm. Tớ bị cảnh cáo Đảng với QĐ Xem xét lại tư cách không chuyển chính thức nếu không đảm bảo đủ quân sô. Mịa ! Đến mình tư tưởng chói loà cũng không biết bị chích ngã khi nào. Phải nói câu: Đi bằng cái đầu. Là chính !...Gần 4 tháng trời đằng đằng vào chiến trường Quảng ngãi, Quân tư trang súng đạn… ngót nghét 30 kG đã nghiến nát sức lực anh em, riêng cơm không đủ no, Thức ăn chủ yếu là ruốc thịt trâu, muối nên thèm khát rau, chất tươi…Không biết truyền miệng ra sao mà nhiều anh em đã biết mang theo chỉ thêu, kim may, kẹp ba lá...đổi cho dân tộc Lào, Bna, Strieng…lấy rau, sắn, măng rừng cải thiện. Thậm chí cả ảnh ông " Khốt " có hàm râu dài nói dối dân tộc là ảnh Ông Cụ...Những ngày cuối đên muối cũng không có mà ăn, Tết 70 chúng tớ gói 3 ngày bánh sẵn đón Xuân không muối...!     Thường thì …thoang thoảng mùi phân người là khiến người ta phải nhổ nước bọt, Nhưng đang hành quân mệt đến lả người mà thoáng thấy hơi phân lính tráng mừng ra mặt. Bãi khách gần lắm rồi. Sắp được quăng cái cối đá trên vai, nghỉ rồi, no rồi…Mưa lúc nào mát mặt lúc ấy....




   Vượt Trường Sơn không thể không nhắc đên một vật bất ly thân của lính đó là " Chiếc gậy trường sơn ". Có thể ví nó như cái chân thứ ba của lính. khua khoắng dò đường nhất là lúc vượt suối sâu, đêm xuống.... Giá đỡ ba lô khi tạm dừng vài phút hành quân đường xa, vai nặng. Chân phụ trợ sức cả khi lên và xuống dốc, mà đường thì trơn.... Đêm vượt đường 9, Lệnh tất cả phải bỏ gậy vì sợ lính chọc chạy linh tinh vướng mìn, rồi vết gậy để lại lộ đường hành quân. Cả Tiểu đoàn chui qua cống ngầm vượt đường. Hai phía đường vượt hai đống gậy cao như cái mả thằng ăn mày. Giao liên còn cẩn thận trải bạt cho đoàn quân vượt qua, sau đó xoá dấu vết. Gậy nhiều công dụng lắm. Đã có hẳn bài hát về nó đấy.
.
BÃI KHÁCH. thường là một khoảng rừng khá rộng, được bố trí gần một con suối, hay một khe nước để bộ đội tiện có nước sinh hoạt, nấu ăn….
Trạm nào cũng thấy có câu khẩu hiệu:
Hướng Bắc vào: " Chào đón lớp trẻ xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước "
Phía trong Nam ra: " Nhiệt liệt chào mừng các Đ/c hoàn thành nhiệm vụ về với hậu phương lớn"   Nghĩ trong bụng mà đâu dám nói ra. Biết ngày nào mình được đi qua cái cổng chào này ra Bắc nhỉ ? Nhiều aem tếu táo đi qua cổng dăm mét rồi quay ngược lại hành quân hướng ra Bắc. Nhìn nhau cười muốn mếu !
.
    Nhận 1,5 Kg ruốc thịt trâu tại ga Hỗ - Hải Phòng, bập vô lính nào cũng chê mặn, phải trộn thêm đường vô. Hành quân gần hơn 2 tháng Ruốc vơi hẳn, Không biết khi nào tới vì cứ miệt mài đi, sợ hết ruốc nên lính lại lấy muối trộn vô, thậm chí trộn thêm vỏ quýt khô, ngò gai...độn thêm. Tháng thứ 4 vào đên đất Quảng Ngãi muối ăn cũng hết nói chi đên ruốc. Nồi canh lõng bỏng nấu chung nhưng miễn nêm ! Muối, ruốc... của ai người ấy ăn....
.
    Tiểu đội mình còn lại 4 người, Ghép thêm Tâm A9. Đồng A8. Chia thành 2 tốp, mỗi tốp 3 người. Hành quân theo ...Cái nồi. He he...
-  ( Biên chế lúc đầu mỗi A có 3 xoong. Xoong 12, xoong 5, và xoong 3.
Xoong 3 của tiểu đội bị Tiểu đoàn phó Thắng rút K54 bắn thủng khi vừa kết thúc Binh trạm qua Lào. Xoong 5 Bình " cồ " sôt rét cõng luôn vô trạm nằm. Thành thử Tiểu đội ( 6 người ) có mỗi cái xoong 12. Lượt nổi lửa đầu lo nước uống, đổ bidon..,.Lượt 2 nấu cơm ăn cơm vắt..Lượt ba khỏi rửa cứ để cơm cháy vậy chế nước vào, nấu lên. măng, rau, ốc...vào tất thành canh...Toàn quốc.
 
Dừng chân phải tranh thủ hết sức, Ai lo củi lửa, bếp Hoàng Cầm, Ai lo nước nôi…và nổi lửa. Ai được lấy gạo trước…Lo nước trước để chế cho mỗi người một bidon mai hành quân, tiếp theo cơm vắt cho sáng và trưa mai, xong mới đến cơm chiều…Tất cả phải xong trước khi trời sập tối. Cần phải đi đâu chỉ biết cầm gộc than củi cháy dở quơ quơ soi đường. Đêm rừng sâu tối đen như mực, giun dế ỉ ôi. Không đèn, không trăng sao…
Cơm no xong lục balo lấy bộ khô sạch mặc ngủ cho ấm. Bộ ướt dơ…máng tạm đầu vỏng mong hong ráo chút, mai mặc lại hành quân tiếp. Chua lòm mùi mồ hôi , bùn đất hơn tuần chưa giặt…
Đập chân lên võng, ngủ vùi…
Đâu đó nỉ non ....
- Việt nam yêu dấu ơi, Bao giờ thanh bình ?
Con tim chân chính không bao giờ biết đên nói dối. Con đi chiến chinh qua bao năm trường đường miệt mài…

.Không biết bài này từ đâu nữa, lính Hải Phẹt mà…
.
.
 Cả Tiểu đoàn mới được trang bị một đài Oorrionton cho Ban chỉ huy theo dõi tin tức, Vài bữa thì tịt luôn không biết do hết pin hay hỏng do va đập…?

Những năm tháng đó đài TNVN có kênh phát lính gọi vui là “ nhạc hành quân “ Nghĩa là không có giới thiệu gì hết, hát liền tù tì hết bài này qua bài khác . 7/7 và 24/24 ( kiểu như kênh FM ngày nay ) Để động viên lính hành quân, vận chuyển đạn dược…Nghe nói còn là Mật lệnh quy ước khi phát bài gì đó là lính tráng Hợp đồng tác chiến một nhiệm vụ gì đó
.
  Kinh nghiệm truyền đời là có đói mấy cũng phải lo nước uống, cơm vắt cho ngày mai trước, rồi mới được đến phần cơm chiều. Lở no bụng rồi là lính tráng lỉnh ra, nằm kềnh, mặc cán bộ la hét…Một bụng căng, lỏng bỏng… thổi lửa không xong !
.

  Lính mệt đên nỗi đêm lỡ mắc tiểu nằm trên võng tương xuống luôn, khỏi dậy mất giấc ngủ. Món này phải tập nhá, không dễ đâu. Không tin các bạn cứ thủ coi
.

  Võng bạt khổ 1,2 m, lính tháo quăng bớt khổ táp 0,2 cho nhẹ, Nặng đến nỗi giản ước hết những gì không cần thiết. Trước tiên là giấy tờ viết thư, ngay cả thơ người yêu. Áo dệt đông xuân, chăn chiên.... vắt bỏ lại dọc đường hành quân. Có cảm giác đên cái cúc quần cũng muốn dứt bỏ bớt cũng nhẹ
.
Qua đất Quảng nam đúng mùa mưa, dầm dề cả tháng cơ khổ là khốn nạn. Rừng càng âm u, lạnh rét, Vát muỗi vo ve…Khổ nhất là kiếm củi đun. Nhiều như củi rừng nhưng quân đi mãi củi cũng đên cạn, nhất là củi khô. Tiểu đội phải chia ra làm hai, một nữa hành quân kịp theo đội hình nhận vị trí tạm trú, lấy nước…Nhất là vơ nhặt củi khô. Nửa còn lại tụt tạt vào bản dân tộc đổi rau bí, măng…hay vô rẩy hoang kiếm rau tàu bay, thân chuối… Mà quân đông qua, ngày nào cũng hành quân qua lại đến củi, lá rừng cũng cạn kiệt nói chi rau. Củi đun phải mò ra đường thồ bóc cây lót đường chống lầy cho xe Oto, mang xuống suối rửa sạch bùn, dùng dao găm tước nhỏ thành mảnh, xé mặt nạ phòng độc Liên xô ra nhóm lửa. Có những hôm cơm nấu hầu như bằng qua dép cao su dự phòng, mặt nạ dự phòng …cơm vàng như nghệ ám mùi cao su….cũng đành nuốt vậy
.
Ruột nghé gạo quấn quanh bụng, hay choàng qua nóc ba lô…dễ bị ướt mưa hoạc ngấm mồ hôi, ẩm. khi củi lửa không đủ nóng cho hạt gạo sôi bùng lên nên bên ngoài hạt gạo boc một lớp hồ mà trong lõi vẫn sống đục đục. Cơm …chín chưa được mười, lực xà lực xực… Nhất là những vùng ác liệt, cấm lửa khói nên cơm nấu vắt ba ngày, củi lửa không ra hồn, cơm đâu chín mà vắt lại được đành cứ lão nhà lão nhảo vậy mà xúc chia vào túi đựng cơm. Qua ngày sau chua loét. Xúc thìa cơm vô miệng lạnh ngắt, thiu thiu mà rớt nước mắt…..Khổ quá. Đường ra trận đâu chỉ có …Mùa xuân, nhưng không ngờ gian khổ đên như vậy ! Nhất là “ lính kiểng thành phố “. Tiếu đội mình không có ai đào ngũ nhưng 8 anh em ( 2/3 quân số ) phải thu dung nằm lại trạm giao liên …

 Đơn vị hành quân - bạn nằm lại bên đường.

Mộ đắp vội không khói hương bia đá.

Tiễn đưa nhau trong chiều mưa lạnh giá .
Đặt lên đầu mộ phiên đá
                   - không kịp đục tên bạn làm bia !


  Mình nhờ có rèn luyện…rồi ” Đảng viên gương mẫu đầu tàu “ nữa…Nên sau bốn tháng hành quân đã vào được đên E21. F2 .đóng ở Ba tơ – Quảng ngãi. Phải nói đi bằng ý chí, bằng cái đầu. nằm lại dễ lạc ngũ, có thể phải bổ sung vào bất cứ đơn vị nào nếu chiến trường cần…May rủi nhờ số cả.
Câu Nam chuồn, Thanh trốn, Thái bình bay…lính thời ấy ai cũng biết
.
- Có một điều tiên quyết là khát mấy… cùng lắm là uống nước suối có pha viên lọc. Còn không uống nước lã. Một ngày chỉ gọn một bidong nước. Mang vác nặng, đường xa…Mồ hôi vã ra như tắm, uống chỉ vừa thấm họng, vượt qua được cơn khát giờ đầu là cầm cự suốt ngày. Nếu uống cho đã miệng thì uống bao nhiêu vã thành mồ hôi bấy nhiêu và uống bao nhiêu cũng không đủ. càng uống càng khát.

- Thứ nữa là mình rất đều đặn, ngày nào cũng uống thuốc phòng sốt ret đều đặn. Navaquyn ngày đó lính ta ai mà chẳng biết. Kinh nghiệm cuộc kháng chiến chống Pháp Ba mình dặn đi dặn lại khi mình vô chiến trường đã giúp mình thắng được…Muỗi ! Nói vậy chứ hơn một năm sau trong một đợt đi công tác ra Quảng Nam – QKV. Bị mắc càn chặn đường bật tuốt lên Gia lai, đổi ăn …còn mỗi bộ đồ cộc mặc trên người, thuốc men không đầy đủ mình bị sót ác tính. Tưởng chết trận đó, mò được về đên đơn vị anh em chỉ nhận ra nhờ… Cặp lông mày rậ
m !( lúc nào rảnh sẽ kể về chuyến đi này ).




    Quân đến rồi lại đi, một ngày, một tháng, một năm có biết bao đợt quân vào, quân ra, có mấy ai nhớ tên binh trạm, có mấy ai nhớ đến những cô gái giao liên nhỏ bé, đội mũ tai bèo, vai khoác súng AK, bước chân nhanh như sóc, mỗi ngày đi hàng chục cây số, dẫn quân vượt qua các vùng rừng không dân, qua các tọa độ lửa để về nghỉ ngơi một đêm tại bãi khách an toàn. Cũng chính những cô giao liên tuổi mười tám, đôi mươi đó khi cần lại trực tiếp dìu một anh bộ đội bị ốm, hay khoác giúp cái ba-lô cho một chiến sĩ bị sốt rét rừng hành hạ. Những năm tháng chiến tranh, ai đã có dịp hành quân dọc Trường Sơn trên các tuyến đường quân sự, hẳn không thể quên hình ảnh của những đội nữ thanh niên xung phong phá bom, sửa đường ở các trọng điểm, hoặc những nữ chiến sĩ giao liên ngày đêm như con thoi trong rừng già, dưới bom pháo kẻ thù, dẫn những đội quân từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường. Lính là gian khổ, nhưng lính gái còn gian khổ hơn gấp nhiều lần con trai. Những năm tháng ở chiến trường sau này, có điều kiện tiếp xúc...càng cảm phục sự hy sinh thầm lặng. sức chịu đựng của nữ chiến sĩ Giái phóng quân.....

.ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN – HUYỀN THOẠI CỦA QUÁ KHỨ, THỰC TẠI VÀ TƯƠNG LAI
https://www.facebook.com/media21official/videos/1959409270765510/

Lúc huấn luyện đi B. Một câu khẩu hiệu chúng ta thường nghe ngày ấy
- “ Thao trường đổ mồ hôi. Chiến trường bớt đổ máu “.
Thật ra hai môi trường này khác nhau nhiều lắm. Lính mới ít nhất phải trải qua dăm trận và chịu sự kềm cặp, chỉ bảo từ kinh nghiệm sương máu của lính củ mới mau trưởng thành, dày dạn. tránh những trường hợp đổ máu đáng tiêc. Những bài học phải trả giá bằng chính sương máu người lính.
Vẫn biết vào chiến trường là gian khổ…Nhiều lúc gian khổ, ác liệt… vượt lên cả sức chịu đựng, muốn buông xuôi, phó mặc…Chết cho nhẹ nợ. Khổ quá…!
Hành quân được mươi ngày mình nghĩ ngồi viết kể ra gian khổ cả tháng không hết chuyện, Đi cả tháng gian nan vất vả…vượt qua nghĩ cũng thường thôi.
Hết khổ rồi đời lại vui thôi. Nước sông công lính, Trẻ nữa chưa vướng bận vợ con gia đình…Lỡ nằm xuống cũng thanh thản như một câu thơ của Tố Hữu:
- …” Lòng khoẻ nhẹ như anh dân quê khi cày xong thửa ruộng
       Ngữa mình trên liếp cỏ ngủ ngon lành “….
.

Chiến tranh đã lùi xa, những danh từ thời chiến như địa danh dốc Nguyễn Chí Thanh, dốc 1000 bậc. dốc 3 thang… BINH TRẠM, BÃI KHÁCH, ĐƯỜNG GIAO LIÊN. Binh trạm XHCN.Tuyến ngang xương sống huyết mạch rẽ  xuống Đông đường: Binh trạm Giải phóng, những trạm Dân, trạm Lập ( Tên của trạm trưởng … ) quen thuộc với người lính một thời chưa xa, Nhớ lắm một một thuở Hào hùng nhưng cũng rất …Bi hùng xưa
     Trường Sơn Đông nắng Tây mưa
     Ai chưa đên đó thì chưa rõ mình.
( Rảnh sẽ kể tiếp...)
.
Cùng nguon:

*

Không có nhận xét nào: