Translate

Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2017

DÂN và ĐẤT.

Mấy hôm nay, nhiều inbox hỏi mình: nhà báo biết thông tin gì chưa? Phóng viên có thông tin về Mỹ Đức không? Phóng viên xem clip đi?... Nhiều thông tin xung quanh câu chuyện ở Đồng Tâm khiến nhiều người đọc, xem và có suy nghĩ không khỏi băn khoăn. Thêm một vụ việc nóng bỏng liên quan đến đất, mà đến thời điểm hiện tại, nút thắt vẫn chưa được gỡ. Một cuộc đối thoại với những cấp có thẩm quyền – mà người dân vẫn chưa mất niềm tin vẫn tiếp tục được chờ đợi. Thế nhưng, điều khiến nhiều người suy nghĩ, là nếu không giải quyết tận gốc vấn đề này, thì những Thái Bình, Tiên Lãng, hay Đồng Tâm…. Sẽ tạo nên một tiền lệ….



Từ khi Luật đất đai năm 2003 có hiệu lực đến sau khi Luật đất đai sửa đổi sau đó đi vào hiện thực, đã có cả triệu bộ hồ sơ khiếu kiện liên quan đến đất đai. Và có một điểm chung trong các vụ khiếu kiện, là trong khi chính quyền luôn lập luận là họ làm theo luật, thì người dân lại bảo là không!
Làm báo mấy năm, tiếp xúc với nhiều hồ sơ, giấy tờ, đơn kiện, đơn kêu cứu khẩn cấp… giở ra, đều liên quan đến đất. Đôi khi, thấy khổ, thấy thương… đúng như một tiền bối của mình – đại nhà báo trong mắt mình, nhận xét một câu không khỏi chạnh lòng: làm báo, ngoài chữ, chẳng có gì khác, cứu sao nổi được đây?
Hôm nay, đọc bài báo của Bảo Hà – người từng sống chung trong một căn phòng cùng KTX với tôi những năm đầu tiên học đại học. Người từng muốn bỏ dở ngành báo chỉ vì nhầm lẫn “báo in = in báo”, một cô gái hiền lành, nhu mì, và đầy nội lực, đầy tình cảm trong phòng ngày đó, khiến mình vô cùng bất ngờ với một bài báo dũng cảm, được đăng ở một tờ báo và một tòa soạn báo vô cùng dũng cảm… Mừng và cảm phục bạn vì đã chuyển tải những thông tin chính xác nhất ở khu vực cần chuyển tải thông tin nhất tới mọi người. Với nghề báo, đó là điều đáng quý, đáng nể và đáng trân trọng!
Trước khi luật đất đai sửa đổi đi vào thực tế, cơ quan làm một cuộc tọa đàm góp ý, phát trực tuyến, trực tiếp, tiếp nhận câu hỏi của khán giả qua đường dây nóng. Tọa đàm mang tên “Dân và đất” có sự tham gia của Luật sư, nhà quản lý, cả người nông dân tham gia tọa đàm… đều thẳng thắn trao đổi về những vấn đề hạn chế trong Luật đất đai năm 2003, để góp ý và sửa đổi. Trong cả buổi giao lưu đối thoại, có những lúc, cảm giác như nóng ran trên bàn Tọa đàm. Những trao đổi về vấn đề đất đai, giữa người dân và nhà quản lý, giữa dân và luật sư… khiến những người chứng kiến một phen hú vía. Đường dây nóng trong thời điểm đó, nóng ran đúng nghĩa. Những câu hỏi, những ẩn ức, những thắc mắc của người dân gửi liên tục. Cảm giác, người dân chỉ cần có thêm 1 cơ hội để nói, để trình bày, để khiếu kiện… là họ sẽ tận dụng đến cùng.
Nhiều người nói về những “bài học đất” ở Việt Nam, những vụ như Thái Bình, Tiên Lãng – Hải Phòng, Văn Giang – Hưng Yên, hay gần đây là ở Mỹ Đức – Hà Nội. Những sự vụ này, sau đó cũng được chính quyền và người dân đi đến cách giải quyế có vẻ như là ổn thỏa nhất cho cả hai bên – hoặc là cứ cho là buộc phải ổn thỏa vậy. Đặc biệt là vụ đất đai liên quan đến ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, một nông dân đặc biệt, vừa trở về từ nhà tù! Câu chuyện của ông Vươn diễn ra hơn 5 năm trước, khi có hơn 100 cảnh sát, bộ đội cưỡng chế, thu hồi đất của gia đình. Người ta chứng kiến cảnh một số người đã gài mìn tự chế trong vườn, cầm súng hoa cải chống lại. Bốn cảnh sát và hai cán bộ huyện đội bị thương, trong số này có người đứng đầu công an huyện Tiên Lãng. Một ngày sau, ngôi nhà của ông Vươn bị phá hủy. Câu chuyện của ông Vươn, mà sau đó được Hải Phòng ví như một “trận đánh đẹp” đã được Chính phủ giải quyết một cách ổn thỏa. Tách những cái sai để xử lý đúng!
Và mảnh đất, ông Vươn ở Tiên Lãng giờ đây được biết đến như là câu chuyện của một người nông dân, gắn bó và yêu mảnh đất, yêu cái đầm của ông ta như hơi thở của mình. Tôi từng đến đầm nhà ông Vươn không ít lần, cả khi ông đang ngồi tù, ở nhà chỉ có đàn bà con gái. Trên cái cánh đồng rộng thênh thang, trên con thuyền bé tí teo, chúng tôi giăng từng mẻ lưới nhỏ. Ông Vươn đi, vườn cây ao cá tiếp tục ở lại nuôi sống gia đình và vợ con ông.
Ngày ông Vươn về, tôi xuống tận nơi. Tận mắt xem cánh đồng, đầm tôm, ao cá, chuồng vịt… những thứ mà chỉ trước đó, hoang vu vì vắng bàn tay của người đàn ông yêu đồng ruộng. Nay khác. Hàng nghìn con vịt biển quang quác khắp nơi. Những mảnh rau xanh mướt mắt. Tôm cá đầy trong đầm. Ông Vươn nói cả ngày không chán, về những kế hoạch chăn nuôi, gieo trồng. Về những ô đất này sẽ xây thành nhà máy làm thức ăn cho vịt, khu này nuôi thêm con công, con trĩ… Có sức người, sỏi đá cũng thành cơm!
Đó là chuyện của một người nông dân từng vướng vào vòng lao lý, vì đất.
Cũng có những câu chuyện, ở những ngôi làng, giống như ngôi làng ở Đồng Tâm, Mỹ Đức. Người dân, sau những ngày khiếu kiện, chờ đợi, đã phản ứng một cách vô cùng cực đoan, đẩy mình vào thế đối đầu, kiểu một mất một còn với chính quyền, nhằm giữ đất… Tôi từng cùng ekip đến làng Ninh Hiệp, khi cả nghìn dân bỏ chợ, mang cả quan tài ra nằm cạnh chợ, cho cả trẻ em nghỉ học để phản đối giải tỏa khu đất công cạnh chợ đó! Kíp có 4 người. Lái xe ở bên ngoài, 3 anh em vào trong. Cả kíp cũng từng bị người dân bắt lại khi đang loay hoay quay và ghi hình về sự việc đó. Cũng là những cặp mắt đỏ ngầu vì tức giận, những bàn tay cố giữ, thu lấy toàn bộ máy ghi hình và điện thoại của anh em! Họ bắt chúng tôi ngồi xóa hết từng hình đã ghi được, kể cả trong điện thoại, mời cả quay phim của nơi khác tới, xóa cho bằng hết những gì trong máy quay! Đó là lúc họ nghi ngờ cả nhóm tới với mục đích xấu. Thế nhưng, xóa hết rồi, tới lúc giơ thẻ, giải thích, thì người dân lại phản ứng một cách hoàn toàn trái ngược! Tới lúc hiểu được mục đích thì mọi thứ ghi được từ trước đó đã hoàn toàn bị gỡ bỏ. Lúc đó, dân lại là người xuống nước. Họ dẫn phóng viên đi quay, chỉ từng khuông đất, từng khu vực đang ảnh hưởng tới kế mưu sinh của họ… Đến lúc chương trình lên sóng, vẫn có những cuộc điện thoại liên tiếp của người dân, họ muốn tâm sự, muốn giãi bày, muốn đối thoại, và muốn xin lỗi chúng tôi…
Thường thấy, người dân ít khi phản đối khi chính quyền, nhà nước thu hồi đất nhằm mục đích công, nhằm xây dựng những công trình trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa với cả cộng đồng. Những mối bức xúc, những ẩn ức chỉ bị đẩy lên, khi đất đai – tư liệu sản xuất của họ bị tịch thu và được đền bù với giá vô cùng rẻ mạt. Rồi cũng chính khu đất đó, được chia năm xẻ bảy, vuông vắn bán phân lô hoặc mọc lên những khu công nghiệp, những nhà cao tầng giá trị gấp cả chục cả trăm lần…
Dân có đất, có kế mưu sinh. Mất đất, nhận tiền đền bù rẻ mạt, rồi chấp chới, và rồi cũng từ đó, mọc lên những ngôi làng “bỗng dưng thành đô thị”, những ngôi nhà cao tầng, rộng thênh thang, nhưng trong nhà không có bất cứ một thứ gì khác. Nông dân mất đất, không công ăn việc làm, và lay lắt trên những đồng tiền đất của mình… Mọi thứ tiêu cực cũng từ đây mà nảy nở. Ở Đồng Tâm nay cũng vậy. Từ những cái sai ở địa phương, những khiếu kiện – ung nhọt lâu ngày không được giải quyết khiến mọi thứ bùng phát. Hôm nay, lại ấn tượng với phát biểu của Chú Nguyễn Sỹ Dũng: “Cứ nghĩ mà xem, với những kẻ ngoại bang xâm chiếm biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc chúng ta còn đối thoại được, thì tại sao với những người dân của chính mình lại không?”… Ông Nguyễn Đức Chung cũng đã được giao xử lý, đối thoại với người dân. Chúng ta cùng chờ đợi mọi nút thắt ở Đồng Tâm sẽ được giải quyết trước mắt.
Thế nhưng, xa hơn, mọi thứ cần phải được trả lại đúng vị trí, và đi đúng hướng của nó. Điều này, tôi chờ đợi ở một người khác!


Không có nhận xét nào: